Về các vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Nội dung trên đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2020, cụ thể như sau:
Về vấn đề công nghệ: Luật Giáo dục 2019 có một số điều khoản quy định về vấn đề khoa học, công nghệ trong giáo dục như: Điều 19, khoản 3 Điều 30, khoản 4 Điều 43, khoản 10 Điều 104, Điều 108… Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai Đề án của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 với mục tiêu đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá - nghiên cứu khoa học và công tác quản lý tại các cơ sở GD-ĐT trong hệ thống giáo dục quốc dân góp phần hiện đại hóa và nâng cao chất lượng GD-ĐT.
Về chế độ cho giáo viên giảng dạy trẻ khuyết tật: Khoản 2 Điều 77 Luật Giáo dục 2019 quy định: Nhà giáo công tác tại trường chuyên, trường năng khiếu… trường, lớp dành cho người khuyết tật, trường giáo dưỡng hoặc trường chuyên biệt khác, nhà giáo thực hiện giáo dục hòa nhập được hưởng chế độ phụ cấp và chính sách ưu đãi. Như vậy, chế độ đối với nhà giáo công tác tại trường, lớp dành cho người khuyết tật đã được quy định trong Luật Giáo dục 2019.
Về độ tuổi giáo dục mầm non: Khoản 1 Điều 23 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Giáo dục mầm non thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 3 tháng tuổi đến 6 tuổi”. Theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Lao động quy định về nghỉ thai sản, lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng, thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng. Trong thực tế, có những trường hợp lao động nữ có nhu cầu gửi con từ 3 tháng tuổi. Luật Giáo dục 2019 quy định như vậy nhằm tạo cơ sở pháp lý để những cơ sở giáo dục mầm non đủ điều kiện có thể nhận trẻ từ 3 tháng tuổi và phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.