Khúc ca bà giáo tặng thiếu nhi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - 'Cây trăng' là tập thơ nhà giáo Phương Anh viết dành tặng cho thiếu nhi vừa được NXB Văn học ấn hành.

Tập thơ 'Cây trăng' là món quà thú vị của bà giáo Phương Anh tặng độc giả nhí. Ảnh: NVCC
Tập thơ 'Cây trăng' là món quà thú vị của bà giáo Phương Anh tặng độc giả nhí. Ảnh: NVCC

“Cây trăng” là tập thơ nhà giáo Phương Anh viết dành tặng cho thiếu nhi vừa được NXB Văn học ấn hành. Tác phẩm là khúc ca chứa chan tình cảm từ trái tim của người mẹ hát ru con, người bà hát ru cháu gửi gắm trong đó bao yêu thương, trìu mến và ước mong.

36 bài thơ trong “Cây trăng” là bức tranh chân thực, gần gũi và sinh động về cuộc sống được phản ánh qua đôi mắt trẻ thơ. Trong đó, “Mưa đầu hạ” được quan sát bằng cặp mắt và suy nghĩ của em thơ, như lát cắt rất hồn nhiên, tươi mới về cuộc sống ở nông thôn sau cơn mưa đầu mùa:

…Bầy vịt kêu cạc cạc

Rủ nhau ra tắm ao

Chuồn chuồn đỏ liệng chao

Hoa hồng rung cánh múa.

Tuy là con gái Hà Nội - quận Tây Hồ - nhưng làm dâu và dạy học ở Đông Anh quê chồng, nhà thơ Phương Anh yêu miền quê ấy bằng tình yêu rất chân thành. Chị buồn lo, chung vui cùng bà con cô bác.

Đây là cảnh ngày mùa bận rộn đúng như tục ngữ ông cha từng nói: “Tháng Năm, năm việc; tháng Mười, mười việc”. Hãy cùng đọc bài thơ “Được mùa”:

Đã bước vào vụ gặt

Làng xóm nhộn nhịp ghê

Từng chuyến xe đi về

Sân nhà phơi đầy lúa.

Nắng trải vàng như lụa

Hong hạt thóc khô giòn

Cún nhảy nhót lon ton

Xua đàn gà chạy biến.

Bố bảo thời tiết thuận

Năm nay lúa được mùa

Các con sẽ được mua

Áo quần đẹp chơi Tết.

Bài thơ thiên về tự sự, đã phác họa nên bức tranh bằng ngôn từ giàu âm thanh, đường nét và màu sắc, ở đó con người và con vật đều nhộn nhịp, lao động hăng say.

Vụ lúa được mùa chính là sự đền đáp bao tháng ngày vất vả của người cấy trồng. Từ góc sân nhỏ nhà em phơi đầy lúa “Nắng trải vàng như lụa” ấy sẽ gieo mầm và nuôi dưỡng tình yêu cha mẹ, yêu con người, yêu thôn xóm, làng quê và yêu đất nước.

Trong tập, nhiều bài có tứ thơ mới lạ, hấp dẫn, mỗi bài được gắn với những sự việc, con vật hay hiện tượng cụ thể. Bài “Cây trăng” có tứ thật lạ và độc đáo khơi dậy trong các em tình yêu thiên nhiên kỳ diệu quanh ta. Vì thế, tên của bài được lấy làm nhan đề cho cả tập thơ.

Nói đến cây, người ta thường liên tưởng một loài thực vật gồm thân, cành lá và quả. Nói đến trăng để chỉ hành tinh phát sáng lớn nhất nhìn thấy về ban đêm, tròn đầy vào dịp ngày rằm. Nói “Cây trăng” là một kết hợp từ mới, là sáng tạo riêng của tác giả. Đây là sự quan sát và cảm nhận trẻ thơ mới có được:

Xuân về đón em

Từng chùm hoa nở

Trắng thơm đầu ngõ

Vương mái tóc mềm…

Mùa gọi Thu sang

Xoe tròn mọng nước

Vàng thơm quả ngọt

Thành cây trăng rằm.

Căn cứ vào hình ảnh, màu sắc và thời điểm nở hoa, đậu quả, thu hoạch dịp Trung thu, đây chính là cây bưởi hoặc cây thị. Riêng quả thị có mùi thơm rất đặc trưng và còn gắn với truyện cổ thần kỳ Tấm Cám, trẻ em Việt hầu hết đều biết.

Quả thị hay bưởi khi chín đều như những vầng trăng nhỏ treo lúc lỉu trên cây, tạo ấn tượng thẩm mỹ thật đẹp. Hình ảnh thơ cây trăng khiến em nhỏ thêm yêu cây trái, yêu thiên nhiên và cuộc sống quanh mình.

Tác giả Phương Anh (thứ 2 từ phải sang) và bạn yêu thơ. Ảnh: NVCC.

Tác giả Phương Anh (thứ 2 từ phải sang) và bạn yêu thơ. Ảnh: NVCC.

Song điều tôi tâm đắc nhất là tập thơ có ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên mà thấm thía qua những cảm xúc giàu thi ảnh, ngây thơ, ngộ nghĩnh bởi người viết luôn đặt mình vào suy nghĩ, tâm trạng của các bé.

Tác giả khi thì hướng em nhỏ tới lòng biết ơn ông bà, cha mẹ. Qua những cử chỉ, việc làm cụ thể của người bà trong bài “Quạt nan của bà” kể về một ngày Hè oi nóng, khắp nơi mất điện:

Bỗng ùa vào gió mát

Từ đôi tay của bà

Quạt nan đang thổi gió

Xoa dịu cái nắng trưa.

Mồ hôi sợ chạy hết

Bé thiu thiu ngủ rồi

Bà vẫn phe phẩy quạt

Ngọn gió lành đưa nôi.

Hay bài thơ “Gặp người ăn xin” tác giả kể lại một lần “Em cùng mẹ đi chợ”, thấy người ăn xin già yếu, mẹ lấy tiền biếu ông chục ngàn đồng. Chỉ vậy thôi nhưng bài thơ rõ ràng có ý nghĩa gieo mầm tình yêu thương đồng loại, có thái độ và hành động quan tâm giúp đỡ những người kém may mắn trong cuộc sống.

“Được bố khen” lại là một bài học cụ thể về lòng dũng cảm cho trẻ thơ qua chính những cử chỉ hành động các em gặp phải trong sinh hoạt thường ngày:

Bé bị vấp ngã

Nhưng không khóc đâu

Cố gắng chịu đau

Tự mình đứng dậy

Bố nhìn thấy vậy

Gọi bé đến gần

Xoa đầu bố khen:

“Con yêu dũng cảm”.

Còn nhiều, nhiều nữa những bài có tứ thơ dễ thương, đáng quý được minh họa bằng những bức tranh sinh động do chính các cháu của bà giáo thực hiện. Tất cả được trình bày dưới nhiều hình thức thơ, trong đó chiếm số nhiều là thơ bốn chữ (13 bài), và thơ năm chữ (18 bài). Cùng với đó, ngôn ngữ thơ thuần Việt, nhiều bài mang đậm sắc thái đồng dao, trẻ em đọc dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thuộc.

“Cây trăng” là tập thơ thứ tư của nhà giáo, nhà thơ đam mê văn thơ, thiết tha yêu thương con trẻ. Đúng như tác giả Dục Phương ở lời đầu sách nhận xét: “Tác phẩm của bà đa dạng về thể loại, với ngôn ngữ trong sáng giản dị, cảm xúc sâu lắng, chứa đựng những suy tư trăn trở về con người và lẽ đời...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ