Thiên thạch đâm xuống Trái Đất cách đây 66 triệu năm ở vị trí cách bán đảo Yucatan, Mexico, 39 km, tạo ra một miệng hố rộng 179 km và sâu 48 km. Các nhà khoa học khoan sâu xuống miệng hố phát hiện lớp đá rất giàu hợp chất lưu huỳnh.
Tác động của thiên thạch làm bốc hơi đá, khiến không khí tràn đầy đám mây bụi tương tự như trong một thảm họa phun trào núi lửa.
Đám mây bụi chắn ánh sáng Mặt Trời, khiến hành tinh lạnh đi xuống dưới 0 độ C trong suốt một thập kỷ và xóa sổ phần lớn sự sống. Những con khủng long không chết do khói, đá nóng chảy văng xuống từ bầu trời hay sóng thần sẽ chết đói do thức ăn cạn kiệt.
Tuy nhiên, nếu thiên thạch đường kính ước tính 15 km di chuyển ở tốc độ 64.374 km/h, rơi xuống sớm hơn hoặc muộn hơn khoảng 30 giây, nó có thể đáp xuống vùng biển sâu ở Đại Tây Dương hoặc Thái Bình Dương.
Như vậy, phần lớn nước biển sẽ bốc hơi, gây ra ít thiệt hại hơn. Ngược lại, tác động của thiên thạch tương đối nhỏ này bị khuếch đại thành thảm họa.
Thiên thạch khiến khủng long tuyệt chủng có đường kính 15 km
"Thiên thạch đó đâm xuống Trái Đất ở vị trí rất không may", Sean Gullick, giáo sư địa vật lý ở Đại học Texas, Austin, Mỹ, người tổ chức khoan cùng với giáo sư Joanna Morgan ở Đại học Hoàng gia London, nhận xét.
Vị trí thiên thạch rơi tập trung nhiều đá giàu lưu huỳnh. Khi bốc hơi, chúng tạp thành đám mây phản chiếu ánh sáng Mặt Trời vào không khí.
Các hạt sulphate phản chiếu ánh sáng khiến Trái Đất trở nên râm mát và lạnh đi nhanh chóng, hạn chế sự phát triển của cây cối và cuối cùng cắt đứt nguồn cung cấp thức ăn. Điều này dẫn tới sự sụt giảm và tuyệt chủng của nhiều loài khủng long từng thống trị Trái Đất suốt 150 triệu năm.
Theo giáo sư Morgan, nghiên cứu chỉ ra 100 tỷ tấn sulphate bị bắn vào khí quyển. "Như vậy là đủ để làm lạnh hành tinh trong suốt một thập kỷ và xóa sổ phần lớn sự sống", giáo sư Morgan nói.
Tác động của thiên thạch lớn đến mức vụ nổ khiến cho 3/4 sự sống trên Trái Đất bị tuyệt diệt, bao gồm đa số các loài khủng long. Nhưng sự kiện này cũng cho phép những loài động vật có vú nhỏ hơn và cuối cùng là con người, cơ hội để phát triển.
Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong chương trình tài liệu mới của BBC mang tên Đêm trước khi các loài khủng long tuyệt chủng (The Night the Dinosaurs Died) phát trên kênh BBC2 tối nay. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học khoan xuống đỉnh miệng hố Chicxulub ở vịnh Mexico nơi thiên thạch rơi xuống.
Nghiên cứu của họ hé lộ cách vụ va chạm góp phần định hình hành tinh và thậm chí cung cấp môi trường sống khởi nguồn cho những dạng sống mới.