Khuyến đọc phải khiến người khác tò mò

GD&TĐ - Khuyến đọc phải khiến người khác tò mò về lợi ích của sách, phải đặt câu hỏi 'văn hóa đọc là gì?'.

Hội sách tại xã Đông Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh) thu hút đông đảo người dân tham gia.
Hội sách tại xã Đông Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh) thu hút đông đảo người dân tham gia.

Hô hào khuyến đọc nếu chỉ bằng khẩu hiệu suông thì không thể thành công. Khuyến đọc phải khiến người khác tò mò về lợi ích của sách, phải đặt câu hỏi “văn hóa đọc là gì?”.

Kiên trì khuyến đọc dù ít người nghe

Hướng tới Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, các tỉnh, thành phố trong cả nước đang có những hoạt động thiết thực, tuyên truyền về giá trị của sách cũng như lợi ích của việc đọc sách. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc hô hào đọc sách mới đang dừng lại ở phong trào mà chưa có chiến lược cụ thể để văn hóa đọc trở thành thói quen của người Việt.

Văn hóa đọc chưa phải là thói quen tốt của người Việt, điều này phần nào đúng khi xét đến các bản thống kê của Bộ TT&TT về lượng sách tiêu thụ cũng như thói quen đọc của người dân.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, người Việt vì thích đọc ngắn nên mặc dù thời gian đọc trên mạng cao nhất ASEAN nhưng lượng sách trên đầu người lại thấp.

Số liệu báo cáo về xuất bản phẩm giảm ngay từ 6 tháng đầu năm 2023: Giảm đến 28,8% về cuốn và giảm 51% về bản. Trong đó, xuất bản phẩm dạng sách in giảm 30,5% về cuốn và giảm 53,9% về bản; xuất bản phẩm dạng điện tử giảm 2,8%; xuất bản phẩm dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại giảm 24,9% về số xuất bản phẩm. Số liệu này đồng nghĩa mỗi người Việt Nam không đọc được trọn vẹn 1 cuốn sách mỗi năm.

Tuy lượng đọc thấp, nhưng cũng phải khẳng định văn hóa đọc đang ngày càng được quan tâm và có sự tiến triển nhất định. Nhiều mô hình phát triển văn hóa đọc ở cơ sở đã và đang góp sức phục vụ cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về giá trị cũng như lợi ích của việc đọc sách.

TS Nguyễn Quốc Vương, chuyên gia khuyến đọc cho biết, nhiều người cười nhạo hoạt động diễn thuyết khuyến đọc khi cho rằng điều đó là vô bổ và vô ích. Một số người thì cho rằng nó là hoạt động vui vẻ, tầm phào. Tuy nhiên, bản thân ông vẫn ra sức khuyến đọc, dù những cười nhạo đó có thể không sai.

Ông Vương cho rằng, họ nói đúng về cơ bản. Rất nhiều diễn đàn khi ông được mời đến nói chuyện khuyến đọc, ở đó không ai biết khuyến đọc là gì, trừ người mời. Tuy nhiên, ông Vương coi diễn thuyết về văn hóa đọc, về giáo dục là việc cần phải làm. Ông cũng tin việc chia sẻ tình yêu với sách, với việc đọc, ít nhiều sẽ lay động người nghe.

“Trong rất nhiều cuộc nói chuyện, ngay khi phần lễ kết thúc, tôi vừa đứng dậy để bước lên sân khấu, các hàng ghế đầu đã trống hoác và nhiều người ngồi dưới cũng bỏ về, số còn lại ngồi xem điện thoại. Nhưng tôi vẫn tin, trong số 50, 100 người ngồi dưới thế nào cũng có vài người bắt tay vào đọc sách. Đó là động lực để tôi tiếp tục công việc của mình”, ông Vương chia sẻ.

Chuyên gia khuyến đọc Nguyễn Quang Thạch, tác giả chương trình “Sách hóa nông thôn” cũng không thiếu những lần gặp tình cảnh tương tự. Tuy nhiên, ông cũng không bỏ cuộc mà tiếp tục diễn thuyết, đến các vùng nông thôn lập tủ sách, vay tiền mua sách, và thậm chí đến tận Ấn Độ để lan tỏa tình yêu với sách.

“Tôi đã nỗ lực hết mình nhưng hiện tại, vẫn có hàng chục triệu trẻ em nông thôn chưa được nghe và đọc sách. Bên cạnh những trở ngại, có nhiều điều tốt đẹp để nhớ, chẳng hạn có những người nông dân bán thóc ủng hộ tủ sách dòng họ. Tôi xúc động với những người khuyết tật như Đỗ Hà Cừ và Nguyễn Thu Hương ở Thái Bình đã huy động nguồn lực làm tủ sách phục vụ cộng đồng”, ông Thạch cho hay.

Hành trình bền bỉ suốt 20 năm, đến nay chương trình “Sách hóa nông thôn” do Nguyễn Quang Thạch khởi xướng đã tạo nên ít nhất 30.000 tủ sách với nhiều loại hình, như: Tủ sách phụ huynh, tủ sách lớp em, tủ sách dòng họ, tủ sách giáo xứ, tủ sách chiến sĩ… mang lại cơ hội nghe và đọc sách của nhiều trẻ em nông thôn.

Sau 20 năm thực hiện chương trình 'Sách hóa nông thôn', đến nay ông Nguyễn Quang Thạch đã tạo nên ít nhất 30.000 tủ sách.

Sau 20 năm thực hiện chương trình 'Sách hóa nông thôn', đến nay ông Nguyễn Quang Thạch đã tạo nên ít nhất 30.000 tủ sách.

Mỗi người cần cố gắng gấp 10 lần

Theo các chuyên gia, nhìn trên bình diện chung, khuyến đọc trong những năm qua đã đạt những hiệu quả nhất định. Tuy nhiên, cũng nhiều ý kiến cho rằng, “cả nước chỉ đọc sách vào tháng Tư”, ý nói vào tháng Tư cả nước rầm rộ tổ chức hội sách, kỉ niệm ngày sách nên chỉ có tính phong trào, xong phong trào thì việc khuyến đọc cũng ít được quan tâm.

TS Nguyễn Quốc Vương thẳng thắn rằng, nói thế không sai nhưng cũng không hoàn toàn đúng. Điều gì sẽ xảy ra nếu từng tỉnh có văn bản hành chính gửi cho các xã yêu cầu tổ chức ngày hội đọc sách để tôn vinh văn hóa đọc. Có thể nhiều xã sẽ làm kiểu hình thức, nhưng ít nhất đó cũng là cơ hội để đưa văn hóa đọc vào đời sống và làm cho người dân tò mò đặt câu hỏi “văn hóa đọc là gì?”.

Ông Vương cho biết thêm, Nhật Bản - nơi ý thức chủ động mạnh mẽ là thế, nhưng Quốc hội cũng phải ra luật “chấn hưng văn hóa đọc” (2005), luật “khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (2001).

Chính phủ Nhật Bản cũng công bố kế hoạch cơ bản xúc tiến hoạt động đọc sách của trẻ em cấp quốc gia 5 năm một lần. Đồng thời yêu cầu các tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị trấn, thôn làng phải công bố kế hoạch tương tự và phải công bố công khai để người dân theo dõi, giám sát.

“Một thư viện cấp tỉnh ở nước ta, nếu nằm trong “tốp” các thư viện khá nhất sẽ có khoảng 20 - 30 vạn bản sách, sẽ có khoảng 4 - 5 vạn lượt bạn đọc tới đọc và mượn sách. Trong khi đó thư viện cấp tỉnh ở Nhật Bản, chẳng hạn như thư viện tỉnh Shiga có 1.518.785 bản sách (2022), phục vụ 21 vạn lượt bạn đọc (2021). Số sách được mượn là 716.746 bản.

Có thể thấy lượng sách và lượng đọc ở Nhật Bản hơn ta khoảng 10 lần. Điều đó thúc giục chúng ta khuyến đọc và từng người dân phải nỗ lực, chăm chỉ gấp 10 lần”, TS Nguyễn Quốc Vương nhận định.

“Ngày sách và ngày hội văn hóa đọc hiện nay chủ yếu làm đến cấp huyện (có nơi làm có nơi không) mà chưa đến được cấp xã. Trong khi cấp xã mới là đơn vị gần dân nhất và có khả năng tiếp cận tốt nhất.

Theo quan sát, đa số cấp xã vẫn im lìm, nơi có thể làm chỉ là các cơ sở giáo dục mà thôi, có nhiều nơi thực hiện nhưng chỉ làm cho có hoặc có mỗi cái băng rôn. Hội sách ở xã Đông Tiến (Yên Phong, Bắc Ninh) được tổ chức ngày 23 và 24/3 vừa qua là một ngoại lệ hiếm hoi”. Chuyên gia khuyến đọc - TS Nguyễn Quốc Vương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

Siết chặt nồi hầm ở Kurakhove

GD&TĐ - Các nhóm quân Nga từ phía đông, phía nam và phía bắc đang thắt chặt vòng vây quanh nhóm quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine ở thành phố Kurakhove.