Khu vườn hút khách bằng cây... độc

GD&TĐ - Tại vùng nông thôn Northumbrian nằm ở phía Đông Bắc Vương quốc Anh, có khu vườn nổi tiếng toàn cầu: Vườn Độc.

Cổng vào vườn Độc đề cảnh báo: “Cẩn thận bị cây giết”. Ảnh: Chris Griffiths, BBC
Cổng vào vườn Độc đề cảnh báo: “Cẩn thận bị cây giết”. Ảnh: Chris Griffiths, BBC

Ngay trên cổng vào vườn gắn cảnh báo độc nhất vô nhị: “Cẩn thận bị cây giết” (These plants can kill). Thỉnh thoảng lại có du khách bị choáng váng, thậm chí ngất xỉu. Tuy nhiên, chính sự “nguy hiểm chết người” này lại là điểm hấp dẫn nhất của khu vườn.

Vườn trăm loài cây độc

Vườn Độc được quy hoạch vào năm 2005, là một phần của vườn Alnwick nằm kế cận lâu đài cùng tên nổi danh. Theo ghi chép từ Northumberland, vườn Alnwick có từ năm 1750, được các đời Công tước Northumberland tích cực thu thập hạt giống, cây non độc đáo từ khắp nơi trên thế giới về trồng.

Thế kỷ XX, vườn Alnwick bị trưng dụng, sớm rơi vào cảnh hoang tàn. Mãi tới năm 1997, nó mới được nữ công tước của Northumberland đương nhiệm là bà Jane Percy quyết định khôi phục. Quá trình tái thiết vườn Alnwick được chia làm 3 giai đoạn, tiêu tốn 42 triệu Bảng Anh. Kết quả, nơi này biến thành khu vườn đẹp nhất nước Anh, quanh năm nườm nượp khách tham quan.

Trong quá trình tái thiết vườn Alnwick, Percy đưa ra sáng kiến mở một… vườn Độc. Bà cho thu thập hơn 100 loại cây có độc từ khắp nơi, tiến hành trồng và lên quy định bảo an chặt chẽ.

“Trước khi bước vào tham quan, du khách phải nghe hướng dẫn an toàn. Vườn Độc cấm người tham quan chạm, nếm hoặc ngửi bất cứ loại thực vật nào bên trong”, hướng dẫn viên Dean Smith cho biết.

Nguy hiểm chết người

Vườn Độc luôn nườm nượp khách tham quan. Ảnh: Chris Griffiths, BBC

Vườn Độc luôn nườm nượp khách tham quan. Ảnh: Chris Griffiths, BBC

Cây cối trong vườn Độc gây độc, say và nghiện. Chúng thật sự “nguy hiểm chết người” đúng như câu cảnh báo trên cánh cổng vào.

Loài cây độc đẹp nhất trong vườn có lẽ là ô đầu (monkshood). Nó chứa chất aconitine, gây tê liệt thần kinh và tim mạch nhưng lại sở hữu đài hoa cao, dài, bông màu xanh lam rất mỹ miều. Triệu chứng ngộ độc ô đầu phát tác ngay tức thì, nhẹ thì co giật, loạn nhịp tim, nặng thì tử vong.

“Dù cực độc nhưng ô đầu vẫn chưa phải loài cây nguy hiểm nhất trong vườn”, Smith giới thiệu. “Ngôi sao” của vườn Độc là thầu dầu (castor), loài cây được sách Kỷ lục Guinness xếp vào diện thực vật độc nhất thế giới. Trong hạt của thầu dầu có chứa chất kịch độc ricin. Chỉ cần nuốt phải 5 – 10 hạt thầu dầu, con người sẽ rơi vào tình trạng hoại tử trong, xuất huyết nội… cuối cùng tử vong sau 6 - 14 ngày.

Khá nhiều cây cối trong vườn Độc là thực vật địa phương Vương quốc Anh. Ví dụ như đỗ quyên (rhododendrons), đậu laburnum… Chúng rất sai hoa và có màu bông rực rỡ, đẹp đến nỗi được nhiều nhà dân bất chấp trồng làm cảnh.

“Lá đỗ quyên chứa độc tố grayanotoxin, tấn công hệ thần kinh người ăn phải. Rất may, lá của nó có vị khó chịu nên hiếm có trường hợp ăn phải nhiều đến nỗi nguy hiểm tính mạng”, Smith trấn an.

Ngoài lá, đỗ quyên còn tích độc trong rễ và mật hoa. Rễ của nó gây nhiễm độc vào đất, giết chết tất cả các thực vật khác mọc gần, trừ họ hàng của mình. Mật hoa đỗ quyên màu đỏ, thu hút ong bướm bằng mùi thơm. Tuy nhiên, chỉ cần hút một chút mật hoa đỗ quyên, ong bướm đã bị say. Nếu hút nhiều, chúng có thể chết tại chỗ.

Hầu hết các vị khách của vườn Độc đều tuân thủ nội quy tham quan. Dù vậy, thỉnh thoảng vẫn có người ngất xỉu vì cây cối không chỉ gây nhiễm độc thông qua tiếp xúc mà còn giải phóng khí độc vào không khí. Một vài loại cây, ví dụ như nguyệt quế (prunus laurocerasus) giải phóng khí xyanua siêu độc khi bị cắt tỉa hoặc nghiền nát lá.

Nhân viên làm vườn của vườn Độc luôn mặc trang phục bảo hộ kín mít. Họ được nhắc nhở phải đeo găng tay và tuyệt đối không tháo găng bằng cách dùng răng cắn rồi kéo.

Hại - lợi song hành

Tuy kịch độc, cây cối trong vườn Độc vừa xinh đẹp vừa mang dược tính. Ảnh: Internet

Tuy kịch độc, cây cối trong vườn Độc vừa xinh đẹp vừa mang dược tính. Ảnh: Internet

Mặc dù cực độc, nhưng đa phần các loại cây trong vườn Độc có dược tính. Những cây “chết chóc” nhất như thủy tùng (yew) lại là dược liệu tuyệt vời chữa ung thư vú. Cây dừa cạn (periwinkle) thì không chỉ cho hoa đa dạng màu sắc mà còn cung cấp nhiều thang thuốc quý, khi được điều chế đúng liều lượng.

Ngay cả hạt thầu dầu độc chết người cũng cho dầu thực vật đa công dụng. Đối với ngành công nghiệp mỹ phẩm, nó góp phần vào công thức kem dưỡng ẩm, chăm sóc da và tóc. Đối với ngành công nghiệp nặng, nó cung cấp dầu bôi trơn, sơn, chất phủ… Ngoài ra, dầu và dẫn xuất dầu thầu dầu còn được sử dụng trong sản xuất xà phòng, thuốc nhuộm, mực, nước hoa…

Góc ấn tượng nhất trong vườn Độc có lẽ là khu ABC ma túy. Nó phân chia thực vật gây nghiện theo 3 cấp độ: Loại A (cây thuốc phiện), loại B (cây cần sa) và loại C (cây lá khát).

“Đông Bắc là khu vực có tỷ lệ tử vong do sử dụng ma túy cao nhất ở Anh. Chúng tôi cần nâng cao nhận thức cho giới trẻ về ma túy. Vườn Độc góp phần như chương thứ nhất về giáo dục ma túy, giới thiệu trực quan các loại cây sản xuất ra chất gây nghiện”, nhà giáo dục Claire Mitchell chia sẻ.

Khu ABC ma túy được bảo an gắt gao nhất, với hệ thống camera giám sát chặt chẽ và hồ sơ báo cáo cặn kẽ từ số lượng cây trồng đến quá trình phát triển, ngày tiêu hủy.

Theo BBC

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ