Để kết quả đo lường sự hài lòng dịch vụ giáo dục công không nằm trên giấy

GD&TĐ - Các chuyên gia cho rằng, cần công khai minh bạch kết quả khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công...

Sinh viên Trường Đại học Phenikaa trong phòng thí nghiệm. Ảnh: INT
Sinh viên Trường Đại học Phenikaa trong phòng thí nghiệm. Ảnh: INT

Nhấn mạnh cần thiết phải khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, các chuyên gia cho rằng, cần công khai minh bạch kết quả. Kết quả khảo sát, đo lường phải được triển khai, áp dụng vào thực tiễn; từ đó cải tiến và nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục công.

PGS.TS Phạm Thị Huyền (Trưởng bộ môn Marketing, Khoa Marketing - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân): Cần hệ thống chỉ tiêu đo lường chuẩn

PGS.TS Phạm Thị Huyền.

PGS.TS Phạm Thị Huyền.

Theo xu thế phát triển, giáo dục được xem là một trong những dịch vụ công có khả năng xã hội hóa khá cao. Tuy nhiên, khu vực công vẫn được xem là cốt lõi, nòng cốt thúc đẩy phát triển nguồn lực con người.

Chất lượng dịch vụ giáo dục công là chỉ số quan trọng đo lường chất lượng chiến lược phát triển con người. Chất lượng dịch vụ giáo dục công cần được đánh giá bởi người dân, những người thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp.

Đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục nói chung và dịch vụ giáo dục công có ý nghĩa quan trọng, thể hiện đánh giá của người dân về một loại hình dịch vụ được cung cấp bởi các cơ sở giáo dục công lập, sử dụng ngân sách Nhà nước để cung cấp cho người dân.

Qua đó, giúp xây dựng cơ sở khoa học cho việc cải tiến và đổi mới mọi mặt trong hoạt động của cơ sở cung cấp dịch vụ giáo dục công lập, nhằm phát triển nguồn lực con người theo định hướng chung và được cộng đồng chung tay, góp sức. Đồng thời, việc đo lường sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công cũng thể hiện chủ trương xây dựng chính quyền gần dân, do dân và vì dân.

Nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục dựa trên đổi mới quy trình cung ứng dịch vụ và thái độ kỹ năng của cán bộ, giảng viên. Cải tiến các yếu tố tạo nên chất lượng dịch vụ phải dựa trên hiểu biết tâm tư, nguyện vọng và đánh giá của người dân. Đo lường mức độ hài lòng không những là thu nhận ý kiến của người dân về dịch vụ giáo dục công để giám sát, đánh giá, mà còn là mục tiêu của nền giáo dục nước nhà hướng tới.

Để việc đo lường thực sự khách quan và hiệu quả, phản ánh thực chất, cần có hệ thống chỉ tiêu đo lường và đánh giá mức độ hài lòng của người dân. Hệ thống này cần đáp ứng các yêu cầu khoa học và thực tiễn, đảm bảo thu được thông tin đánh giá chính xác từ phía người dân, phục vụ được mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ giáo dục của cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục các cấp. Hệ thống phải đủ hấp dẫn và khách quan để thu hút người dân tham gia vào quá trình đánh giá chất lượng dịch vụ giáo dục sao cho mang lại kết quả thực sự khoa học và chính xác.

Hơn nữa, để sử dụng hệ thống chỉ tiêu đo lường và đánh giá mức độ hài lòng về chất lượng dịch vụ giáo dục tại các cơ sở giáo dục, cần xây dựng mô hình tổ chức thực hiện đánh giá với quy trình và thủ tục, tổ chức thực hiện chặt chẽ. Thực tế cho thấy, việc làm thế nào để đo lường và đánh giá mức độ hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ giáo dục đã, đang là vấn đề cần quan tâm của ngành Giáo dục.

Ngoài ra, để công tác tổ chức khảo sát mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công lập, cần có đủ kinh phí nhằm thu thập được đúng, đủ thông tin chính xác, đa chiều từ nhóm đối tượng khác nhau (người học, phụ huynh, người sử dụng lao động và cả các bên tham gia). Đồng thời, phải có đủ thời gian, kỹ thuật khai thác dữ liệu thu thập được theo chiều sâu.

Việc kinh phí bố trí ít có thể dẫn đến tình trạng thu thập không đủ dữ liệu, hoặc lượng dữ liệu nhiều nhưng tính đại diện không cao; không phản ánh được thực chất của chất lượng dịch vụ; không thể hiện chính xác sự hài lòng của người dân với dịch vụ giáo dục công ở các cấp giáo dục khác nhau cũng như khu vực khác nhau…

Đặc biệt, để những kết quả khảo sát đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công không nằm trên giấy, trước tiên phải đảm bảo kết quả đó phản ánh khách quan, chính xác và cập nhật chất lượng dịch vụ giáo dục công lập. Từ đó, xác định được nhu cầu, mong muốn của người dân với dịch vụ giáo dục nói chung và giáo dục được cung cấp bởi cơ sở giáo dục công lập nói riêng.

Những vấn đề liên quan tới học phí, bao gồm cả sự sẵn lòng chi trả của người dân với giáo dục công lập cũng cần được quan tâm nhằm khẳng định niềm tin và mong muốn của người dân với giáo dục công lập.

Khảo sát không đơn giản là hỏi người dân có hài lòng hay không, mà phải xác định được những tiêu chí, vấn đề mà người dân quan tâm với dịch vụ giáo dục; đánh giá của người dân về các vấn đề đó. Từ đó, xác định khoảng cách giữa kỳ vọng của người dân với chất lượng dịch vụ giáo dục công lập hiện có, làm cơ sở đề xuất các khuyến nghị rút ngắn khoảng cách này.

Tiếp đến, các khuyến nghị đưa ra nhất định phải phù hợp với bối cảnh hiện có của giáo dục Việt Nam nói chung và giáo dục công lập nói riêng. Không chỉ đến từ kết quả khảo sát, việc tham vấn ý kiến của người dân về những giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ giáo dục công lập cũng có ý nghĩa quan trọng.

Bởi những người quan tâm thực sự tới giáo dục, những người trải nghiệm và tâm huyết với giáo dục sẽ có góc nhìn đa chiều, sâu sắc và hữu ích. Chính vì thế, việc khảo sát như thế nào, khảo sát ai, công cụ và phương pháp nào cũng là vấn đề cần được bàn thảo bởi các chuyên gia giáo dục và người có trình độ, kinh nghiệm để thu thập và khai thác chuyên sâu dữ liệu.

Ông Lê Tuấn Tứ (Đại biểu Quốc hội khóa XIV, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Khánh Hòa): Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong khảo sát, đo lường

Ông Lê Tuấn Tứ.

Ông Lê Tuấn Tứ.

Khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công có tác động lớn đến thực tiễn hoạt động trong các cơ sở giáo dục.

Kết quả của khảo sát, đo lường sẽ là căn cứ khoa học, minh bạch và khách quan để cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục nắm bắt được nhu cầu, mong muốn của người dân; từ đó cung cấp dịch vụ và có những giải pháp cải thiện chất lượng, trên hết là đáp ứng sự hài lòng và lợi ích chính đáng của người dân.

Muốn vậy, ngoài việc xây dựng bộ chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân, các địa phương, cơ sở giáo dục cần xây dựng phương pháp đo lường, phân tích số liệu để đảm bảo thông tin kết quả khảo sát là chính xác, đáng tin cậy. Trong quá trình triển khai, cần đảm bảo tính khách quan và nghiêm túc.

Theo đó, các địa phương, đơn vị có thể tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Cần thiết kế và hoàn thiện phần mềm theo hướng thân thiện, dễ làm, dễ thực hiện và phù hợp với nhiều đối tượng.

Để việc khảo sát, đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công phát huy hiệu quả vào thực tiễn, các địa phương, cơ sở giáo dục cần coi kết quả khảo sát, đo lường là những chỉ báo quan trọng để xác định được nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân. Từ đó có biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân.

Ngoài ra, để nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công, địa phương, cơ sở giáo dục đào tạo cần thực hiện “3 công khai”, gồm: Cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; điều kiện đảm bảo chất lượng nhà trường; thu chi tài chính. Trên cơ sở đó, đảm bảo mọi người dân đều tiếp cận thông tin một cách đầy đủ, thuận tiện và chính xác.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ (Phó Tổng thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam): Công khai kết quả khảo sát, đo lường

PGS.TS Chu Cẩm Thơ.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ.

Về nguyên tắc, việc đo lường, đánh giá thực sự khách quan, hiệu quả, thực chất khi và chỉ khi mục tiêu đánh giá cũng như phương thức triển khai khoa học, thực tiễn, minh bạch, được ghi nhận tác động và sử dụng kết quả.

Ở đây, chúng ta nên quan tâm việc đánh giá quá trình (chứ không chỉ dựa trên một vài thời điểm), mẫu lớn (thu hút hầu hết người tham gia dịch vụ) và tự đánh giá, đánh giá khách quan.

Ngoài ra, công cụ khảo sát cũng được cập nhật, cải tiến để phù hợp với bối cảnh thực hiện, dễ thực hiện. Yếu tố có thể dẫn đến giảm niềm tin, uy tín của đo lường, đánh giá khi kết quả không được công bố minh bạch, không được sử dụng trong thực tiễn hay không thấy sự cải tiến của dịch vụ sau khi tiếp nhận sáng kiến, đề xuất của người dân.

Việc khảo sát nên tiếp cận càng nhiều nội dung thuộc dịch vụ giáo dục càng tốt. Tuy nhiên, một trong những khâu không kém phần quan trọng, đó là làm cho người dân thông hiểu dịch vụ giáo dục, minh bạch tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (làm căn cứ để đo lường, đánh giá).

Trên thực tế, lĩnh vực giáo dục đã được triển khai khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân nhưng ảnh hưởng của công việc này chưa rõ nét. Các kết quả khảo sát, đo lường, đánh giá sẽ nằm trên giấy nếu không minh bạch, không được công khai với đối tượng tham gia khảo sát và dễ dàng tiếp cận đối với mọi người dân.

Chúng ta nên thực hiện việc khảo sát, đo lường trên diện rộng, dễ thực thi, để đảm bảo người dân có thể tham gia dễ dàng cả về thời gian và phương tiện thực hiện. Ngoài ra, cần công khai thời gian công bố kết quả khảo sát, đo lường, tiến hành nghiên cứu để đưa kết quả vào thực tiễn cải tiến dịch vụ. Đặc biệt, công khai kế hoạch tiếp nhận, áp dụng cải tiến này đối với đơn vị thực thi giáo dục, có thể cả ở phạm vi địa phương và quốc gia.

“Các khuyến nghị từ kết quả khảo sát có thể cần những điều chỉnh lớn trong hệ thống cơ chế, chính sách cho giáo dục nói chung và giáo dục công lập nói riêng. Do đó, có thể cần thêm cơ chế thí điểm chính sách cho giáo dục công lập, nhằm khẳng định đầu tư cho giáo dục luôn là quyết sách hàng đầu của Đảng và Nhà nước”. - PGS.TS Phạm Thị Huyền

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Tản văn: Trâu và Tre

GD&TĐ - Đồng lúa tựa như một tấm thảm xanh, ngả dần về màu vàng xuộm, óng ánh dưới nắng mặt trời.