Nhân khẩu học thay đổi sẽ tạo động lực phát triển nếu mỗi nước biết nắm bắt cơ hội. Những đề xuất của tổ chức quốc tế là kinh nghiệm để Việt Nam tối đa hóa tiềm năng từ thay đổi dân số.
Cơ cấu dân số thay đổi
Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển Liên Hiêp Quốc cho thấy, sự thay đổi nhân khẩu học đang diễn ra mạnh mẽ với mức độ khác nhau ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Điểm khác biệt rõ nhất tại khu vực này với châu Âu là tốc độ thay đổi của nhân khẩu học. Nếu như các nước thuộc châu Âu mất hàng thế kỷ mới có được sự bùng nổ dân số trong độ tuổi lao động và giảm tỷ lệ sinh thì với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đây chỉ là chuyện nhỏ, diễn ra trong chớp mắt (30 năm).
Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình cho sự thay đổi nhanh chóng trên. Báo cáo phát triển con người của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho thấy, Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có gần 70% dân số bước vào tuổi lao động mỗi năm. Đây được xem là cơ hội thuận lợi để lực lượng lao động nước ta tiếp thu khoa học kỹ thuật, linh hoạt chuyển đổi ngành nghề, nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế cho đất nước.
Cơ cấu dân số vàng thường kéo dài từ 30 - 35 năm, thậm chí là 40 - 50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. Bài học từ các quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc chứng tỏ, nếu biết tận dụng cơ hội này có thể tạo nên đột phá trong phát triển kinh tế cũng như cải thiện đời sống người dân.
Phát triển nếu biết nắm bắt cơ hội
Tác giả chính của báo cáo, ông Thangavel Palanivel cho rằng, nếu một quốc gia có nhiều người trong độ tuổi lao động, có thể làm việc, tiết kiệm và nộp thuế thì quốc gia đó có tiềm năng chuyển đổi nền kinh tế và đẩy mạnh đầu tư cho y tế, giáo dục và xây dựng sự thịnh vượng trong tương lai.
Kinh nghiệm từ các nước đã chỉ ra, thời kỳ dân số vàng chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử của mỗi quốc gia. Nếu biết nắm bắt cơ hội, thời kỳ trên sẽ kéo dài để chúng ta tận dụng thời cơ phát triển kinh tế. Ngược lại, kinh tế sẽ không phát triển, đời sống người dân mãi giậm chân tại chỗ nếu chúng ta… ngồi chơi chờ cơ hội đến. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Việt Nam cần chớp lấy thời cơ dân số vàng để cải thiện năng suất lao động, vì cơ hội này sẽ không quay trở lại, nếu có phải ít nhất 100 - 200 năm sau. Còn GS Nguyễn Đình Cử lại đưa ra quan điểm: Để đưa đất nước đi lên, phát triển bền vững, tránh được “bẫy thu nhập trung bình” và đương đầu được với thách thức dân số “siêu già” của thời kỳ “hậu dân số vàng”, cần tận dụng những vận hội do cơ cấu dân số vàng mang lại, thông qua đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo ra và tìm kiếm nhiều việc làm có thu nhập cao, cả ở trong và ngoài nước, hạn chế tiêu dùng xa xỉ, để nâng cao tiết kiệm, thúc đẩy đầu tư. “Cơ cấu dân số vàng không khai thác sẽ tự hết nên càng tận dụng cơ hội sớm càng tốt” - GS Cử nhận định.
Từ báo cáo trên, ông Thangavel Palanivel và nhóm nghiên cứu cũng đưa ra khuyến nghị cho các quốc gia. 9 hành động vì phát triển bền vững là những chính sách cụ thể phù hợp với tình hình nhân khẩu học của mỗi nước. Đối với các quốc gia có số người trong độ tuổi lao động chiếm tỉ lệ lớn, Chương trình Phát triển Liên Hiêp Quốc kêu gọi Chính phủ tạo ra việc làm phù hợp với lực lượng lao động và bình đẳng cho phụ nữ, đồng thời có giải pháp biến tiết kiệm thành đầu tư trong khu vực. Quốc gia có dân số trẻ thì cần phải đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe, để thanh niên rời ghế nhà trường có thể làm việc một cách hiệu quả, đồng thời phải khuyến khích sự tham gia của thanh niên trong đời sống xã hội.
Ông Thangavel Palanivel