(GD&TĐ) - Trong những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài diễn ra sôi nổi ở hầu khắp các địa phương. Bằng nhiều hình thức khác nhau, mỗi địa phương có những cách làm riêng trong việc vận động các cá nhân và tổ chức hướng về công tác khuyến tài, động viên con em phấn đấu trên con đường học vấn. Trong các hình thức của công tác khuyến học thì gia đình, dòng họ làm khuyến học giữ vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố mang tính bền vững, truyền thống tạo nên sức mạnh chung của khuyến tài, khuyến học ở mỗi địa phương.
“Tế bào” từ mỗi gia đình
Xác định được vai trò và tầm quan trọng của sự học, mỗi gia đình trong làng xã ở các địa phương từ bao năm nay đã vượt mọi khó khăn đưa con em mình đến trường học chữ. Việc đầu tiên mà gia đình xác định là đưa con em đến trường trước hết để học làm người tốt đã, sau đó mới nói đến chuyện học chữ, luyện tài. Dù gia đình có khó khăn đến mấy, con em cũng phải được học hành tử tế và thành đạt. Cứ như thế, trong phạm vi một gia đình, em noi gương anh chị cứ thế mà tiếp nối, học hành. Trong phạm vi một làng, một xã, gia đình này nối tiếp gia đình kia vượt mọi khó khăn để cho con cháu đi học, mà học thành tài. Như vậy, truyền thống hiếu học xuất phát từ ngay chính gia đình, gia đình là một “tế bào” không thể thiếu được làm nên phong trào hiếu học của cả làng cả xã và địa phương.
Tại xã miền núi Minh Lương (Đoan Hùng - Phú Thọ), chúng tôi tiếp xúc với gia đình ông Nguyễn Quốc Tần. Minh Lương vốn là một xã nghèo nhất huyện Đoan Hùng, điện nước sinh hoạt còn thiếu thốn, cơ sở vật chất còn khó khăn. Mặc dù vào đầu những năm 90, hoàn cảnh gia đình ông rất khó khăn, cả nhà phải trông chờ vào mấy sào ruộng và mấy nương sắn nhưng vợ chồng ông đã quyết không để cho các con thất học. Khi ấy, số lượng học sinh của xã do hoàn cảnh quá khó khăn nên bỏ học rất nhiều nhưng ba con ông vẫn kiên trì học tập từ bậc Tiểu học đến THCS.
Sau khi học hết bậc THCS, xã chưa có trường cấp 3, điều kiện đi học xa xôi nhưng vợ chồng ông Tần vẫn quyết tâm cho các con học hết bậc THPT. Cả ba con ông đều vượt gần 20 cây số để đến trường học và học hành rất tiến bộ, đều trở thành học sinh ngoan của nhà trường. Liên tục từ năm 2000 - 2007, lần lượt các con ông hai trai một gái đều đỗ đại học. Người con gái cả học đại học y khoa Thái Nguyên, con trai thứ hai học Trường ĐHSP Thái Nguyên còn con trai út thi đỗ và học tại Trường ĐH Công nghiệp Thái Nguyên. Tấm gương hiếu học của gia đình ông Nguyễn Quốc Tần đã có tác động lớn đến nhận thức của người dân xã Minh Lương.
Anh Cù Hùng, Phó Chủ tịch chi hội họ Cù Vĩnh Chân, Hạ Hòa, Phú Thọ mở những bảng danh sách học sinh của dòng họ đỗ đại học |
Khi dòng họ khuyến học, khuyến tài
Từ truyền thống hiếu học ở mỗi gia đình đã trở thành phong trào khuyến học của cả dòng họ. Có thể thấy, trong những năm gần đây, phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi dòng học trên nhiều địa phương đã phát triển rộng khắp và trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tinh thần hiếu học ở mỗi địa phương. Trong mỗi dòng họ có truyền thống thì chuyện học và khuyến khích con em học hành thành đạt đã được các dòng họ đưa vào “chương trình nghị sự” của các cuộc họp họ.
Trong đó, việc phát động phong trào hiếu học từ gia đình tới dòng dọ luôn được quan tâm vào đầu mỗi năm học, cuối năm và mỗi lần giỗ tổ. Việc noi gương sáng trong chuyện học hành luôn được dòng họ quan tâm bằng việc tuyên tuyên truyền, vận động rồi lập bảng vàng và làm tốt việc lập quỹ khuyến học khuyến tài của dòng họ, tổ chức trao thưởng vào dịp tổng kết năm học, thi đại học cao đẳng.
Có một làng nhỏ nằm phía bên tả ngạn sông Thao, quanh năm mưu sinh bằng nghề trồng lúa, trồng ngô. Từ lâu người ta lưu truyền rằng có một dòng họ từ xa xưa ra vùng đất này lập nghiệp, gây dựng cơ đồ. Những người con trong dòng họ ấy sinh ra và lớn lên đều bám riết lấy con chữ để lập thân. Dần dần, chuyện học chữ và lập thân ở dòng họ này đã hun đúc thành truyền thống hiếu học của dòng họ, làm rạng danh quê hương. Đó là dòng họ Cù ở chi 2 xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa - Phú Thọ).
Nghe kể nhiều, muốn được “thực mục sở thị”, chúng tôi đến Vĩnh Chân vào một ngày cuối tháng 9. Làng Vĩnh Chân nằm bên dòng sông Thao hiền hòa, quanh năm ban phát phù sa cho đôi bờ. Tiếp chúng tôi, còn có ông Cù Ngọc Phách, Chủ tịch chi hội khuyến học 2, dòng họ Cù, năm nay đã 73 tuổi. Ông Phách kể rằng, dòng họ Cù của ông bắt nguồn từ trong miền Trung, khi ấy, dòng họ có gốc rễ là người trong chốn quan trường, triều đình nhà Nguyễn, trong đó có cụ Cù Phúc An làm tới chức quan lãnh binh trong triều.
Nhưng rồi do hoàn cảnh và nhu cầu của dòng họ, những người con trong dòng họ Cù quyết định di dời đến xã Vĩnh Chân (Hạ Hòa - Phú Thọ) ngày nay để lập nghiệp và sinh sống. Khi ấy, Vĩnh Chân vốn là làng văn hiến, là đất học và có nhiều kẻ sĩ sinh ra và thành tài nơi đây. Đầu thế kỷ XX, Vĩnh Chân có tới 5 thầy đồ dạy chữ Nho, nhiều khóa sinh vượt qua thi hương, lọt vào kỳ thi hội, dòng họ Cù đã có nhiều người con đóng góp trí tuệ vào thời buổi ấy. Đến năm 1945, dòng họ Cù có tới 6 cụ đồ dạy chữ Nho.
Bám trụ đất Vĩnh Chân tới 15 đời kể từ khi di dời dòng họ, trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, sự đổi thay của đất nước nhưng dòng họ Cù ở chi 2 vẫn phát huy được truyền thống hiếu học của dòng họ. Đời này nối tiếp đời kia, anh em con cháu bảo nhau học chữ, rèn luyện thành tài để trở thành cán bộ, trở thành người tốt trong xã hội.
Cũng từ đó, những người con của dòng họ Cù nối gót nhau từ vùng quê trung du nghèo khó, rùi mài kinh sử để thi thố và lập thân. Khi được hỏi về thành tích và sự đỗ đạt của dòng họ, ông Cù Ngọc Phách vui vẻ cho biết, tính đến nay, trong dòng họ có gần 200 người tốt nghiệp đại học.
Trong đó, có 15 tiến sỹ, 3 giáo sư, phó giáo sư, 1 nhà giáo nhân dân, 3 nhà giáo ưu tú, gần 40 đảng viên có 40 - 50 - 60 tuổi Đảng. Ông Phách cũng cho biết, nhiều người đã học hành và đỗ đạt thành tài, giữ những chức vụ quan trọng ở Trung ương và trong tỉnh. Ông kể đến trước tiên là bà Cù Thị Hậu, ủy viên Trung ương Đảng, Anh hùng lao động, đại biểu Quốc hội, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam.
Rồi ông Cù Văn Chước, chuyên viên cao cấp, người trực tiếp phục vụ Bác Hồ 15 năm, bà Cù Thị Hợp, Nhà giáo nhân dân, nguyên là Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Phú - Phú Thọ, hiện đã nghỉ hưu nhưng do tâm huyết và nặng lòng với con chữ nên bà đã mở trường tư thục mang tên Vũ Thê Lang tại Việt Trì để dạy học. Ngoài ra, trong dòng họ còn có 3 tỉnh ủy viên, 9 chánh, phó giám đốc sở, 10 chủ tịch, phó chủ tịch quận huyện, hiệu trưởng trường quân sự, 9 đại tá quân đội.
Khuyến học, khuyến tài là phong trào chung của toàn dân. Song, yếu tố nền tảng và vững chắc nhất bao giờ cũng xuất phát từ mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Sự chủ động và khơi dậy truyền thống hiếu học của mỗi gia đình, mỗi dòng họ sẽ là động lực quan trọng trong việc nhân rộng phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi địa phương.
Nguyễn Thế Lượng