Liên quan đề quy định về trường đại học ngoài công lập, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm khuyến khích, đẩy mạnh xã hội hóa GDĐH; có chính sách phù hợp để tăng số lượng và nâng cao chất lượng các trường tư thục;
Các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc tạo điều kiện phát triển hệ thống đại học tư thục để giảm gánh nặng cho Nhà nước, tạo sự công bằng và bình đẳng giữa trường công lập và trường tư thục;
Nhiều đại biều đề nghị không đồng nhất giữa nhà trường với doanh nghiệp; không thương mại hóa giáo dục; làm rõ khái niệm và phân biệt cơ sở GDĐH tư thục không vì lợi nhuận với cơ sở GDĐH tư thục, đồng thời, cần làm rõ chính sách ưu tiên cho mô hình này,
Tiếp thu ý kiến, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã được chỉnh lý theo hướng làm rõ các khái niệm về các loại hình cơ sở GDĐH (sửa Điều 7); quy định khuyến khích phát triển các cơ sở GDĐH ngoài công lập, ưu tiên các cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, Nhà nước có cơ chế phân bổ nguồn lực cho GDĐH theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, hiệu quả, đảm bảo bình đẳng công tư trong điều chỉnh pháp luật (sửa Điều 12);
Đồng thời quy định rõ mô hình và cơ chế tài chính của cơ sở GDĐH ngoài công lập vận dụng theo mô hình doanh nghiệp và đảm bảo tính đặc thù của GDĐH, không thương mại hoá; cụ thể chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xã hội hóa trong GDĐH, tạo môi trường pháp lý nhằm phát triển các cơ sở GDĐH ngoài công lập (sửa các điều 14, 15, 16a, 17, 66, 67…).
Dự thảo Luật bổ sung quy định “Các cơ sở giáo dục đại học có tư cách pháp nhân. Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có địa vị pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn như các cơ sở giáo dục đại học công lập” (Điều 7) để khẳng định vị trí, vai trò của các cơ sở GDĐH tư thục trong phát triển GDĐH.
Quy định nhà đầu tư cónghĩa vụ quyết định tổng vốn góp, dự án đầu tư phát triển trường, việc huy động vốn đầu tư (nếu có); phương án sử dụng phần chênh lệch thu chi hàng năm hoặc phương án xử lý lỗ của trường; thông qua báo cáo tài chính hằng năm; thông qua phương án nhân sự hiệu trưởng do hội đồng trường đề xuất và quy định về tiền lương, thưởng và các quyền lợi khác của các chức danh lãnh đạo, quản lý nhà trường.