Cách nào tăng người tham gia bảo hiểm xã hội sau dịch?

Cách nào tăng người tham gia bảo hiểm xã hội sau dịch?

Nhiều người dừng đóng Bảo Hiểm trong mùa dịch Covid-19

Đại dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung và BHXH bắt buộc cũng như BHXH tự nguyện.

Đơn cử tại Hải Dương, ông Vũ Đức Khiên, Phó giám đốc BHXH tỉnh này chia sẻ, từ đầu năm đến nay, theo ghi nhận đã giảm 21.600 lao động BHXH bắt buộc, nguyên nhân do một số doanh nghiệp giảm quy mô sản xuất, giảm lao động do dịch Covid-19.

Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng hơn 770 người nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu bởi thời gian dịch bệnh, ngành BHXH địa phương không tổ chức tuyên truyền tại các khu dân cư, các hộ gia đình.

Còn theo bà Đinh Mai Hạnh, Phó trưởng Ban Thu, BHXH Việt Nam, ước tính đến ngày 30/4, số người tham gia BHXH khoảng 15,321 triệu người, trong đó BHXH bắt buộc khoảng 14,764 triệu người (giảm 780.000 người so với thời điểm hết năm 2019), BHXH tự nguyện khoảng 557.000 người (giảm 16.000 người so với thời điểm hết năm 2019 là 573.000 người).

Lý giải trước sự sụt giảm này, bà Hạnh cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp không nhập được nguyên liệu sản xuất; Người lao động không đến ứng tuyển tại các doanh nghiệp có nhiều chuyên gia đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vì lo sợ bị lây dịch bệnh.

Ngoài ra, trong tháng 4, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn, tạm ngừng hoạt động, cắt giảm lao động, giảm giờ làm, người lao động không có việc làm phải nghỉ việc, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dịch vụ (GTVT, du lịch, khách sạn, nhà hàng).

Liên quan tới BHXH tự nguyện, bà Hạnh chia sẻ: “Dù năm 2019 phát triển rất tốt, nhưng từ đầu 2020 đến nay, do dịch bệnh cho nên hầu như không phát triển được đối tượng mới. Người tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là lao động tự do, trong thời gian dịch bệnh không có việc làm nên họ cũng dừng đóng”.

Nỗ lực phát triển BHXH toàn dân

Theo ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH, Bộ LĐ, TB&XH, cùng với việc từng bước kiểm soát được dịch bệnh, những nỗ lực của Chính phủ cùng sự quyết tâm của các cấp, các ngành đã từng bước giúp khôi phục lại nền kinh tế, tạo tiền đề để cả nước phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu theo đúng kế hoạch đã đề ra...

Hiện là thời điểm quan trọng để ngành BHXH thực hiện mục tiêu mở rộng độ bao phủ BHXH tự nguyện, dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn nhiều thách thức.

Bà Mai Hạnh cũng chia sẻ, BHXH Việt Nam đang nỗ lực triển khai Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân (tháng 5/2020) để mang lại hiệu quả với sự chung tay tuyên truyền của nhiều ban, ngành, đoàn thể ở các địa phương. BHXH Việt Nam đã thành lập Phòng Truyền thông - Phát triển đối tượng tại BHXH 63 tỉnh, thành phố, hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác truyền thông gắn với phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT.

Trong tháng 5 năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các hoạt động tuyên truyền được triển khai theo hướng tăng cường ứng dụng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, tổ chức các hội nghị trực tuyến, đẩy mạnh truyền thông qua các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, báo viết, các trang thông tin điện tử, fanpage, các trang mạng xã hội…

“Chúng tôi cũng đánh giá rằng, trước những khó khăn do tác động của dịch bệnh, người lao động ngày càng thấy được rõ hơn tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Là một trong số ít địa phương vẫn tăng được số người tham gia BHXH tự nguyện trong mùa dịch, ông Khiên cho hay, ngay từ đầu tháng 5, cơ quan BHXH Hải Dương đã tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH toàn dân của tỉnh có văn bản đến các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố đồng hành với BHXH để tăng cường, phát triển đối tượng tham gia BHXH nói chung, BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện nói riêng.

Cơ quan BHXH Hải Dương phát động phong trào thi đua từ nay đến 30/6, phấn đấu mỗi công chức, viên chức, cán bộ vận động được ít nhất 5 đối tượng tham gia BHXH…

Tuy nhiên, để hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, ông Trần Hải Nam cho rằng: “Về ngắn hạn cần tập trung tuyên truyền, giúp người dân hiểu rõ về lợi ích của chính sách là bảo đảm ổn định thu nhập lâu dài cho người dân khi về già.

Bên cạnh đó, các địa phương trong khả năng nguồn lực của mình có thể có thêm gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn (ngoài gói hỗ trợ của Chính phủ), nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống và có điều kiện duy trì tham gia BHXH tự nguyện.

Còn về lâu dài, cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định pháp luật về BHXH, hướng tới linh hoạt, đa dạng các chế độ thụ hưởng, để phù hợp với nhu cầu của người dân”.

Theo baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ