Đó là tâm sự của cô Bùi Thu Hương – giáo viên Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Sông Mã (Sơn La).
Bữa trưa chỉ... 5.000đ
Cô Hương sinh ra và lớn lên ở vùng đất Sơn La. Sau khi học xong THPT, với niềm mong mỏi được mang con chữ đến với học sinh vùng khó, cô quyết tâm đi học sư phạm. Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH sư phạm Hà Nội, nhiều bạn bè cùng trang lứa muốn ở lại Thủ đô hoặc đến những vùng đất mới, thuận lợi để dạy học.
Tuy nhiên, cô Hương quyết định trở về quê hương để dạy học. Ở đó có những học trò mà mùa đông áo không đủ ấm, dép không đủ để đi, thậm chí không có gì để ăn vào những ngày mùa giáp hạt. Song các em luôn ánh lên niềm tin, sức sống mãnh liệt và sự lạc quan để cô Hương quyết tâm đồng hành cùng học trò, mang tri thức, niềm tin và thắp thêm ước mơ đến trường của các em.
“Hơn 10 năm qua, mỗi ngày đến trường, mỗi lời tâm sự, chia sẻ của học sinh về học tập, về bản thân, gia đình, đặc biệt là nỗi khó khăn, vất vả khi đến trường… như động lực để tôi nỗ lực, cố gắng và tiếp tục gắn bó với các em” – cô Hương bộc bạch.
Nhớ lại kỷ niệm khó quên, cô Hương chia sẻ: Hôm đó, vào tiết cuối, sau giờ dạy, khi học sinh trong lớp đã ra về; cô thấy một học sinh chưa đứng lên. Qua tìm hiểu được biết, học sinh ở lại để chiều đi lao động, trồng hoa ở trường, tạo quang cảnh sư phạm xanh, sạch, đẹp.
Cô Hương cũng biết được phần nào hoàn cảnh của học sinh – một gia đình còn nhiều khó khăn. Bố mẹ không sống cùng nhau. Em ở với ông bà đã già và một người cậu nhưng mọi chi phí sinh hoạt của em đều do ông bà lo toan, gánh vác.
“Tôi hiểu rằng, ở vùng đất còn nhiều khó khăn này, rất nhiều gia đình chỉ trông chờ vào những nương ngô, nương sắn. Việc cho con ăn học dường như là quá sức với họ” – cô Hương cho hay.
“Biết hoàn cảnh khó khăn của học sinh, tôi hỏi: trưa nay em ăn gì? Em trả lời, đã có 5.000đ để ăn trưa. Nghe em nói vậy, tôi ngừng lại trong giây lát, lòng quặn thắt đau. Đối với nhiều người, 5.000đ là số tiền lẻ, rất nhỏ nhưng với học sinh đó thì là một bữa no, là sự ấm áp từ người thân dành cho em. Nghe học sinh đó kể, có hôm đi học em còn nhịn đói đi học.
Lục tìm trong túi, còn sót 10.000đ, tôi vội vàng đưa cho học trò của mình để mua gì ăn thêm. Song, đằng sau câu chuyện “bữa trưa 5.000đ”, tôi mong muốn, dù sau này có đi đến đâu, hay ở phương trời nào em cũng luôn cố gắng, lạc quan và hướng về phía trước” – cô Hương bày tỏ.
Cô Bùi Thu Hương vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022). |
Cô – trò cùng vượt khó
Những ngày sau đó, cô – trò vẫn tâm sự với nhau. Em còn nói, dù khó khăn đến đâu, em cũng quyết tâm không bỏ học. Em sẽ luôn cố gắng trong học tập để sau này có việc làm ổn định, thay đổi cuộc sống.
Với cô Hương, đó là câu chuyện khiến cô có nhiều suy nghĩ và day dứt khôn nguôi. Cô muốn chia sẻ với những đồng nghiệp, bạn bè và mong muốn học trò của mình không chỉ có những bữa cơm no, mà còn có cả những bữa cơm ngon, được hưởng những điều kiện tốt hơn khi đến trường.
“Tôi cũng mong muốn, học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa luôn có sự đồng hành, chia sẻ của các tổ chức đoàn thể, của các nhà hảo tâm để các em được no ấm hơn khi đến trường”- cô Hương chia sẻ.
Theo cô Hương, giáo viên giáo dục thường xuyên ở miền núi gặp nhiều khó khăn. Trung tâm giáo dục thường xuyên thường đào tạo nhiều đối tượng học viên khác nhau nên chất lượng không được đồng đều. Nhiều em không trúng tuyển vào các trường THPT công lập nên chuyển sang học giáo dục thường xuyên.
Ngoài ra, người học đa dạng về lứa tuổi. Đa số học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, các gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm tỉ lệ lớn, nên chưa thực sự quan tâm đến việc học tập của con em mình.
Cô Bùi Thu Hương là một trong 60 giáo viên tiêu biểu được Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2022). Cô là một trong những giáo viên không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, hằng ngày bám bản, bám làng để gieo con chữ cho học trò vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Với tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, cô chủ động tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng đổi mới sáng tạo trong dạy học, truyền cảm hứng cho các thế hệ học trò vùng khó.