Xóa mù chữ cho hơn 1.000 trẻ nghèo
Vào cuối giờ chiều các ngày thứ 3, 4, 5 hàng tuần, lớp học chữ miễn phí tại Trường Tiểu học Bình Tiên (Quận 6) do cô Nguyễn Thị Anh phụ trách bắt đầu sáng đèn. Dù hoạt động vào thời gian từ 18 đến 20 giờ nhưng 14 đứa trẻ đang theo học tại đây luôn có mặt đông đủ.
Các em học tập ở lớp này đa phần hoàn cảnh rất khó khăn, một số em còn chậm phát triển. Suốt những năm qua, sự cảm thông, thấu hiểu khó khăn của những học sinh nghèo là động lực để cô Anh miệt mài dạy chữ miễn phí tại lớp học đặc biệt này.
Cô Anh cho biết, cuối năm 2013, khi biết chuyện những trẻ em nghèo, khuyết tật ở các khu phố không biết chữ, đoàn viên, thanh niên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phường 5 đã vận động các em tham gia lớp học miễn phí vào các buổi chiều tối hàng tuần tại Trường Tiểu học Bình Tiên.
Sống tại địa bàn phường 5, cô Anh được chứng kiến cảnh các em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn theo cha mẹ đến đây mưu sinh mặc dù đã đủ tuổi đến trường nhưng vẫn chưa biết đọc, biết viết. Vì vậy khi được phía địa phương mời đứng lớp, cô Anh đã đồng ý tham gia dạy học miễn phí cho các em.
Lớp học xóa mù chữ hoạt động đều đặn từ 18 đến 20 giờ các ngày thứ 3, 4, 5 hàng tuần. |
“Bản thân tôi không phải là giáo viên chuyên nghiệp. Hơn 15 năm trước, tôi thường xuyên tham gia trợ giảng tại lớp dạy thêm bậc tiểu học do chị họ tổ chức. Lâu dần tôi cũng tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy.
Vì vậy, khi phường trao đổi về dạy lớp xóa mù chữ, tôi đã nhanh chóng bắt nhịp với việc truyền thụ kiến thức cho các con. Mặc dù tuổi cao nhưng tôi không bỏ sót buổi dạy nào. Hàng ngày, thấy các con đọc, viết được chữ và làm thông thạo các phép tính cơ bản trong lòng tôi cảm thấy vui lắm”, cô Anh vui vẻ nói.
Suốt 9 năm qua, lớp học chữ miễn phí này đã giúp hơn 1.000 em hoàn thành chương trình tiểu học và xóa mù chữ. Đến với lớp học này, ngoài học các môn văn hóa như: Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân, trẻ còn được cô Anh tổ chức sinh hoạt văn nghệ, hướng dẫn kỹ năng sinh hoạt đội, nhóm, rèn luyện cho các em khả năng tự tin trước đám đông. Cô Anh vừa là cô giáo, vừa là người bạn tâm tình chia sẻ cùng các em những điều hay, lẽ phải.
Cô Anh cho biết: “Học sinh tại lớp học đặc biệt này dù nghèo vật chất nhưng lại giàu tinh thần. Trong quá trình học tập các con luôn siêng năng cố gắng, biết chia sẻ với người khác. Đây chính là hành trang mang theo trong cuộc sống của các con mai này. Bên cạnh đó, cha mẹ các con cũng luôn ý thức được tầm quan trọng của việc học, nên luôn cố gắng đưa các con đến lớp mỗi ngày”.
Học sinh trong lớp học xóa mù chữ phường 5 chúc mừng cô Anh dịp 20/11. |
Còn sức lực còn cống hiến cho lớp học
Gắn bó với trẻ nghèo ở lớp học xóa mù chữ phường 5, cô Anh đã thấu hiểu được cái khó, cái khổ của từng em. Trong quá trình giảng dạy, đối với những em chậm phát triển, tiếp thu bài chậm, học hôm nay, ngày mai lại quên hết bài, cô Anh vẫn kiên nhẫn dạy lại từ đầu. Có những trường hợp ròng rã 2 năm mới viết được chữ. Còn đối với các em phát triển bình thường thì cô dạy bổ túc thêm kiến thức. Cô luôn hướng dẫn các em học khá hơn sẽ kèm lại cho em học yếu để cùng nhau tiến bộ.
“Các con khi vào đây học hầu hết hoàn cảnh khó khăn, thua thiệt so với nhiều bạn bè cùng trang lứa, vì vậy trong lòng tôi luôn muốn rèn cái chữ, phép tính. Bản thân luôn tâm niệm, mọi đứa trẻ sinh ra trên đời đều xứng đáng được học hành. Chỉ có con đường học mới giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn. Đó cũng chính là động lực để tôi bám lớp cho đến bây giờ. Tôi vẫn luôn khuyên các em nỗ lực học tập từ đó có thể tự tin, hòa đồng cùng các bạn đồng trang lứa”, cô Anh tâm sự.
Nhiều học trò tại lớp học đặc biệt này đã ra lớp nhưng vẫn thường xuyên liên lạc với cô Anh và xem cô như một người mẹ, người bà đáng kính với tất cả tấm lòng biết ơn và ngưỡng mộ. Bà giáo U70 tâm sự: “Hiện tại bản thân chỉ mong làm sao có sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho lớp học, mang con chữ đến với trẻ nghèo. Tôi luôn mong muốn các con sau khi học tập ở lớp tình thương đều biết đọc, biết viết thông thạo, sau này kiếm được một công việc ổn định để có thể tự lo cho bản thân và gia đình”.
Bà Trương Tuyết Lan, Phó Chủ tịch UBND phường 5, cho biết, từ khi phường thành lập lớp học đến nay may mắn nhờ cô Anh tình nguyện đứng lớp giảng dạy nên lớp học đã được duy trì liên tục và thực sự mang lại hiệu quả. Cô Anh đã góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương trong phong trào xây dựng xã hội học tập và công tác khuyến học, khuyến tài tại địa phương. Việc làm bình dị của cô Nguyễn Thị Anh mang tính nhân văn sâu sắc, hiệu quả xã hội lan tỏa.
Vì những cống hiến không mệt mỏi cho học sinh nghèo trong những năm qua, cô Nguyễn Thị Anh được vinh danh “Những tấm gương thầm lặng mà cao cả” trong phong trào thi đua yêu nước TPHCM lần 5, năm 2022.