Bà giáo 'đi xin' hơn 80 tỷ đồng cho học trò 'đất lửa'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhà giáo Nguyễn Thị Hồng Vân ở Quảng Trị luôn tận tâm, cống hiến hết mình với công việc, cũng như sự nghiệp giáo dục...

Những bộ sách, dụng cụ học tập được cô Vân trao tặng tận tay cho các em học sinh hiếu học.
Những bộ sách, dụng cụ học tập được cô Vân trao tặng tận tay cho các em học sinh hiếu học.

Gần nửa thế kỷ gắn bó ở “đất lửa” Quảng Trị, nhà giáo gốc Hà thành Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị đã đảm đương nhiều cương vị khác nhau và luôn tận tâm, cống hiến hết mình với công việc, cũng như sự nghiệp giáo dục.

Hiến tuổi xuân cho “đất lửa”

Gặp và làm việc với nhà giáo Nguyễn Thị Hồng Vân từ lâu, ở rất nhiều sự kiện như trao học bổng, tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh khó khăn, khánh thành điểm trường mầm non do cô kết nối với các tổ chức nhân ái hỗ trợ… tuy nhiên, mãi đến bây giờ, tôi mới có dịp trò chuyện với cô về công việc và cuộc sống. Vẫn phong thái điềm đạm, nụ cười đôn hậu, giọng nói ấm áp, cô Vân khiêm nhường nói về bản thân.

Cô Vân sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình có 3 anh em. Năm 1969, tốt nghiệp cấp III, cô Vân thi đỗ vào Khoa Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Theo học được 3 tháng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có chủ trương đào tạo lớp sư phạm cấp tốc để chi viện cho chiến trường miền Nam, cô Vân liền xin cha mẹ được đăng ký tham gia vào lớp Sư phạm Sinh – Địa. Đó là khóa đào tạo sư phạm 10+1 đầu tiên ở miền Bắc để tăng cường vào các tỉnh phía Nam. Năm 1972, cô Vân viết đơn tình nguyện xung phong lên đường gieo hạt ươm mầm cho sự nghiệp trồng người. Một năm sau cô được điều động vào Quảng Trị dạy học.

Lúc bấy giờ, Quảng Trị là một vùng đất hoang tàn, đổ nát do bom cày đạn xới, một phần địa giới của tỉnh vẫn còn bị địch chiếm giữ. Bởi vậy, ngoài việc bồi dưỡng kiến thức cho nhiều thế hệ cán bộ của địa phương tại Trường Sư phạm đồng bằng Quảng Trị, sau đó chuyển đến Trường Bổ túc Văn hóa Triệu Phong, cô Vân cùng đồng nghiệp còn tăng gia sản xuất cải thiện đời sống, tham gia văn nghệ động viên, khích lệ tinh thần cho bộ đội, tuyên truyền địch vận bên đồn giặc…

“Khó khăn không thể kể hết, cộng với nỗi nhớ người thân, quê nhà quay quắt, nhưng với tinh thần của người đoàn viên thanh niên, được sống ở miền Bắc XHCN, được giáo dục rèn luyện nên tôi và đồng nghiệp luôn động viên nhau cố gắng bám trụ, hoàn thành nhiệm vụ ươm mầm tri thức. Bởi trong chiến tranh Quảng Trị đã vì cả nước, thì nay giải phóng cả nước phải chung tay vì mảnh đất đã chịu nhiều đau thương, mất mát”, cô Vân chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (quàng khăn đứng giữa hàng sau cùng) trao tặng áo quần đồng phục cho học sinh ở huyện vùng núi Hướng Hóa.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (quàng khăn đứng giữa hàng sau cùng) trao tặng áo quần đồng phục cho học sinh ở huyện vùng núi Hướng Hóa.

Tròn 3 năm nghĩa vụ, phần lớn đồng nghiệp trở về quê nhà công tác. Thế nhưng, cô Vân vẫn chọn ở lại Quảng Trị cống hiến. Chính ở mảnh đất này cô đã gặp được người bạn đời tri kỉ, để cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc đến bây giờ.

Năm 1981, vợ chồng cô Vân đều thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Huế, cô trúng tuyển Khoa Ngữ văn, còn thầy thì Khoa Tiếng Nga. Cả gia đình 3 thành viên lại dắt díu nhau vào thành phố Huế thuê trọ ở để tiếp tục theo đuổi sự nghiệp đèn sách. Ra trường vào năm 1985, cô Vân được phân công về giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường Phổ thông Lao động Triệu Hải, sau đó cô lại vào Huế nhận công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Trị Thiên.

Đến năm 1989, khi Bình Trị Thiên tách tỉnh, cô Vân chuyển về lại Quảng Trị và công tác tại Liên đoàn Lao động tỉnh, đảm trách qua nhiều cương vị. Ở vị trí công tác nào, cô cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được các cấp, ngành đánh giá cao và luôn được mọi người quý trọng, cảm mến.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (áo hoa) cùng nhà tài trợ chụp hình kỷ niệm với giáo viên và các cháu mầm non tại lễ khởi công xây dựng điểm trường mầm non ở huyện Hướng Hóa.

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân (áo hoa) cùng nhà tài trợ chụp hình kỷ niệm với giáo viên và các cháu mầm non tại lễ khởi công xây dựng điểm trường mầm non ở huyện Hướng Hóa.

Điểm tựa của trò nghèo

Giữa năm 2007, cô Vân nghỉ hưu theo chế độ. Thế nhưng, duyên nghiệp lại đưa cô đến với công việc mới. Với tầm nhìn của một lãnh đạo, Nhà giáo Ưu tú Trương Sĩ Tiến, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị lúc bấy giờ đã nhìn thấy năng lực, nhiệt huyết trong người phụ nữ này nên đã động viên cô về làm việc ở Hội Khuyến học tỉnh.

Đầu tháng 8/2008, cô Vân được bầu vào Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, đảm trách cương vị Phó Chủ tịch Thường trực cho đến tháng 6/2015 cô là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị. Từ đó cho đến nay, hơn 14 năm tận tâm cống hiến cho đời, cô đã tiếp sức cho bao thế hệ trò nghèo trên hành trình đi tìm tri thức đổi thay cuộc sống. Nhờ sự tận hiến của cô mà sự nghiệp khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có nhiều khởi sắc, gặt hái được những kết quả nổi bật, được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam ghi nhận.

“So với các tỉnh, thành, Quảng Trị là một địa phương còn rất khó khăn nên học sinh ở đây thiệt thòi hơn nhiều. Tôi rất thương các em. Nhiều khi công việc áp lực, đi lại vất vả, nhưng tôi vẫn tự động viên bản thân kiên trì kết nối với các tổ chức để xin học bổng, cố gắng không để các em phải bỏ học giữa chừng”, cô Vân nói.

Một điểm trường mầm non khang trang do cô Vân kết nối xin tài trợ.

Một điểm trường mầm non khang trang do cô Vân kết nối xin tài trợ.

Trong số những thế hệ học trò ở “đất lửa” được cô Vân nâng bước đến trường có em Cáp Thị Huyền Trang, cựu học sinh Trường THPT thị xã Quảng Trị. Trang vốn xuất thân trong một gia đình làm nông, gia cảnh khó khăn. Sau Trang còn 2 đứa em đang tuổi ăn, tuổi học nên cô học trò này không nghĩ là tốt nghiệp cấp III xong em sẽ được đi du học ở nước ngoài. May mắn là vào những tháng cuối của lớp 12, nhờ sự kết nối của cô Vân, Trang đã có cơ hội tiếp cận với học bổng Isshin – Asahi (Nhật Bản). Hiện tại, Trang là sinh viên năm 3 ngành Lưu thông thông tin của Trường Đại học Ryutsu Keizai và có thành tích học tập đáng nể cũng như năng nổ tham gia các phong trào, hoạt động của trường.

Trang cho hay: “Hơn 4 năm trước, nhờ cô Vân kết nối mà cơ hội du học Nhật Bản dành cho con nhà nghèo như em được rộng mở, tiếp lửa cho em trên hành trình thực hiện ước mơ đi tìm con chữ. Em mang ơn cô rất nhiều”.

Trang là lứa học trò đầu tiên của học bổng Isshin – Asahi và sau này vị Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị còn kết nối thêm cho hàng chục học sinh có cơ hội học tập, rèn luyện ở xứ sở hoa anh đào.

Bên cạnh việc tìm các nguồn hỗ trợ học bổng cho con em khó khăn ở tỉnh, cô Vân còn là cầu nối với các tổ chức nhân đạo, chức sắc tôn giáo, doanh nhân, tổ chức phi chính phủ… để xin kinh phí tài trợ xây các mái ấm khuyến học, điểm trường, tài trợ các bữa cơm đủ dinh dưỡng cho trẻ mầm non nơi rẻo cao Quảng Trị. Tính đến nay, cô đã huy động được hơn 80 tỷ đồng để trao học bổng cho hàng chục nghìn học sinh, sinh viên; trao hơn 600 máy tính, hàng nghìn xe đạp, xây dựng được 70 mái ấm khuyến học, 7 điểm trường mầm non cùng áo quần đồng phục, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh nghèo ở những địa phương khó khăn của Quảng Trị.

Cô Vân chụp hình kỷ niệm với đội văn nghệ trong chương trình trao học bổng “Ánh trăng rằm lần thứ X”.

Cô Vân chụp hình kỷ niệm với đội văn nghệ trong chương trình trao học bổng “Ánh trăng rằm lần thứ X”.

Khuyến học là niềm vui, là lẽ sống

Nói về những việc làm vô cùng ý nghĩa của “bà đỡ học sinh nghèo” Nguyễn Thị Hồng Vân, cô giáo Đỗ Thị Diễm Ngọc, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ba Tầng (xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa), kể: Xã có điểm trường thôn Vầng rất khó khăn, cách trung tâm xã đến 13km. Trước đó, trẻ cả thôn tập trung học tập, vui chơi tại một phòng học được Tổ chức Plan tài trợ xây dựng ngay trong khuôn viên trường tiểu học.

Cơ sở vật chất thiếu thốn, trẻ đến trường phải mang theo cơm nắm trộn muối với rau rừng. Năm 2019, qua sự kết nối của cô Vân, điểm trường Vầng được tổ chức Hội Hỗ trợ Giáo dục Việt Nam của Canada hỗ trợ xây dựng với quy mô 2 phòng học, nhà vệ sinh, bếp ăn bán trú và các thiết bị phục vụ việc dạy học với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Các cháu đến trường được hỗ trợ ăn bán trú. Giáo viên từ đó đỡ vất vả trong khâu đi gọi trẻ đến trường, rồi vận chuyển các suất ăn, còn phụ huynh cũng bớt đi gánh nặng chi phí. Nhờ vậy mà tỷ lệ trẻ đến trường cao và đều đặn hơn.

Chính sự tận tâm, trách nhiệm, không ngại gian khổ, linh hoạt, đáp ứng được yêu cầu của nhà tài trợ nên cô Vân luôn tạo được niềm tin với các tổ chức, cá nhân. Nhờ “bí kíp” dân vận khéo này mà kể từ khi cô về công tác, nguồn quỹ khuyến học của tỉnh được gia tăng. Nguồn quỹ ấy đã giúp cho bao thế hệ học trò được tiếp sức đến trường, kịp thời tuyên dương, động viên các giáo viên, học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, đoạt giải cao trong các kỳ thi.

“Với tôi khuyến học là niềm vui, là vinh dự lớn của cuộc đời. Muốn làm tốt công tác khuyến học đừng ngại khó, ngại khổ. Phải đi thực tế, đến những nơi vùng sâu, vùng xa để tuyên truyền vận động bà con cần quan tâm đến sự học của con em, khuyến khích thi đua hiếu học, xây dựng một xã hội học tập”, cô Vân chia sẻ.

Bởi những đóng góp cho hoạt động chuyên môn và hoạt động xã hội, phong trào khuyến học, khuyến tài ở mảnh “đất lửa”, cô Vân đã vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và 2 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cùng rất nhiều bằng khen và giấy khen của các cấp hội.

Giờ đây, khi đã ở vào tuổi xưa nay hiếm, mái tóc đã bạc theo thời gian, làn da đã điểm nốt đồi mồi, thế nhưng đôi chân của bà giáo khuyến học vẫn ngày ngày bền bỉ tìm đến những bản làng xa xôi để “nâng bước trò nghèo”. Cô Vân tâm niệm, hạnh phúc cuộc đời chính là đóng góp cho quê hương thứ hai những con chữ và nhen nhóm lên niềm vui học tập cho những mảnh đời cơ cực, khó khăn.

“Cô Vân luôn làm việc tâm huyết, nhiệt tình. Cô luôn trăn trở với công tác khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Từ những trăn trở, cô đã có nhiều cách làm rất hiệu quả, thu hút được nhiều nguồn lực cho hoạt động khuyến học ở trên địa bàn, giúp cho các học sinh, sinh viên khó khăn của Quảng Trị theo đuổi được đam mê, ước mơ của mình trên con đường học vấn.

Trong giai đoạn cô Vân làm ở Hội Khuyến học, nguồn lực cho giáo dục đào tạo rất lớn. Dưới sự điều hành của cô Vân có rất nhiều hoạt động của Hội Khuyến học được tổ chức rất tốt, đặc biệt là phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập và được đông đảo nhân dân quan tâm”. - Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ