Dù đây mới chỉ là kết quả ban đầu nhưng qua đó cho thấy quyết tâm chủ động phòng chống dịch bệnh của nước ta...
Gần 1 năm khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát, cả hệ thống chính trị cũng như người dân đã cùng chung tay thực hiện nghiêm túc các biện pháp, khuyến cáo về phòng chống dịch. Kết quả là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào dịch cũng luôn trong tầm kiểm soát. Vậy nhưng cũng từng có thời điểm, ở không ít địa phương đã nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là.
Hệ quả tất yếu là đã có những “bài học” như ở Đà Nẵng hay trường hợp của bệnh nhân 1342 mới đây. Nhắc lại điều này để thấy rằng, khi đã coi “chống dịch như chống giặc” và dù đã chuyển sang “trạng thái bình thường mới” thì yêu cầu phòng chống dịch hiệu quả vẫn phải luôn đặt lên hàng đầu và như ý kiến của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thì nếu không làm chặt chẽ, chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Ý kiến này của Bộ trưởng Y tế là hoàn toàn có cơ sở, khi nguy cơ dịch xâm nhập luôn thường trực và dù vắc-xin đã được tiêm thử nghiệm lâm sàng nhưng để đưa vào sử dụng đại trà cần phải có nhiều thời gian nữa để đánh giá.
Vậy nên, không chỉ lúc này mà trong cả thời gian tới, điều quan trọng là tuyệt đối không được ỷ lại vào việc “sắp có vắc-xin”. Vắc-xin cho dù có, nhưng như cảnh cáo của đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì không vì thế mà chủ quan với đại dịch. Hệ thống y tế của nhiều nước vẫn có thể rơi vào tình trạng căng thẳng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của vắc-xin rằng sẽ mang lại hy vọng, chúng ta đã có thể nhìn thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm” nhưng không thể nghĩ rằng đại dịch sắp qua - Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebryesus cho rằng, đại dịch vẫn có khả năng kéo dài và hành động của mỗi người dân và chính phủ sẽ là nhân tố quyết định “đường đi” của đại dịch trong thời gian trước mắt, cũng như khi nào đại dịch sẽ chấm dứt. Vắc-xin là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng không có nghĩa là đại dịch sẽ chấm dứt ngay, không đồng nghĩa với không còn Covid-19...
Thực tế, nguy cơ xảy ra dịch bệnh vẫn luôn thường trực. Việc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin cho dù là dấu mốc quan trọng với các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và là tin vui với người dân nhưng những gì đạt được ở thời điểm hiện tại còn quá sớm để biến ước mơ thành hiện thực.
Và cho dù trong trường hợp tiếp cận sớm được với vắc-xin cũng chưa thể tiêm ngay cho 100% dân số - khẳng định của Phó Cục trưởng Cục Khoa học - Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang.
Vậy nên điều quan trọng là cần phải thực hiện đúng nguyên tắc phòng bệnh theo Thông điệp 5K của Bộ Y tế, tuyệt đối không chủ quan, lơ là. Kiểm soát chặt chẽ, chủ động các biện pháp y tế cộng đồng vẫn là biện pháp phòng chống dịch hiệu quả nhất.