Không yên ở Yên Thành

GD&TĐ - Cho đến ngày 28/10, nhà chức trách Anh quốc vẫn chưa tiết lộ thông tin chi tiết là có bao nhiêu người Việt Nam trong số 39 nạn nhân tử vong trong chiếc container đông lạnh được phát hiện tại khu công nghiệp Waterglade. 

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Họ không giấu diếm sự thật, song những xét nghiệm và điều tra tỉ mỉ để không phải “đính chính” như thông tin ban đầu là rất cần thiết trong lúc này. Trong khi đó, ở quê nhà Việt Nam, nhất là vùng Yên Thành (Nghệ An), nơi được cho là có 3 người đang “mất liên lạc” khi tìm cách xâm nhập vào nước Anh từ hôm 23/10, lại đứng ngồi không yên.

Thậm chí, có gia đình đã lập bàn thờ để “cúng vong” cho người xấu số. Yên Thành - làng quê “giàu bậc nhất” Nghệ An thật sự không yên trong những ngày này. Vì đâu nên nỗi?

Mấy ngày qua, từ báo chính thống đến mạng xã hội đều tràn ngập thông tin về vụ 39 người chết cóng trong chiếc xe đông lạnh bên Anh quốc. Sự kiện này không chỉ thu hút sự quan tâm của người Việt - nơi được cho là có công dân tử nạn nhiều nhất trong 39 nạn nhân, mà còn gây sự chú ý của cả thế giới.

Vì sao? Nếu như cách đây chừng 40 năm, việc tìm mọi cách để vượt biên của người Việt là điều không mấy ngạc nhiên nhưng sau gần nửa thế kỷ sống trong hòa bình, được cả thế giới nhìn nhận là một đất nước bình yên vì sao vẫn có công dân phải bỏ xứ ra đi tìm miền đất mới, để rồi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình trong một hoàn cảnh tan thương đến thế!

Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch UBND xã Đô Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tiết lộ thông tin, nghe đến xót lòng: “Xã có 9.000 người trong độ tuổi lao động nhưng có đến 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu, hơn 1.000 người buôn bán tại Lào và 500 người đang làm việc lại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan”.

Điều đó cũng có nghĩa, cứ 3 người lao động ở địa phương này thì có 1 người đang ở nước ngoài. Trong 4.000 ngôi nhà của xã thì có đến 1.800 biệt thự và nhà cao tầng. Đô la Mỹ và đồng bảng Anh đã làm nên những dãy phố ở Yên Thành hiện đại chả thua gì ở các đô thị lớn. Rồi ô tô xịn, nhà thờ bạc tỷ, mộ ông bà xây hàng trăm triệu…

Có lẽ sự hào nhoáng bên ngoài ấy đã thành ma lực để người dân vùng Nghệ Tĩnh bất chấp hiểm nguy mà “lên đường” chăng? Những ngôi biệt thự, những chiếc ô tô bạc tỷ kia đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu nữa nhưng mấy ai hiểu được ngọn nguồn.

Có người cho rằng với số tiền trên dưới 1 tỷ đồng đưa cho đám dắt mối để được đặt chân đến Anh quốc như thế thì tại sao không dùng làm vốn mà “khởi nghiệp” ngay trên quê hương mình?

Những cuộc điều tra cho thấy, các “mức giá” đưa cho đám “chăn dắt” để được đặt chân sang châu Âu, đặc biệt là các nước Tây Âu là số tiền “ảo” chứ thật sự những người đi liều ấy không nắm trong tay số tiền nhiều đến thế.

Các đường dây dắt mối đã hét giá như thế, người nào đi trót lọt thì phải trả đủ số tiền đã thỏa thuận, nếu không trả được thì người ở nhà gánh chịu. “Thế giới ngầm” ấy đã chi phối toàn bộ những cuộc ra đi bất hợp pháp nói trên.

Bây giờ không phải là lúc ngồi trách cứ và đổ tội cho nhau về những bi kịch mà người Việt đi lao động chui phải trả giá. Cần phải được mổ xẻ tận gốc để từ đó có những giải pháp lâu dài. Làm sao đó để mỗi người Việt cảm thấy đi đâu rồi cũng không bằng quê hương mình, như người Nhật, người Hàn nghĩ về đất nước của họ vậy.

Còn bây giờ, không chỉ Yên Thành mà cả nước sẽ “không yên” nếu hiện trạng kinh tế - xã hội không tiếp tục có những cải thiện mang tính triệt để.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.