Khuyến cáo hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em

GD&TĐ - Mới đây, tại buổi giao ban báo chí Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã thông tin về hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em và những khuyến cáo cho các bậc cha mẹ.

PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em. Nguồn: BV Nhi Trung ương.
PGS. TS Trần Minh Điển – Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin về hội chứng hậu Covid-19 ở trẻ em. Nguồn: BV Nhi Trung ương.

Hậu Covid-19 ở trẻ em là gì?

PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, với trẻ em, hậu Covid-19 là thuật ngữ để chỉ một nhóm triệu chứng tồn tại lâu dài (như mệt mỏi, rối loạn vị giác, đau đầu, ho, khó thở…) trẻ gặp phải sau mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng và có ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của trẻ. Các triệu chứng này có thể tồn tại từ lúc mắc bệnh ban đầu hoặc mới xuất hiện sau khi đã khỏi bệnh và không do các căn nguyên khác gây ra.

Tỷ lệ trẻ em có các triệu chứng dai dẳng sau mắc Covid-19 dao động tùy theo nghiên cứu ở các quốc gia khác nhau, ở các lứa tuổi và quần thể khác nhau, cũng như cách xác định thời gian xuất hiện triệu chứng khác nhau. Hơn nữa, các triệu chứng hay gặp của hậu Covid-19 ở trẻ em cũng đa dạng và thay đổi, tỷ lệ mắc các triệu chứng cũng khác nhau. Do đó, hiện nay con số chính xác tỷ lệ mắc hậu Covid-19 ở trẻ em chưa rõ. 

Tổ chức Y tế thế giới đã đánh giá nguyên nhân của hậu Covid-19 gồm nhiều yếu tố kết hợp như: đặc điểm của virus, yếu tố miễn dịch, di chứng sau điều trị hồi sức tích cực – PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh.

Con tôi mới bị mắc Covid-19 cấp tính, liệu cháu có bị mắc hậu Covid-19 hay không?

Theo PGS.TS Trần Minh Điển, một vấn đề rất được cha mẹ quan tâm là có dự đoán được một trẻ mắc Covid-19 cấp tính sẽ bị mắc hậu Covid-19 hay không, nếu xuất hiện thì triệu chứng và mức độ thế nào? 

Trước mối quan tâm này, PGS.TS Trần Minh Điển cho biết, tới nay chưa có yếu tố đặc hiệu nào giúp tiên đoán trẻ sẽ bị hậu Covid-19 sau mắc cấp tính. Một trẻ mắc Covid-19 với mức độ nhẹ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu của hậu Covid-19.

Tuy nhiên, nếu một trẻ mắc Covid-19 cấp tính nguy kịch cần thở máy hoặc chăm sóc ở các đơn vị hồi sức tích cực, trẻ sẽ dễ bị mắc các triệu chứng như mệt mỏi, yếu cơ… là những triệu chứng hay gặp ở người đã phải điều trị hồi sức. Hơn nữa, một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ béo phì, có tiền sử các bệnh dị ứng, các bệnh lý mạn tính, trẻ trên 5 tuổi có nguy cơ xuất hiện các triệu chứng của hậu Covid-19 cao hơn các nhóm trẻ khác.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám lại sau khi trẻ bị mắc Covid-19 cấp tính?

Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, khi cha mẹ thấy trẻ có các triệu chứng như mô tả ở trên hoặc thấy xuất hiện bất kỳ dấu hiệu, triệu chứng nào mà trước khi mắc Covid-19 trẻ không có, cần cho trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để xác định bệnh cũng như có chế độ điều trị, can thiệp, và chăm sóc hợp lý.

Đặc biệt, trường hợp trẻ phải nhập viện trong đợt mắc Covid-19 cấp tính, nên cho trẻ đi khám lại theo lịch hẹn của cơ sở y tế (nếu có). Ngoài ra, dù trẻ không có các triệu chứng nghi ngờ của hậu Covid-19, cha mẹ có thể đưa trẻ tới khám bác sĩ nhi khoa vào khoảng thời gian 4 – 12 tuần sau mắc Covid-19 để được kiểm tra, tư vấn về các vấn đề sức khỏe của trẻ.

Làm thế nào để dự phòng hậu Covid-19 cho trẻ?

Đối với việc làm thế nào để dự phòng hậu Covid-19 cho trẻ, PGS-TS Trần Minh Điển cho rằng, do chưa tìm ra được nguyên nhân rõ ràng của hậu Covid-19, nên hiện nay chưa có bất kỳ một biện pháp vật lý, thuốc hay thực phẩm nào giúp ngăn chặn việc xuất hiện hậu Covid-19

Phương pháp duy nhất giúp không xuất hiện hậu Covid-19 là dự phòng mắc Covid-19 cho trẻ bằng các biện pháp phòng bệnh thích hợp và tiêm vắc xin Covid-19 khi có chỉ định – PGS.TS Trần Minh Điển cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.