Khung giờ đẹp cúng hết Tết âm lịch năm Quý Mão

GD&TĐ - Không hạ lễ, tắt đèn hương trước khi hóa vàng, nghi thức hóa vàng như thế nào... là những lưu ý khi cúng hết Tết Âm lịch Quý Mão.

Khung giờ đẹp cúng hết Tết âm lịch năm Quý Mão

Lễ hoá vàng tiễn tổ tiên trong ngày mùng 3 Tết là một trong những lễ nghi quan trọng trong những ngày đầu Xuân năm mới.

Vào ngày này, con cháu làm lễ cúng hóa vàng hết Tết với ngụ ý đưa các cụ về âm cảnh, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với chư Phật, thần linh, gia tiên đã luôn phù hộ cho gia đình trong một năm qua.

Dưới đây, Phong Thủy Phùng Gia sẽ chỉ ra 3 việc mà gia chủ cần hết sức lưu ý tránh phạm phải kẻo ông bà tổ tiên trách phạt khi cúng hết Tết Âm lịch Quý Mão.

Sắm lễ vật đầy đủ

Tùy theo điều kiện của từng gia đình mà lễ hóa vàng có thể khác nhau. Tuy nhiên, quý bạn cần đảm bảo những món lễ như sau:

Một mâm cỗ mặn gồm rượu, thịt, bánh chưng…

Tiền âm phủ, vàng mã mỗi loại một ít.

Mâm ngũ quả.

Hoa tươi.

Hương.

Bánh kẹo.

Trầu cau, thuốc lá.

2 cây mía.

Trong đó, theo dân gian quan niệm, cây mía để các cụ chống đi cho đỡ mỏi hoặc có thể sử dụng để gánh đồ cúng về trời.

Quý bạn có thể cúng hóa vàng ngày Tết với cỗ mặn hoặc cỗ chay đều được. Nếu cúng mặn, thì không thể thiếu con gà trống, cùng với đó là các món ăn ngày tết được chế biến thơm ngon, tinh khiết, bày biện đầy đặn, trang nghiêm.

Bên cạnh đó, hãy ghi nhớ giờ đẹp nhất để thực hiện lễ cúng là vào giờ Mão (5h – 7h) hoặc giờ Thân (15h – 17h) ngày Mùng 3 Tết.

Không hạ lễ, tắt đèn hương trước khi hóa vàng

Người xưa quan niệm rằng, trong dịp Tết, các bậc gia thần, tổ tiên luôn ngự trên ban thờ, vì thế đèn hương không bao giờ được tắt, các đồ dâng cúng như mâm ngũ quả, bánh kẹo…phải đợi đến ngày hóa vàng mới được đem xuống (trừ các đồ mặn dễ thiu như thịt, xôi…).

Nếu để đèn hương tắt, nhất là việc hạ lễ trước khi hóa vàng sẽ phạm vào điều bất kính.

Lưu ý khi hóa vàng

Bạn nên tiến hành hóa vàng ở ngoài cổng, chọn chỗ sạch sẽ.

Sau khi lễ, việc hóa vàng cũng phải làm riêng. Mỗi lễ vàng tiền, đều được hóa riêng từ các bậc cao xuống theo thứ tự gia thần trước, gia tiên sau. Nếu là vàng mã dành cho người mới mất thì phải đem hóa riêng.

Tục xưa, tại nơi đốt vàng mã, người ta thường đặt vài 3 cây mía dài để làm đòn gánh cho các linh hồn mang hàng hóa theo.

Trước khi hạ mỗi lễ, quý bạn đều vái ba vái và khấn: “Gia chủ xin hóa tiền vàng, kim ngân…thỉnh vong linh gia tiên nhận chút lễ bạc, tâm thành. Kính cáo tôn thần, xin rước vong linh lại về âm giới”.

Khi hóa vàng xong thì vẩy vào mấy giọt rượu cúng trên bàn vì tục cho rằng có làm như thế mới thiêng, ở cõi âm, các cụ mới nhận được và vàng mã đó mới tiêu được ở âm phủ. Hai cây mía cũng được đem hơ trên đống tàn vàng.

Bên cạnh đó, quý bạn cũng không nên đốt quá nhiều vàng mã khi cúng lễ. Đồ vàng mã chỉ nên có một ít tiền, vàng thể hiện lòng thành. Nếu quá mê tín dị đoan, đốt đủ thứ với suy nghĩ “trần sao âm vậy” là lạm dụng, phô trương, gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ gây cháy nổ làm mất đi ý nghĩa của tập tục này.

Ngoài ra, trong quá trình thực hiện lễ cúng, quý bạn hãy thể hiện sự thành tâm và lòng biết ơn chân thành đến các chư vị thần linh và ông bà tổ tiên. Bởi có câu “mâm cao cỗ đầy không bằng tâm thành kính”.

* Thông tin mang tính tham khảo!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ