Tuy nhiên, "sự trở lại" của loài khủng long là điều vô cùng khó khăn và không giống với những gì chúng ta đã thấy trong phim.
Tiến sỹ Alison Woollard từ Khoa hóa sinh của Đại học Oxford nói rằng, về mặt lý thuyết, con người có thể tái tạo các loài khủng long, cũng như voi ma mút, dựa trên DNA của các loài chim. Bằng cách xác định và thay thế các gene cố định được tìm thấy trong DNA của những loài chim hiện đại, bà tin rằng các nhà khoa học có thể “thiết kế” lại các bộ gene của các sinh vật thời tiền sử.
Lý thuyết này đã khơi gợi lại câu chuyện trong phim “Công viên kỷ Jura”, tuy nhiên, nỗ lực hồi sinh các sinh vật tiền sử bằng khoa học kỹ thuật xem ra đáng tin tưởng hơn những cách đã được sử dụng trong bộ phim năm 1993.
Trong bộ phim, đạo diễn Steven Spielberg đã tưởng tượng ra việc các nhà di truyền học tái tạo lại khủng long bằng cách sử dụng DNA được bảo tồn từ các loài côn trùng hút máu khủng long đã bị dính vào nhựa cây và biến thành hổ phách. Tuy nhiên, điều này dường như là không thể khi một đội nghiên cứu của Đại học Murdoch Tây Australia đã chứng minh rằng DNA không thể được bảo quản tốt quá 6,3 triệu năm.
Trong khi hầu hết khủng long đều tuyệt chủng cách đây khoảng 65 triệu năm, trong kỷ Phấn trắng. Nhưng điều đó không thể khiến các nhà khoa học ngừng công việc nghiên cứu của họ. Quy trình hồi sinh khủng long có thể diễn ra như thế nào? Dưới đây là những giả thiết được các nhà khoa học đưa ra.
Bắt đầu từ chuỗi ADN
Để có thể hồi sinh một con khủng long, bắt buộc chúng ta cần có chuỗi ADN của nó. Tuy nhiên mọi chuyện không đơn giản như lấy mẫu máu của khủng long bên trong một con muỗi được bảo quản dưới dạng hóa thạch hổ phách.
Trên thực tế thì để có được mẫu ADN của loài khủng long có hai cách, một là từ mẫu hóa thạch xương khủng long và hai là từ các mẫu ADN của những loài tiến hóa sau này. Các nhà khoa học đang tiến khá gần với cách đầu tiên, khi mà mới đây một phát hiện vô cùng quan trọng đã được công bố. Đó là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm được mẫu máu của khủng long từ hóa thạch, mặc dù mẫu máu này chưa hoàn thiện. Và các nhà khoa học vẫn chưa lấy được ADN của loài khủng long từ mẫu máu này.
Với cách thứ hai, chuỗi ADN của khủng long có thể được xây dựng lại từ những loài thuộc chuỗi tiến hóa sau này. Điển hình là loài chim, loài vật được coi là hậu duệ của khủng long. Các nhà khoa học sẽ phải dựa trên mẫu ADN của loài chim, sau đó xây dựng lại các gen này dựa trên việc giữ lại các gen của khủng long còn xót lại và thay thế các gen đã tiến hóa.
Cách đây chưa lâu, các nhà khoa học đã tìm ra gen quy định sự tiến hóa từ miệng khủng long thành mỏ của loài chim. Mà từ đó, họ có thể tái tạo lại phần đầu của loài khủng long dựa trên việc thay đổi bộ gen của loài chim. Một bước tiến lớn giúp chúng ta có thêm hy vọng hồi sinh loài khủng long. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc để làm, vì sẽ rất khó để có thể xây dựng bộ gen hoàn chỉnh của loài khủng long.
Sau khi có chuỗi ADN hoàn thiện
Giả sử như bằng một cách nào đó mà các nhà khoa học khôi phục được chuỗi ADN hoàn thiện nhất của một loài khủng long. Công việc tiếp theo của họ sẽ là tìm một loài vật có khả năng để làm một con “khủng long mẹ”. Kỹ thuật nhân bản hiện nay thay thế phôi và vật liệu di truyền trong một tế bào trứng bằng phôi mà các nhà khoa học tạo ra dựa trên ADN đã có.
Sau đó, tế bào trứng này sẽ được đưa vào cơ thể của một con cái, quá trình phát triển sau đó giống như phôi tự nhiên. Tuy nhiên chúng ta không có một con khủng long mẹ để có thể cấy tế bào trứng nhân tạo vào bên trong nó. Trong phim, các nhà khoa học cấy bộ gen vào tế bào trứng của đà điểu, mặc dù loài chim là hậu duệ của khủng long nhưng điều đó cũng không khả thi.
Đối với loài voi ma-mút, các nhà khoa học có thể cấy tế bào trứng vào trong một con voi châu Á hiện nay. Vì chúng cùng thuộc một loài, mặc dù tỷ lệ thành công không phải là 100%. Do đó, đây là khâu khó nhất trong quá trình hồi sinh một loài khủng long. Các nhà khoa học chưa thể tìm được loài động vật nào đủ điều kiện để có thể cấy tế bào trứng vào trong cơ thể nó.
Vì các tế bào này sau khi được cấy vào bên trong cơ thể của loài vật đó, sẽ tiếp tục trải qua một quá trình phát triển chịu ảnh hưởng của các ty lạp thể. Khiến cho tế bào trứng có những đặc điểm di truyền của con mẹ. Suy cho cùng, ngay cả khi đã khôi phục được chuỗi ADN hoàn thiện của khủng long, nó cũng chỉ giúp các nhà khoa học hiểu thêm về loài động vật này chứ chưa phải điều kiện đủ để đưa chúng trở về từ cõi chết.