'Khớp nối' hướng nghiệp

GD&TĐ - Nhiều trường THPT đã chủ động tiếp cận trường THCS để giới thiệu Chương trình GDPT 2018 và dự kiến các nhóm môn lựa chọn.

Cô trò Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NTCC
Cô trò Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: NTCC

Nhờ vậy, học sinh lớp 9 và phụ huynh sẽ có hình dung ban đầu để lựa chọn đúng môn học, phù hợp năng lực, định hướng nghề nghiệp bản thân.

“Khoảng trống” hướng nghiệp

Thầy Phạm Thanh Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cho biết: “Hiện, các trường THCS mới triển khai công tác hướng nghiệp – tư vấn tuyển sinh cho học sinh lớp 9 theo chương trình cũ. Ngoài nâng cao chất lượng dạy – học, ôn tập để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ tuyển sinh lớp 10, nhà trường còn chú trọng định hướng phân luồng sau THCS”.

Ban giám hiệu Trường THCS Ngô Thì Nhậm giao giáo viên chủ nhiệm lớp 9 nêu rõ ưu, khuyết điểm từng em; định hướng phụ huynh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh phổ thông. Nhà trường phối hợp với trường nghề uy tín trên địa bàn giới thiệu chương trình đào tạo để những em không có khả năng thi đỗ lớp 10 tiếp tục học... Đây cũng là cách mà hầu hết trường THCS đang triển khai tư vấn hướng nghiệp cho học sinh khối lớp 9 của Chương trình GDPT 2006.

Chị Nguyễn Thanh Thủy (trú phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) kể: “Ở thời điểm con nộp hồ sơ đăng ký thi tuyển sinh lớp 10, tôi cũng như nhiều phụ huynh khác chỉ tập trung phân tích kết quả năm học lớp 9 của con. Sau đó, so sánh điểm trúng tuyển các trường THPT công lập với điểm kiểm tra cuối năm, đối chiếu chỉ tiêu tuyển sinh… Ưu tiên lớn nhất giai đoạn này là cân nhắc đăng ký 2 nguyện vọng xét tuyển thế nào để đảm bảo đỗ vào lớp 10 trường công”.

Sau khi có kết quả trúng tuyển lớp 10, chị Thủy cùng con tìm hiểu lựa chọn nhóm môn phù hợp sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp tương lai. “Cháu muốn theo khối kỹ thuật nên lúc đầu chúng tôi lựa chọn nhóm môn Vật lý - Hóa học - Sinh học - Địa lý; nguyện vọng 2 là nhóm môn Vật lý - Hóa học - Địa lý - Công nghệ. Nhưng sau đó, thầy, cô giáo tư vấn nguyện vọng 1 tập trung nhiều môn khối tự nhiên, lượng kiến thức nặng nên gia đình cân nhắc, thay môn Địa lý bằng Giáo dục Kinh tế và Pháp luật”, chị Thủy cho biết.

Trước khai giảng năm học 2023 - 2024, Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) tổ chức khảo sát cho 3 học sinh lớp 10 có nguyện vọng thay đổi môn lựa chọn. Trong số này, 2 em muốn điều chỉnh từ nhóm môn xã hội sang tự nhiên và 1 em thay đổi theo hướng ngược lại.

Kết quả bài kiểm tra khảo sát ở 3 môn Vật lý, Sinh học và Tin học của 2 học sinh lớp 10/7 đạt. Với 1 học sinh lớp 10/2, kết quả khảo sát 3 môn gồm Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật; và Công nghệ (trồng trọt) không đạt để chuyển sang học nhóm môn xã hội thay vì tự nhiên.

Thầy Bùi Minh Quảng - Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà khẳng định: “Thay đổi, điều chỉnh tổ hợp môn/môn lựa chọn vào cuối năm học lớp 10 là quyền lợi của học sinh. Thế nhưng, không phải em nào cũng có sự chuẩn bị tốt và đủ năng lực tự học, vượt qua bài khảo sát nhằm thay đổi môn/nhóm môn đã khuyết suốt 1 năm học. Vì vậy, trong công tác tư vấn sau khi có kết quả tuyển sinh vào lớp 10, nhà trường nhấn mạnh với phụ huynh phải ưu tiên lựa chọn môn học thực sự phù hợp năng lực học tập của học sinh”.

Tuy nhiên, như nhận xét của chị Nguyễn Thanh Thủy với khoảng thời gian chưa đến nửa tháng để cân nhắc lựa chọn nhóm môn học khiến phụ huynh và học sinh rất căng thẳng vì gần như đây là quyết định nghề nghiệp sau này.

Trong khi đó, thầy Phạm Tấn Bửu thừa nhận, nội dung tư vấn hướng nghiệp của chương trình THCS chưa tiệm cận với chủ trương chọn nhóm môn học lựa chọn cấp THPT cũng là một trong những hạn chế khiến phụ huynh thiếu chuẩn bị, thông tin khi tìm hiểu, đăng ký cho con em sau khi trúng tuyển lớp 10 chương trình mới.

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm tham gia tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

Học sinh lớp 9, Trường THCS Ngô Thì Nhậm tham gia tư vấn hướng nghiệp. Ảnh: NTCC

“Thông luồng” tư vấn

Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT 2018 với lớp 10, Trường THPT Trần Cao Vân (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đã chủ động đến các trường THCS theo tuyến tuyển sinh để tư vấn sớm việc lựa chọn môn học. Với thông tin in trong tờ rơi về tổ hợp môn học lớp 10, học sinh và phụ huynh lớp 9 có những hình dung ban đầu để cân nhắc phương án đăng ký nhóm môn lựa chọn ngay sau khi có kết quả trúng tuyển THPT.

Chia sẻ của thầy Nguyễn Văn Tấn - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân, năm học 2022 - 2023, nhà trường dự kiến xây dựng 8 nhóm môn lựa chọn đi kèm các chuyên đề học tập. Nhưng sau khi thống kê lại thì 2 nhóm môn lựa chọn có số lượng học sinh đăng ký thấp nên nhà trường trao đổi với học sinh, phụ huynh chuyển sang nguyện vọng 2 nhằm cân bằng lớp học đúng với từng tổ hợp.

Trên cơ sở dữ liệu đăng ký nhóm môn lựa chọn của năm học 2022 - 2023, Ban giám hiệu Trường THPT Trần Cao Vân đã điều chỉnh để xây dựng 6 nhóm môn lựa chọn cho lớp 10. Trong đó, 14 lớp khối 10 đồng đều về môn học với 6 tổ hợp cùng 4 môn bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ và 4 môn tự chọn theo định hướng khối thi đại học và xét tuyển của học sinh sau này.

Trường THPT Sơn Trà đã kết nối để giới thiệu Chương trình GDPT 2018, những nét mới trong lựa chọn môn học ở lớp 10 tại Trường THCS Phan Bội Châu (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Ngoài ra, nhà trường gửi thông tin nhóm môn lựa chọn dự kiến của khối lớp 10 để phụ huynh, học sinh lớp 9 có thời gian cân nhắc, phân tích kỹ trước khi quyết định đăng ký.

“Để đảm bảo đúng nguyện vọng học sinh trong lựa chọn môn học, với nhóm môn Tự nhiên 1 gồm Vật lý – Hóa học – Sinh học – Tin học, tuy chỉ có 38 học sinh đăng ký nhưng nhà trường vẫn biên chế thành một lớp học. Nhóm môn lựa chọn khác đều biên chế 45 em/lớp. Nhà trường sắp xếp các nhóm môn theo tỷ lệ 60 – 40 vì số học sinh đăng ký nhóm môn thiên về khoa học xã hội cao hơn khoa học tự nhiên”, thầy Quảng cho biết.

Thầy Phạm Thanh Bửu - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Thì Nhậm (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) cho biết, cùng với tư vấn hướng nghiệp sau THCS cho học sinh khối lớp 9, nhà trường sẽ liên hệ để mời đại diện trường THPT trên địa bàn đến giới thiệu Chương trình GDPT 2018. Điều này giúp cho học sinh, phụ huynh có sự chuẩn bị cần thiết để tránh lúng túng không đáng có, cân nhắc đúng việc đăng ký nhóm môn lựa chọn.

“Qua nắm thông tin từ học sinh và phụ huynh, nhiều em có kết quả học tập tốt các môn tự nhiên ở bậc THCS nhưng cảm thấy áp lực khi đăng ký theo học cả 3 môn Lý – Hóa – Sinh của chương trình lớp 10 vì lượng kiến thức nhiều và chuyên sâu. Vì vậy, chúng tôi sẽ kết nối với trường THPT nhằm tư vấn sớm cho các em”, thầy Bửu thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.