Khu vực ghi nhận hàng loạt hóa thạch của bò sát biển thời tiền sử

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nơi an nghỉ cuối cùng của hàng chục loài bò sát biển khổng lồ thời tiền sử nằm ở khu vực mà ngày nay là Rừng Quốc gia Humboldt-Toiyabe của Nevada.

Xương của ichthyosaur đã chìm xuống đáy biển, thay vì dọc theo bờ biển nông.
Xương của ichthyosaur đã chìm xuống đáy biển, thay vì dọc theo bờ biển nông.

Tuy nhiên, tại sao ichthyosaur chết với số lượng lớn như vậy ở một địa điểm khoảng 230 triệu năm trước từ lâu đã là nguồn tranh luận giữa các nhà cổ sinh vật học. Có tên khoa học là Shonisaurus popularis, loài vật này sở hữu hình dạng như cá heo và dài ít nhất 50 feet (15,2 mét). Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Current Biology.

Các giả thuyết cho rằng, loài ichthyosaur đã gặp một sự kiện mắc cạn hàng loạt hoặc bị đầu độc bởi chất độc từ tảo nở hoa. Tuy nhiên, giờ đây, các nhà khoa học cho biết đã loại bỏ những giả thuyết này.

Họ cũng hiểu rõ hơn về lý do tại sao 37 sinh vật cổ đại chết tại cùng một địa điểm. Các nhà nghiên cứu tin rằng, những phát hiện mới làm sáng tỏ một khía cạnh hấp dẫn trong hành vi sinh sản của loài bò sát.

Đồng tác giả Nicholas Pyenson - nhà nghiên cứu địa chất và là người phụ trách tại Bảo tàng Quốc gia Smithsonian - cho biết: “Chúng tôi đưa ra bằng chứng cho thấy, những con ichthyosaur này đã chết ở đây với số lượng lớn.

Bởi, chúng di cư đến khu vực này để sinh con qua nhiều thế hệ trong hàng trăm nghìn năm. Điều đó có nghĩa là loại hành vi mà chúng ta quan sát thấy ngày nay ở cá voi đã tồn tại hơn 200 triệu năm”.

Cá voi ngày nay, bao gồm cá voi xanh và cá voi lưng gù, thường xuyên di cư qua các đại dương để sinh sản. Chúng sinh sản ở những vùng nước hiếm có động vật ăn thịt. Nhiều con cá voi tụ tập hằng năm dọc theo cùng một dải bờ biển.

“Có những ví dụ khác về phôi và thai nhi của ichthyosaur. Song, đây là lần đầu tiên chúng tôi có bằng chứng rõ ràng về hành vi sinh sản theo nhóm ở loài này”, đồng tác giả nghiên cứu Randy Irmis - người phụ trách cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Utah ở thành phố Salt Lake cho biết.

Các nhà nghiên cứu từ Mỹ, Anh và Bỉ đã sử dụng kỹ thuật mới, bao gồm mô hình 3D, để điều tra địa điểm hóa thạch. Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra thành phần hóa học của đá xung quanh hóa thạch. Họ không tìm thấy bằng chứng nào về sự gia tăng đột ngột của chất hữu cơ, như tảo. Đây là yếu tố có thể khiến các sinh vật thiếu oxy.

Bằng chứng địa chất cũng cho thấy, xương của ichthyosaur đã chìm xuống đáy biển, thay vì dọc theo bờ biển nông. Điều đó cũng cho thấy, loài bò sát biển này đã không tự mắc cạn. Hơn nữa, nhóm nghiên cứu nhận thấy, hóa thạch chủ yếu là của ichthyosaur trưởng thành.

Nhóm tác giả kết luận rằng, khu vực này là môi trường sinh sản ưa thích của các sinh vật thời tiền sử. Số lượng lớn hóa thạch ichthyosaur cho thấy, loài vật có lẽ đã sinh con ở khu vực này trong hàng triệu năm.

Theo CNN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ