Nhà thơ Attila F. Balázs – gần gũi tâm hồn Việt

GD&TĐ - Nhà thơ Hungary Attila F. Balázs là tác giả của hơn một chục tập thơ và là dịch giả của hơn 20 tập thơ và tiểu thuyết. Các tác phẩm của ông được dịch ra 15 thứ tiếng. 

Bìa sách thơ của nhà thơ Balazs F. Attila
Bìa sách thơ của nhà thơ Balazs F. Attila

Ông thường xuyên được mời tham dự các lễ hội văn học đa dạng trên khắp thế giới như ở Nikarawa, Columbia, Venezuela, Canada, Thổ Nhĩ Kỳ, Ecuador… Tập thơ “Xác thịt vô cảm” của ông được tôi dịch ra tiếng Việt qua bản tiếng Pháp của dịch giả Károly Sándor Pallai sẽ được Hội nhà văn cho ấn hành trong những ngày đầu năm 2020.

Thơ Attila F. Balázs rất gần gũi với tâm hồn người Việt Nam. Ông trăn trở trước hiện thực biến đổi khó lường “những chữ và con số trộn lẫn trong cuốn lịch/ để thời hỗn mang này còn kinh khủng nữa nếu tôi rối trí/ tôi lướt vội trên internet hay trên tờ nhật báo/ để biết mình hôm nay đã rơi vào thế giới nào/ và để còn biết lần theo dấu vết nào trên sa mạc”.

Tại sao thế giới hôm nay trở nên bất an đến vậy? Chúng ta hãy đọc một đoạn thơ trong bài Xác thịt vô cảm mà ông lấy tên đặt cho cả tập thơ: “rác thải/ nước hoa/ ma túy/ hai vầng nhật nguyệt/ ngọc/ vỏ sò/ và tảo giạt trên bờ biển/ còn mãi bất an còn mãi/ sách/ giấc mơ/ âm nhạc/ những viên pin”.

Nhà thơ Balazs F. Attila

Đấy, cuộc sống con người đương đại là thế, khác chi tảo giạt trên bờ biển, dưới ánh sáng luân phiên của hai vầng nhật nguyệt… cái cao cả và cái thấp hèn, cái lãng mạn và cái thô thiển, cái trân quý và cái độc hại… cứ thế song hành. Những viên pin xuất hiện trong đoạn thơ trên cũng xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống hiện đại tưởng vô hại nhưng không.

Bạn hãy đến các điểm thu gom pin đã sử dụng hết trong các siêu thị và đọc thông tin sau: Trong pin có các kim loại nặng cực kì độc cho cơ thể: chì, thủy ngân, kẽm, cadmium… tác động trực tiếp đến não, gan, thận, hệ thống sinh sản và tim mạch… Một viên pin có thể gây ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 mét khối đất trong 50 năm.

Chưa hết, con người còn phải đối phó với thói đạo đức giả, sự vô nhân đạo, bộ máy lừa bịp của chủ nghĩa dân túy: “Họ sẽ theo anh như theo đấng cứu thế/ và họ sẽ cảm thấy tự do/ sau những song sắt nhà tù mới được tân trang”. Sống trong xã hội đương đại chứng kiến những sự đảo lộn giá trị, nhà thơ cay đắng thốt lên: “giá trị của danh dự/ của tư cách và của đức tin/ đã xuống cấp thê thảm/ chúng ta đã đánh mất tất cả/”

Nhưng thơ ông không chỉ có kêu than, đọc thật kỹ các bài thì ta thấy các câu chữ đều lấp lánh tình người, tình đời, kể cả những bài tưởng như tác giả tuyệt vọng nhất nhưng không, thơ ông tràn đầy niềm tin vào con người, vào cuộc sống, vào tương lai nhân loại.

Ông đi nhiều, quan sát và chiêm nghiệm, thơ ông có nhiều cung bậc của cảm xúc, đặc biệt là rất tinh tế, sự tinh tế của con người hiểu đời, hiểu mình… Hãy xem ông viết về tình yêu thật trong trẻo và thánh thiện: “khi người yêu xuất hiện/ trên mặt đường tròn xoay/ những/ bước chân của nàng/ như/ phép tính ngược/ không ngừng làm xuất hiện/ những thời khắc/ mà/ những/ nụ cười bay lên từ đôi môi chúng ta/ gặp nhau/ trong đôi mắt chúng ta.”

Hay: “hơi thở anh đánh thức em mỗi sáng/ anh là tuyết cứ hàng năm tan biến/ để tự thanh khiết mình –/ vầng trăng: biểu tượng lạnh của tự do”Attila tin tưởng tuyệt đối vào con người, con người với sức mạnh của lòng nhân ái có thể cải tạo thế giới, có thể làm nên những điều kỳ diệu, tác giả tâm sự với người yêu hay nói với tất cả chúng ta, nói với chính mình: “viên sỏi ném đi mang theo hơi ấm bàn tay/ nhưng không bao giờ em biết/ nó đã chuyền cho ai/ hơi thở đầy nghị lực/ rất nhỏ/ tuy thế cũng có thể làm nảy sinh/ núi tan/ tuyết lở/ sấm, chớp/ cầu vồng/ ở những người/ bị đóng đinh vào hư vô/ không ngẩng đầu/ về phía ánh sáng/ đang thấm qua những kẽ nứt.”

Tác giả quan sát và cảm nhận thế giới và tâm hồn con người bằng các giác quan ở cấp độ tế bào. Nhà thơ thấy các Vết đen trên Mặt trời, thấy Rạng đông say rượu giăng lưới, ông cũng thấy hơi nước bay trên tách cà phê, thấy hơi thở của người mình yêu phả trên cửa kính băng tuyết phủ dày, thấy ngọn cỏ bị xéo nát hôm sau lại bật dậy thẳng đứng, thấy Màn độc thoại của một diễn viên.

Ông đồng cảm với những người dân thành Xa-ma-ri (Palestin) với vết thương lòng còn rỉ máu, ông cũng song hành với những trầm tư của người dân Ru-ma-ni ở Buca Rest… Ông thấy Chúng ta tất cả đều thế cả, từ cô gái điếm đến ngài bộ trưởng “đều bị chính con chim đen đó mổ”.

“Con chim đen” phải chăng chính là thời gian được sống trên thế gian này của mỗi người. Vậy phải chăng thông điệp của tập thơ đã rõ: Tất cả chúng ta chỉ có một Cuộc đời để sống, một ngôi nhà để ở, đó chính là ngôi nhà Trái đất. Vậy thì đừng vô cảm nữa. Hơn một lần nhà thơ kêu lên: “vậy thì phải làm một cái gì đi chứ”. Làm gì đây, các bạn đọc thân yêu?

Đã rất lâu tôi mới được đọc một tập thơ của nhà thơ nước ngoài cuốn hút và lay động tâm hồn đến thế.

30 tháng 12 năm 2019

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ