Trong đó nhấn mạnh, sinh hoạt chuyên môn của các tổ/nhóm tại mỗi trường và cụm trường cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức điều hành, hạn chế các cuộc họp.
Thực hiện sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học, tập trung vào việc rà soát, tinh giản nội dung dạy học phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của chương trình môn học, phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường, địa phương và khả năng học tập của học sinh; thiết kế lại các tiết học trong SGK thành các bài học theo chủ đề (trong mỗi môn học hoặc liên môn), tổ chức dự giờ rút kinh nghiệm.
Trong biên bản sinh hoạt chuyên môn phải thể hiện đầy đủ các bước sinh hoạt theo hướng nghiên cứu bài học, mỗi buổi sinh hoạt có thể thực hiện một hay nhiều bước. Sau mỗi đợt sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường, yêu cầu các trưởng cụm gửi biên bản về cấp quản lý trực tiếp, đồng thời chuyển giao biên bản cho các thành viên trong cụm để lưu hồ sơ chuyên môn.
Triết lý của nghiên cứu bài học nhấn mạnh không bỏ rơi học sinh, tạo ra một cộng đồng học tập nên dự giờ, thăm lớp trong sinh hoạt chuyên môn để trao đổi, học tập, hỗ trợ lẫn nhau.
Giáo viên thực hiện bài dạy là người đại diện cho nhóm thực hiện kế hoạch bài học đã cùng nhau thiết kế, sau đó tập thể giáo viên cùng nhau suy ngẫm, chia sẻ kết quả học tập của học sinh sau giờ dạy; cùng nhau suy đoán các nguyên nhân và đưa ra những cách giải quyết/khắc phục những khó khăn trong học tập của học sinh, giúp học sinh hoạt động học tích cực hơn, tăng cường khả năng tự học, tự lực chiếm lĩnh kiến thức, vận dụng vào thực tiễn.
Sở này cũng yêu cầu tăng cường tổ chức dạy và dự giờ trực tuyến trong sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường để các trường cùng tham gia.
SHCM theo nghiên cứu bài học không nhằm đánh giá, xếp loại giờ dạy mà ở đó, GV được khuyến khích học tập lẫn nhau, cùng nhau tìm nguyên nhân và đề xuất các biện pháp để giúp tất cả HS học tập thực sự. Qua đó, GV có khả năng tự điều chỉnh nội dung, PPDH một cách linh hoạt, phù hợp với đối tượng HS của lớp mình.