Đồng thời, thấy rõ được vai trò trách nhiệm của các cấp quản lý giáo dục trong đổi mới phương pháp dạy học; từ đó nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp của giáo viên và nâng cao chất lượng giáo dục trong mỗi nhà trường.
Đây là chia sẻ tâm huyết của cô Ngô Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.
Phải nhận thức rõ: đổi mới phương pháp không phải bề nổi, phong trào
Với giải pháp đầu tiên này, cô Ngô Thị Kim Dung cho rằng, cần coi việc đổi mới công tác quản lý là nhân tố quyết định trong việc nâng cao chất lượng GD.
Ban giám hiệu nhà trường, đặc biệt là hiệu trưởng cần xác định rõ “đổi mới phương pháp dạy học” không phải là bề nổi, mang tính chất hưởng ứng phong trào, mà đây là vấn đề cần thực hiện một cách nghiêm túc, thường xuyên, lâu dài để nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục của nhà trường.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải là những người tâm huyết và có kế hoạch thiết thực để thực hiện công tác đổi mới phương pháp dạy học. Đây cũng là những người trực tiếp phụ trách chuyên môn theo tổ khối, triển khai kịp thời, đầy đủ những chủ trương của ngành về đổi mới phương pháp dạy học nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ giáo viên.
Ngoài ra, theo cô Ngô Thị Kim Dung, cần bồi dưỡng lòng nhân ái sư phạm cho đội ngũ giáo viên. Tình thương yêu trẻ là điểm xuất phát của mọi sáng tạo sư phạm và làm cho giáo viên có trách nhiệm cao hơn với sứ mạng cao cả của mình.
Chia sẻ cách làm cụ thể tại Trường tiểu học thị trấn Thắng, cô Dung cho biết: Ngay từ đầu năm học, mỗi tháng học tập một vài câu chuyện về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Cùng với đó, bồi dưỡng cho giáo viên nắm vững kiến thức khoa học cơ bản liên quan đến môn học trong chương trình tiểu học, để dạy được tất cả các khối lớp của tiểu học, đáp ứng các yêu cầu của mọi đối tượng học sinh. Bồi dưỡng các kiến thức sư phạm như: Tâm lý học sư phạm và phương pháp dạy học ở tiểu học;
Bồi dưỡng kiến thức phổ thông về chính trị, văn hoá xã hội...; kỹ năng sư phạm cho giáo viên là nội dung cơ bản, quan trọng trong công tác bồi dưỡng...
Đổi mới sinh hoạt chuyên môn
Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo các tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch sinh hoạt chuyên môn hàng tuần cụ thể, chi tiết. Ban giám hiệu nhà trường duyệt và thống nhất và tổ chức thực hiện. Trong đó đặc biệt coi trọng nội dung sinh hoạt chuyên môn với nội dung: “Dự giờ và suy ngẫm sau giờ dạy”.
Theo đó, mọi giáo viên tham gia dự giờ đều tập trung quan sát biểu hiện của từng học sinh trong những khoảng thời gian khác nhau của tiết học; để sau đó lại cùng suy ngẫm, chia sẻ những vấn đề đã diễn ra trong giờ học theo nội dung trên và đưa giải pháp.
Nhân rộng vai trò của đội ngũ giáo viên nòng cốt
Với nội dùng, cô Ngô Thị Kim Dung cho rằng, Ban giám hiệu nhà trường cần quan tâm đến việc dự giờ, thăm lớp đối với những giáo viên nòng cốt, tận tình chia sẻ những vấn đề của giờ học.
Từ đó, nhân rộng những điển hình này cho đội ngũ giáo viên toàn trường bằng các biện pháp như: Tổ chức cho giáo viên toàn trường “Dự giờ và suy ngẫm sau giờ dạy” của những giáo viên này trước rồi đến những giáo viên khác sau.
Sinh hoạt chuyên môn với hình thức, nội dung đó phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và tăng thời lượng theo từng năm học để bồi dưỡng khả năng lắng nghe, chia sẻ của giáo viên với học sinh trong quá trình tham gia vào hoạt động học tập cũng như việc lắng nghe chia sẻ giữa học sinh với học sinh giáo viên với giáo viên.
Thực hiện tốt công tác kiểm tra giáo viên theo kế hoạch đã xây dựng cũng như tăng cường công tác kiểm tra đột xuất giáo viên.
Đầu tư cơ sở vật chất và cảnh quan sư phạm
Cần làm tốt công tác tham mưu với các ngành, các cấp, các cơ quan, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm....đặc biệt là cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong công tác đầu tư cơ sở vật chất trường, lớp học, trang thiết bị dạy học.
Đặc biệt quan tâm trang bị hệ thống máy tính, máy chiếu và lối mạng iternet để giáo viên có thể tìm kiếm các thông tin liên qua đến nội dung bài dạy để có thể có được những bài soạn có chất lượng.
Đồng thời, bổ sung sách giáo khoa, sách tham khảo cho thư viện nhà trường; quan tâm đầu xây dựng cảnh quan sư phạm nhà trường xanh – sạch - đẹp.
Quan tâm đến nghiên cứu khoa học
Khuyến khích giáo viên trong công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng các đề tài, sáng kiến kinh nghiệm có tính ứng dụng vào thực tiễn cao.
Theo cô Ngô Thị Kim Dung, hằng năm, hội đồng khoa học của Trường tiểu học thị trấn Thắng đều tổ chức chấm các sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên, đánh giá và động viên khen thưởng kịp thời với những đề tài, sáng kiến có chất lượng.
Đổi mới kiểm tra, đánh giá
Theo cô Ngô Thị Kim Dung, cần có kế hoạch trao đổi kịp thời, cụ thể với giáo viên chủ nhiệm lớp trong vận dụng các cách thức tiếp cận học sinh một cách phù hợp nhất khi giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả giáo dục cao nhất.
Ví dụ: Khi khảo sát chất lượng, lớp nào đó có chất lượng chưa đạt yêu cầu, hiệu trưởng cần trực tiếp trao đổi với giáo viên chủ nhiệm lớp để tìm hiểu nguyên nhân chung, nguyên nhân cụ thể của từng học sinh chưa đạt yêu cầu chất lượng để bàn giải pháp phù hợp với từng trường hợp cụ thể.
Tránh tuyệt đối sự phê bình, chỉ trích giáo viên; giáo viên tránh tuyệt đối phê bình, chỉ trích, trách phạt học sinh. Cần gần gũi, chia sẻ những suy nghĩ của học sinh để giúp đỡ, hỗ trợ các em tốt nhất trong thực hiện các nhiệm vụ học tập...
Bố trí hợp lý các nguồn lực tài chính
Điều này, cô Ngô Thị Kim Dung cho rằng, để không ngừng xây dựng, chuẩn hóa, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Đơn cử, động viên, khen thưởng kịp thời giáo viên có sáng kiến trong làm và sử dụng đồ dùng dạy học; giáo viên có những thành tích khi tham dự thi giáo viên giỏi các cấp; giáo viên có chất lượng giảng dạy cao qua thực hiện kiểm định chất lượng cuối năm học; giáo viên có thành tích trong nâng cao chất lượng của lớp có chất lượng chưa tốt; giáo viên được học sinh và phụ huynh yêu mến, kính trọng....
Kinh phí đó cũng để động viên giáo viên tham gia bồi dưỡng, học tập nâng cao trình độ đào tạo, thăm quan học tập cáo trường có chất lượng giảng dạy tốt...