Khủng hoảng bóng bay chở rác

GD&TĐ - Mối quan hệ giữa hai miền bán đảo Triều Tiên đang ở giai đoạn xấu trong nhiều năm, cụ thể hóa bằng những động thái đáp trả lẫn nhau rất đặc trưng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Giới chức Hàn Quốc cáo buộc phía Triều Tiên đã gửi hàng nghìn quả bóng bay mang theo rác sang biên giới, gây gián đoạn một số hoạt động ở Hàn Quốc. Trong ngày 25/7, Hàn Quốc ước tính có gần 500 quả bóng bay chở rác đã bay từ Triều Tiên vào không phận nước này chỉ trong vòng 24 giờ.

Những quả bóng bay trên đã khiến sân bay Gimpo ở Seoul bị gián đoạn việc cất và hạ cánh của hàng chục chuyến bay trong vòng 2 tiếng vào tối 24/7. Sân bay chính ở thủ đô Hàn Quốc là Incheon cũng nhiều lần bị ảnh hưởng hoạt động do những quả bóng bay chở rác này gây ra.

Đặc biệt ở tỉnh Gyeonggi giáp Seoul, một quả bóng bay chở rác đã bốc cháy khi rơi xuống nóc một tòa nhà cư dân khiến phải huy động lực lượng cứu hỏa để dập tắt. Rác thải chứa trong những chiếc bóng bay bị cáo buộc là từ Triều Tiên bay sang này chứa đầy giấy vụn và nhựa.

Đỉnh điểm trong cuộc “khủng hoảng bóng bay rác” xảy ra hôm 24/7 khi Cơ quan An ninh Tổng thống Hàn Quốc phát hiện một quả bóng bay rác rơi xuống khuôn viên dinh thự Tổng thống ở Seoul. Một nhóm đặc nhiệm gồm các chuyên gia hóa học, sinh học và phóng xạ đã vào cuộc điều tra và kết luận số rác thải này không gây nguy hại.

Đây là lần đầu tiên khu vực dinh thự Tổng thống Hàn Quốc nằm ở trung tâm Seoul vốn được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, thiết lập vùng cấm bay bị bóng bay mang rác xâm nhập. Kể từ cuối tháng 5 vừa qua, Triều Tiên đã cho thả những quả bóng bay mang rác sang bên kia biên giới như một hành động trả đũa Hàn Quốc.

Bình Nhưỡng tuyên bố việc thả số bóng bay là nhằm đáp trả việc Hàn Quốc đã thả truyền đơn chống Triều Tiên cùng các loại thẻ nhớ USB chứa các video nhạc K-pop, phim truyền hình qua biên giới.

Những động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ liên Triều đang ở mức thấp nhất trong vòng nhiều năm qua. Về mặt kỹ thuật, hiện Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột từ năm 1950 đến 1953 chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến chứ không phải một hiệp ước hòa bình chính thức.

Sau khi Triều Tiên khởi động việc thả bóng bay mang rác sang biên giới hồi cuối tháng 5/2024, Hàn Quốc cũng đã đình chỉ hoàn toàn thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều đạt được từ năm 2018, đồng thời tuyên bố sẽ nối lại các cuộc tập trận bắn đạn thật, hoạt động mà Bình Nhưỡng luôn kịch liệt phản đối và coi là sự khiêu khích.

Đặc biệt, để đáp trả chiến dịch bóng bay rác của miền Bắc, Hàn Quốc còn khởi động lại các chiến dịch tuyên truyền qua biên giới bằng hệ thống loa phóng thanh công suất lớn. Giới chức Triều Tiên coi đây là sự khiêu khích nguy hiểm. Hàn Quốc đang duy trì 40 hệ thống loa phóng thanh ở khu vực biên giới với Triều Tiên, gồm 24 hệ thống loa cố định và 16 hệ thống loa di động.

Hồi năm 2018, quan hệ liên Triều từng chứng kiến khoảng thời gian nồng ấm đặc biệt nhưng những năm sau đó tình hình lại chuyển biến xấu, khi hai bên cắt các thỏa thuận hòa giải. Việc đáp trả nhau bằng những hình thức truyền thống như truyền đơn, loa phóng thanh hay bóng bay chở rác là biểu hiện thực tế cho việc quan hệ giữa hai miền Triều Tiên vẫn rất gập ghềnh, khó có thể giải quyết trong một thế hệ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.