Người già dễ bị tổn thương
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đã đạt tới điểm ngoặt trong quy mô dân số già năm 2015. Số lượng người Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng dần từ 6,3 triệu người hiện nay tới trên 18 triệu người vào năm 2040, chiếm tới hơn 18% số dân và biến Việt Nam từ một xã hội trẻ thành một xã hội già.
Dân số già đồng nghĩa với việc lực lượng lao động giảm sút, tức tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng không được như xưa trong khi đó áp lực ngày càng gia tăng của hệ thống hưu trí và y tế sẽ tạo thêm những thách thức lên nguồn tài chính quốc gia. Vấn đề hệ thống chăm sóc cho người tuổi cao sức yếu sẽ sớm trở thành một mối quan ngại lớn bởi phần lớn người Việt Nam già trước khi kịp tích lũy, già luôn kèm với đau yếu, bệnh tật.
Theo thống kê của Bộ Y tế, trung bình một người già ở nước ta mắc 3 bệnh cùng lúc nhưng do triệu chứng không điển hình nên thường phát hiện khi bệnh nặng. Sức khỏe yếu lại dùng nhiều thuốc, thậm chí có người không đủ điều kiện chữa trị khiến tỷ lệ tai biến thường nhiều hơn đối tượng khác. Với đặc điểm trên, chi phí điều trị cho người cao tuổi cao hơn nhiều so với thanh niên, người trong độ tuổi lao động.
Sống lâu và sống khỏe luôn là mong ước của tất cả mọi người. Nhưng trong bối cảnh dân số, điều kiện kinh tế nước ta như hiện nay, sống lâu và sống thịnh vượng là câu hỏi không dễ có lời giải.
Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, năm 2040, tỷ lệ phụ thuộc của người cao tuổi lên người lao động - là số lượng người từ 65 tuổi trở lên trên 100 người ở độ tuổi từ 15 tới 64 - sẽ tăng lên xấp xỉ 26 (hiện nay là 10), trong khi số người ở độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm xuống. Như vậy, để kinh tế tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu sống của tất cả mọi người cần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Mở rộng hệ thống hưu trí để bao phủ phần lớn dân số đồng thời cải cách cơ chế hiện nay. Mở rộng phạm vi bảo hiểm sang khu vực không chính thức và khuyến khích người lao động trong khu vực không chính thức tham gia đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau.
Yếu tố không kém phần quan trọng khác là việc định hướng lại hệ thống y tế để chăm sóc tốt hơn dân số đang già hóa. Theo khuyến cáo của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Thế giới, vấn đề trọng tâm là củng cố hệ thống y tế cơ sở để quản lý được những bệnh không lây nhiễm mà người già hay mắc như tim mạch hay tiểu đường, do vậy sẽ giảm được phụ thuộc quá mức vào bệnh viện như hiện nay. Để làm được điều này cần thúc đẩy lối sống lành mạnh và cải thiện y tế dự phòng giúp người dân có được tuổi già khỏe mạnh.
Cần xây dựng một xã hội thích ứng
Nhận định về áp lực của xã hội phần lớn là người già, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho rằng, Việt Nam cần xây dựng một xã hội thích ứng với quá trình già hóa. Do lối sống thay đổi, bệnh tật ở người cao tuổi đang có xu hướng chuyển từ những bệnh dễ lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và mạn tính, nhiều bệnh nặng đang ngày càng phổ biến như ung thư, tim mạch, tiểu đường, trầm cảm...
Những xu hướng này khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao (chi phí chăm sóc, điều trị cho người già cao gấp từ 7 - 10 lần so với người trẻ). Người cao tuổi cũng là đối tượng có khả năng chịu nhiều rủi ro hơn và còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh khác biệt so với nhóm dân cư trẻ tuổi cho nên ngành Y tế cần chuẩn bị kế hoạch đầu tư cho nhân lực, vật lực kịp thời.
Để giải quyết những thách thức và tận dụng cơ hội của thời kỳ già hóa dân số, Thứ trưởng Tuấn cho rằng việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức về vấn đề già hóa dân số, đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của người cao tuổi vào tất cả các chương trình, chính sách phát triển quốc gia, đặc biệt là các chính sách, chương trình về an sinh xã hội; Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi là rất cần thiết.
- Xã hội có tới 18% dân số là người cao tuổi đòi hỏi chúng ta phải có chính sách, hành động phù hợp để thích ứng và giảm nhẹ hậu quả bởi phần lớn người cao tuổi ở nước ta mắc trung bình từ 3 bệnh trở lên. Chi phí điều trị cao gấp 7 - 10 lần so với người trẻ trong khi dân số lại già trước khi giàu.