Không thể nóng vội

GD&TĐ - Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ hài lòng với phần báo cáo, giải trình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ. Các đại biểu cũng chia sẻ với những khó khăn của ngành GD, đồng thời khẳng định: Kết quả của GD là một quá trình, không thể nóng vội trong “một sớm, một chiều”.

Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội sáng 31/5
Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội sáng 31/5

Hài lòng

Đánh giá cao về báo cáo, giải trình của Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại Quốc hội sáng 31/5, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) nhận định: “Điểm đáng ghi nhận đầu tiên là Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và hứa sẽ khắc phục những vấn đề liên quan đến gian lận thi trong thời gian tới. Ưu điểm thứ hai, Bộ trưởng có cách trả lời rạch ròi những vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm. Tất nhiên, phần trả lời trong vòng 7 phút có thể thỏa mãn được đại biểu này, nhưng chưa thỏa mãn với đại biểu khác. Cá nhân tôi thì thấy hài lòng”, đại biểu Phương nhìn nhận.

  • Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Việc một số đại biểu có tranh luận lại phần giải trình của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT liên quan đến việc trả lại công bằng cho những thí sinh bị các trường hợp gian lận điểm thi lấy mất cơ hội đỗ vào trường mà các em mong muốn, theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương: Vấn đề này, ngoài Bộ GD&ĐT còn liên quan đến Chính phủ, các bộ ngành khác, các trường ĐH. Tất cả những bên này, sau khi có kết quả điều tra cuối cùng, cần có sự bàn bạc, thống nhất, khi đó mới có thể trả lời được cho cử tri, nhân dân.

ĐBQH đoàn Quảng Bình chia sẻ sự đồng cảm với những khó khăn của ngành GD bởi đây là lĩnh vực nhạy cảm, có liên quan rộng rãi đến toàn bộ người dân, xã hội, và có mối quan hệ với nhiều ngành nghề khác. Chính vì thế, việc đôi khi khó tránh khỏi vấn đề xảy ra nằm ngoài kiểm soát. “Ngay trong mỗi gia đình, có những va chạm, xung đột xảy ra với con em mình mà phụ huynh còn không kiểm soát được, thì ngành GD với hơn 22 triệu HSSV; trên 1,5 triệu thầy cô giáo và cán bộ quản lý GD, thì việc đôi lúc xảy ra những vấn đề nằm ngoài kiểm soát là có thể hiểu. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn là, ngành GD có 10 điểm tốt nhưng chỉ 1 điểm không tốt thì người ta lại chỉ quan tâm đến điểm không tốt đó”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương trăn trở.

  • Đại biểu Bùi Văn Xuyền

Đề cập đến nhiều vấn đề “nóng” của GD tại phiên giải trình trước Quốc hội trong thời gian qua, đại biểu Bùi Văn Xuyền (đoàn Thái Bình) ghi nhận sự thẳng thắn, không né tránh trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Theo đó, Bộ trưởng đã thể hiện kiên quyết khắc phục những hạn chế của ngành GD, trong đó có vấn đề thi cử và bạo lực học đường. “Tôi cho rằng những vấn đề của GD không thể ngày một, ngày hai là có thể thực hiện ngay được. Kết quả của GD là một quá trình vì thế phải có thời gian, không thể nóng vội. Tuy nhiên, những vấn đề mà đại biểu, cử tri và nhân dân đề nghị, cũng cần xem xét để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới”, đại biểu Bùi Văn Xuyền chia sẻ.

Nhìn thẳng vào những vấn đề “nóng”

Trao đổi với Báo GD&TĐ bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, phần giải đáp của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cơ bản giải đáp được một số băn khoăn của ĐBQH. Đồng thời thể hiện sự cầu thị, trách nhiệm của người đứng đầu ngành GD. Phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tập trung vào 2 vấn đề trọng tâm là thi THPT quốc gia bạo lực học đường.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa

“Tinh thần chung là Bộ trưởng đã nhìn thẳng vào vấn đề, có quan điểm rõ về trách nhiệm của ngành, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu là Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trong vụ gian lận thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương. Đó là sự cầu thị rất đáng được ghi nhận. Tất nhiên, vướng mắc thì nhiều và khó có thể làm rõ và giải quyết thỏa đáng ngay trong 7 phút giải trình. Do vậy, tôi nghĩ rằng có một số vấn đề mà đại biểu đặt ra sẽ là những gợi ý quan trọng để Bộ trưởng tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp xử lý trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Theo đại biểu, vấn đề ĐBQH quan tâm liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia là giải pháp khắc phục để bảo đảm chất lượng, an toàn cho kỳ thi trong năm 2019. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đưa ra một số giải pháp khá căn bản và khả thi. Ví dụ, khắc phục lỗ hổng phần mềm chấm thi, quy trình tổ chức thi; nâng cao vai trò của chính quyền địa phương, của các trường ĐH, CĐ và một số bộ ngành liên quan trong việc phối hợp cùng ngành GD tổ chức thực hiện kỳ thi năm 2019.

Với những ý kiến chất vấn Bộ GD&ĐT về việc, có bảo đảm được Kỳ thi THPT quốc gia 2019 sẽ không xảy ra gian lận như năm 2018 hay không, đại biểu Mai Hoa cho rằng, rất khó để khẳng định với giải pháp này hay giải pháp khác Bộ có thể chấm dứt được hoàn toàn tiêu cực trong thi cử. Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, trách nhiệm chính của Bộ là phải xây dựng cơ chế, quy chế thi thật chặt chẽ, chuẩn bị kế hoạch, nhân lực, các điều kiện kỹ thuật bảo đảm thật đầy đủ và triển khai tập huấn, quán triệt một cách nghiêm túc trong toàn ngành, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát để hạn chế các tiêu cực. Kết quả cuối cùng lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác trong đó có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan như chính quyền địa phương, bộ ngành liên quan, các trường ĐH, CĐ và trên cả là trách nhiệm của từng cá nhân tham gia vào từng công đoạn của kỳ thi.

Băn khoăn của nhiều ĐBQH đó là làm thế nào để trả lại quyền và cơ hội cho một bộ phận thí sinh chịu thiệt thòi do sai phạm của Kỳ thi THPT quốc gia 2018; đại biểu Mai Hoa cho rằng, Luật GDĐH giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường ĐH thì sự can thiệp của Bộ GD&ĐT là không dễ. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cũng khó trả lời được vấn đề này vì quyền quyết định thuộc các trường ĐH.

Mặt khác, cơ chế tuyển sinh hiện nay cho phép thí sinh đăng ký vào nhiều trường ĐH, CĐ. Khi không thực hiện được nguyện vọng 1, các em vẫn có thể thực hiện được nguyện vọng thứ 2, 3. Thực tế nhiều thí sinh bị lấy mất cơ hội vì những trường hợp gian lận điểm thi, đã nhập học các trường ĐH khác ở nguyện vọng tiếp theo. Trong bối cảnh đó, việc trả lại công bằng cho thí sinh sẽ liên quan đến hoạt động của rất nhiều trường ĐH. Việc thay đổi vị trí của một SV sẽ kéo theo sự thay đổi cơ hội của rất nhiều em khác.

Theo đại biểu Bùi Văn Xuyền, mặc dù Kỳ thi THPT quốc gia có nhiều ưu điểm như: Giảm áp lực, tốn kém nhưng Bộ GD&ĐT vẫn xem phải lại để có điều chỉnh cho tốt hơn, nhất là sau những tiêu cực xảy ra ở một số địa phương trong năm 2018. Mong rằng, trong thời gian tới ngành GD tiếp tục thực hiện theo tinh thần của Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT để có những bước tiến xa hơn nữa về chất lượng GD.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.