Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về đề nghị triển khai thu phí không dừng thuộc dự án QL51 đoạn từ Km 0+900 đến Km 73+600, đi qua địa phận tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu theo hình thức hợp đồng BOT.
Theo Bộ GTVT, dự án đầu tư mở rộng QL51, tỉnh Đồng Nai được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT do Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu làm chủ đầu tư dự án.
Dự án có chiều dài hơn 72 km, quy mô 8 làn xe với tổng mức đầu tư gần 3.800 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành xây dựng đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 4/2013. Thời gian thu phí dự kiến khoảng 20 năm 6 tháng 11 ngày và kết thúc vào ngày 12/1/2030.
Theo phương án tài chính, dự kiến năm 2018 dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chạy song hành dự án QL51 sẽ được hoàn thành đưa vào khai thác, lưu lượng xe của dự án sẽ phân lưu sang cao tốc khoảng 60%.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân đến nay dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu chưa triển khai, dẫn đến lưu lượng xe thực tế của dự án cao hơn so với phương án tài chính dự kiến. Đồng thời sau khi cập nhật số liệu đầu vào trong phương án tài chính theo thực tế, dẫn đến thời gian thu phí của dự án có nhiều thay đổi và dự kiến kết thúc sớm hơn so với hợp đồng đã ký.
Lý giải tại sao không triển khai thu phí không dừng, Bộ GTVT cho hay, Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về thu phí dịch vụ đường bộ theo hình thức điện tử không dừng, Thủ tướng Chính phủ quy định: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thực hiện thu phí điện tử không dừng đối với các trạm thu phí có thời gian hoàn vốn còn lại dưới 3 năm bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch.
Đầu tư hệ thống ETC với chi phí lớn, thời gian sử dụng ngắn sẽ không hiệu quả
Trong quá trình triển khai dự án thu phí điện tử không dừng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tính toán, rà soát chi phí đầu tư hệ thống thu phí không dừng và phương án tài chính của dự án.
Theo kết quả tính toán, chi phí đầu tư hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại dự án với 30 làn thu phí sẽ mất khoảng 80-90 tỷ đồng, trong khi thời gian thu phí của dự án còn lại không nhiều, dự kiến dưới 3 năm. Bên cạnh đó, quy định tuổi thọ của thiết bị thu phí không dừng tối thiểu 5 năm.
Với những phân tích trên, Bộ GTVT khẳng định, việc đầu tư hệ thống thu phí điện tử không dừng với chi phí lớn, thời gian sử dụng ngắn sẽ không hiệu quả, có thể gây lãng phí. Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và quyết định chưa triển khai thu phí điện tử không dừng tại dự án.
Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc cụ thể với nhà đầu tư để thống nhất giải pháp xử lý bảo đảm hiệu quả, hài hòa lợi ích các bên; đồng thời yêu cầu các bên có giải pháp tổ chức giao thông, giám sát công tác thu phí tại dự án bảo đảm công khai, minh bạch, trật tự và an toàn giao thông tại trạm thu phí.