Khu vườn bí ẩn hay thế giới?

GD&TĐ - Khosiyat Rustam là một trong những nhà thơ đương đại uy tín của Uzbekistan.

Khu vườn bí ẩn hay thế giới?

Chị sinh năm 1971, tại làng Olmos thuộc quận Chust, vùng Namangan. Đã xuất bản một số tập thơ, tiêu biểu như “Ngôi nhà trên bầu trời” (1997), “Giải cứu” (2003), “Lớp phủ” (2004), “Một bức tường” (2006), “Tháng 8” (2008), “Chiếm đóng” (2011), “40:0” (2011), “Những năm tháng đáng quên” (2014), “Sự an ủi” (2005), “Những đám mây bất kiểm soát” (2019)... Thơ của Khosiyat Rustam đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới, được ấn hành tại một số quốc gia.

“Thơ Khosiyat Rustam là khu vườn bí ẩn hay một thế giới?” Đó là câu hỏi liên tục tra vấn tôi khi đọc thơ của chị.

Thơ Khosiyat là một khu vườn, bởi tôi thường xuyên nghe rõ tiếng gió thổi qua những hàng cây, tiếng con chim lạ chỉ có ở Uzbekistan hót vang trong đó. Cả những chiếc lá khô im lìm dưới ánh trăng, lăn qua tảng đá.

Từng bông tuyết nhẹ rơi xuyên nứt mặt đất… Trong khu vườn ấy luôn giấu kín những tâm sự, giấc mơ, khát vọng, tình yêu của Khosiyat. Chị đã sống, hạnh phúc và cả nếm trải khổ đau, mất mát trong khu vườn.

Mỗi bài thơ của Khosiyat đã mở cho bạn đọc lối vào và cũng là những lối đi từ khu vườn riêng của chị đến với thế giới rộng lớn. Đó là thế giới thấm đẫm vẻ đẹp tinh khôi và huyền bí của tâm hồn con người vùng Trung - Á, nơi có núi đá, sa mạc cháy bỏng, sông sâu và thảo nguyên rộng lớn.

Thơ Khosiyat Rustam đã được dịch sang tiếng Việt và đăng trên một số tờ báo và website văn học ở nước ta. Nhiều nhà thơ và bạn đọc Việt Nam đã đọc và lưu giữ những trang thơ của chị, như giữ gìn một tư liệu quý giá về đất nước và con người Uzbekistan anh em.

Nhiều người Việt Nam đã đến thủ đô Ta-sơ-ken, thăm các đền đài, lăng tẩm nguy nga và các công trình kiến trúc độc đáo nằm dọc “Con đường tơ lụa” nối liền Trung Hoa với Địa Trung Hải từ hơn 2.000 năm trước.

Nhưng còn con đường khác nữa trong văn học, đặc biệt trong thơ ca cần được tiếp tục khám phá. Thơ Khosiyat Rustam đã mở con đường mới cho bạn đọc Việt Nam khám phá thế giới phong nhiêu và còn nhiều bí ẩn của vùng đất Trung - Á huyền thoại.

Đầu năm 2019 Khosiyat Rustam đã đến Việt Nam tham dự Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ III. Tháng 8/2019 chị viết những dòng hồi ký bằng thơ văn xuôi về Hà Nội, đặc biệt về Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc Báo Giáo dục & Thời đại một số bài rút từ nhật ký thơ của chị.

Hồi ký, số 13

Không, em vẫn chưa viết gì cho đến ngày anh xuất hiện. Em thậm chí còn chưa cầm lấy chiếc bút của mình. Em đã sống giữa hai thế giới... Em thậm chí còn không biết bên nào của cuộc đời em mặt trời mọc và nó lặn nơi nào. Cơn mưa đã khuất khỏi tầm nhìn của em và những cơn gió gần như đã quên mất. Khi ánh bình minh gõ vào khung cửa sổ, em chỉ nở nụ cười miễn cưỡng. Em thậm chí còn không thể tìm thấy sức mạnh để giơ tay lên, đúng không?

Đêm đó ở Hà Nội trời mưa nặng hạt... Mái tóc ướt đẫm của chúng ta, thứ ở trong cảm xúc nên thơ, cuộn tròn lại. Mọi người đang đọc thơ. Mọi người đang ngợi khen Việt Nam. Em là ngoại lệ. Trên thực tế, tâm trí em đang ở rất xa. Lần đầu tiên, em đang du ngoạn tại một thế giới hoàn toàn khác. Cuộc đời đã khiến em như thế.

Và em hoàn toàn trở nên xa cách với thế giới không còn hứng thú với em.

Hồi ký, số 23

Việt Nam, bạn ở đâu? Văn Miếu – Quốc Tử Giám, bạn ở đâu?

Bây giờ, tôi không nhớ lúc nào, nhưng một năm tôi không thể đến Việt Nam. Tôi viết những bài thơ chỉ để nhìn vào lời mời gọi. Trong khoảnh khắc đó, tôi muốn lời mời hóa thành tấm thảm bay và không có hồi kết cho ảo giác này. Dù tôi làm gì tôi đã đổi thay Hà Nội, thành phố mà tôi chưa từng thấy. Tôi tái tạo Việt Nam trong thế giới của riêng mình! Tôi xây dựng lại nó trong niềm hứng khởi mạnh mẽ nhất của tâm hồn tôi! Nó mang màu trắng… nó là một đô thị lớn, nơi ánh sáng lan tỏa, và giai điệu của thơ ca lấp đầy từng khoảng trống. Những con phố của nó dẫn tới trái tim tôi. Những con người nơi đó là những thiên thần có cánh. Tôi không thể ngủ vào buổi đêm, tôi rất lo lắng khi tới đó. Tôi cảm nhận đôi chân mình bay lơ lửng, và quên hết những ai cố gắng kéo tôi trở lại mặt đất. Và tôi sẽ cảm thấy ngại ngùng và nghĩ về nó, đắm chìm trong sự phụng thờ của thơ ca. Thành phố trong tâm hồn tôi phát triển từng ngày. Đa số những cư dân ở đó là nhà thơ… Họ từng đến với những ngọn gió… cũng có cả những người che chở những đám mây… Những ngôi sao rơi xuống từ những nụ cười hạnh phúc của các nhà thơ… Tôi nở nụ cười khi tôi nhìn thế giới này thu thập những ngôi sao. Và tôi nở nụ cười khi họ ngồi xuống thật bình thản… Hôm nay tôi có một tấm vé và một lời mời! Được Chúa ban ơn, tôi sẽ đến Hà Nội trong vài ngày nữa! Trong buổi lễ cầu nguyện của thơ ca, tôi sẽ cầu nguyện cho thơ ca trong từng ngôn từ, và những giai điệu trong từng giọt nước mắt của tôi!

Hồi ký, số 28

Không khí ở Việt Nam thật tuyệt diệu. Bầu trời sẩm tối và nên thơ! Sân khấu được nhường cho nhà thơ Colombia Fernando Rendon phát biểu. Ông còn nhớ lễ hội ở Medellín vào năm 2006 mà chúng ta đã lỡ mất không? Ông ấy là người tổ chức lễ hội đó. Ông cũng đồng thời là một nhà thơ lớn! Ông ấy nói về Việt Nam bằng tiếng Tây Ban Nha và muốn tôi viết cho ông điều gì đó. Thông thường chúng tôi đi dạo, chiêm ngưỡng những loài cây và nói về những chú chim trong thời tiết này. Khi mưa bắt đầu lất phất, chúng tôi ở đó cho đến khi ướt đẫm rồi trở về nhà. Khi chúng tôi nói về những cuốn sách đã đọc, tôi không thể che giấu sự ngại ngùng trong phấn khích.

Vũ Việt Hùng (Dịch từ bản tiếng Anh)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ