Khuyến nghị cơ chế BHXH cho lao động mới

GD&TĐ - Tạo cơ chế chính sách về bảo hiểm xã hội (BHXH) cho nhóm lao động mới để họ có cơ hội tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng nhân lực, qua đó đóng góp trở lại cho sự phát triển của nền kinh tế.

Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang.
Tiếp nhận và giải quyết hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động ở Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Hà Giang.

Vai trò điều tiết thị trường của Nhà nước

Tại tọa đàm về giải pháp phát triển nguồn nhân lực tổ chức mới đây, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, ông Trần Thanh Hải cho biết, các nhóm như lao động trẻ từ 17 tuổi là học sinh tốt nghiệp hệ 9+; lao động bị thu hồi đất nông nghiệp; lao động nông thôn chuyển đổi nghề, lao động là người cao tuổi... Nếu áp dụng các chế độ đóng BHXH như hiện nay thì đó là một gánh nặng cho người sử dụng lao động.

Nên chăng, Nhà nước có chính sách đóng các quỹ bảo hiểm nhẹ hơn đối với các nhóm đối tượng lao động này. Để họ có nhiều cơ hội hơn trong tiếp cận việc làm mới. Đồng thời, doanh nghiệp cũng giảm được áp lực tài chính trong việc thực hiện các nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Theo ông Hải, trong vai trò là người sử dụng lao động, cơ sở đào tạo cũng phải đóng BHXH hàng trăm triệu mỗi tháng. Còn đối với các doanh nghiệp trong khu chế xuất nơi có hàng chục, hàng trăm nghìn lao động thì con số này là rất lớn. Trong khi đó, nhiều đối tượng lao động còn chưa hình dung được số tiền đóng bảo hiểm là để làm lương hưu cho họ sau này.

“Nếu chia đều 32,5% mức đóng các quỹ bảo hiểm cho người lao động và người sử dụng lao động thì họ rất khó khăn. Vì vậy, sự tham gia của Nhà nước có thể khơi thông “dòng chảy” việc làm cho các đối tượng lao động đặc thù này” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: Tất cả người lao động tham gia đóng BHXH được điều tiết bằng Luật BHXH, nguyên tắc đóng hưởng bảo hiểm là bình đẳng đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.

Tuy nhiên, đối với một số nhóm lao động đặc thù như lao động nông thôn phải chuyển đổi việc làm, hay lao động trẻ tham gia sớm vào thị trường lao động, thì Nhà nước cần có cơ chế chính sách để khuyến khích, hỗ trợ, để họ có thể dễ dàng tiếp cận, đóng, hưởng BHXH.

Vai trò điều tiết thị trường lao động của Nhà nước là thông qua việc ban hành chính sách, tạo điều kiện để thị trường lao động vận hành hiệu quả nhất.

Chưa thích ứng với quan hệ lao động mới

Đây là một bất cập được ông Phạm Trường Giang - Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ LĐ-TB&XH nêu ra, theo đó hệ thống tổ chức BHXH mặc dù đã từng bước được đổi mới, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, phát huy được vai trò, tính hiệu quả, việc giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động có nhiều tiến bộ.

Tuy nhiên, việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm…

Đánh giá được những kết quả và hạn chế nêu trên, Ban chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, BHXH và ưu đãi người có công đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá để tìm ra nguyên nhân thực sự, qua đó đã trình Bộ Chính trị xem xét trình Ban chấp hành Trung ương thông qua Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.

Trong đó, đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó bao gồm nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện. Khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền BHXH.

Trong những năm qua, chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm thay thế, hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Nếu như năm 1995 mới chỉ có khoảng hơn 2 triệu người tham gia BHXH thì đến nay, con số này đã trên 15,5 triệu người, chiếm 33% lực lượng lao động trong độ tuổi. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ