Khủng hoảng nhân khẩu học tại Đông Á

GD&TĐ - Đông Á đang bước vào kỷ nguyên suy giảm dân số. Nhật Bản là nước đi đầu trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, theo sau là Trung Quốc, Hàn Quốc.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Kết quả cuộc điều tra vào tháng 10/2020 của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản cho thấy, dân số nước này trong vòng 5 năm đã giảm gần một triệu người, đạt hơn 126 triệu người. Cùng năm, Nhật Bản chỉ ghi nhận khoảng 843 nghìn ca sinh, con số thấp nhất kể từ khi chính phủ nước này bắt đầu lưu giữ tỷ lệ sinh từ năm 1979.

Đến năm 2021, số trẻ em dưới 15 tuổi tại Nhật Bản đã giảm 190 nghìn người xuống còn 14,93 triệu người, đánh dấu năm giảm thứ 40 liên tiếp. Trẻ em dưới 15 tuổi chỉ chiếm 11,9% dân số, mức thấp nhất trên thế giới.

Sự sụt giảm trên phản ánh thách thức dai dẳng của Nhật Bản trong việc đảo ngược tỷ lệ sinh giảm. Điều này khiến thế hệ trẻ của Nhật Bản ngày càng “thu mình” đối với công việc và kinh doanh, nuôi dưỡng mong ước muốn ổn định lâu dài đồng thời không muốn kết hôn hay sinh con.

Chia sẻ với tờ báo Financial Times, nhiều thanh niên 20 tuổi Nhật Bản bày tỏ tham vọng lớn nhất là làm việc văn phòng, tránh rủi ro. Số khác đánh giá khởi nghiệp là “bước nhảy vọt” đáng sợ. Điều này không chỉ đẩy Nhật Bản đến tình trạng già hóa dân số, mà còn tác động đến lực lượng lao động đang thu hẹp.

Trong khi đó, dân số Hàn Quốc dự kiến giảm 14 triệu người trong vòng 50 năm tới. Năm 2020, tỷ lệ sinh của Hàn Quốc là 0,92, thấp nhất trong những quốc gia được khảo sát. Năm 2021, con số này thậm chí còn trầm trọng hơn là 0,84.

Tỷ lệ sinh tại Hàn Quốc đang nằm trong mức thấp nhất thế giới. Một trong những lý do phổ biến nhất là giới trẻ không muốn sinh con và kết hôn muộn. Quốc gia này còn đối mặt với tình trạng bất bình đẳng giới, nơi phụ nữ là người chăm sóc chính cho con cái. Bên cạnh đó là gánh nặng tài chính do nuôi dạy con cái tại Hàn Quốc rất tốn kém.

Đất nước khác tại Đông Á, Trung Quốc, cũng ghi nhận tỷ lệ sinh giảm xuống mức thấp nhất trong sáu thập kỷ bất chấp những nỗ lực của chính phủ nhằm tăng tốc độ tăng trưởng dân số và ngăn chặn khủng hoảng nhân khẩu học.

Nhà kinh tế học Zhiwei Zhang cho biết: “Thách thức về nhân khẩu học tại Trung Quốc đã được nhận thức nhưng tốc độ già hóa dân số rõ ràng nhanh hơn dự kiến. Tổng dân số Trung Quốc có thể đạt đỉnh vào năm 2021 nhưng tốc độ tăng trưởng tiềm năng sẽ chậm lại nhanh hơn dự kiến”.

Nếu Đông Á không giải quyết những nguyên nhân sâu xa khiến giới trẻ ngại kết hôn, sinh con thì những kết quả hiện nay mới chỉ là khởi đầu cho sự sụt giảm trầm trọng hơn nữa, mở ra quá trình suy giảm dân số kéo dài.

Trước vấn đề trên, Bắc Kinh đã công bố những cải cách lớn, bao gồm nâng tuổi nghỉ hưu. Chính sách ba con thay thế chính sách hai con, áp dụng từ năm 2016, giúp số ca sinh tặng nhẹ. Đặc biệt, Trung Quốc cũng cấm dạy thêm, gây áp lực tài chính lẫn tinh thần cho học sinh, phụ huynh nước này; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc trẻ em và nghỉ thai sản.

Hàn Quốc cũng cấm các trường học tư nhân đắt đỏ, cấm dạy thêm, dù chưa đạt hiệu quả cao. Nước này cũng học cách sống chung với tình trạng giảm dân số. Nước láng giềng Nhật Bản triển khai nhiều chính sách nhằm tăng tỷ lệ sinh như khuyến khích các công ty cải thiện môi trường làm việc cho nhân viên; hỗ trợ chi phí chăm sóc cho phụ nữ mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...