Cho rằng, truyền thông cần nói sự thật nhưng không nên thổi phồng sự thật, bà Phan Thị Hồ Điệp trao đổi: Hãy khoan trở thành quan tòa, hãy khoan trở thành người đấu tố. Giáo dục cần sự điềm đạm và nhìn thẳng vào vấn đề nhưng không phải là sự mạt sát.
"Người ta thường nói: Thuốc đắng giã tật- Sự thật mất lòng. Nhưng nếu coi sự thật là “thuốc đắng” có nghĩa là đã sắp xếp nó, cân đong đo đếm nó với “thuốc đắng”. Sự thật không phải là một khái niệm đơn giản.
Đó là một khái niệm phức tạp, có nội hàm phong phú và nó là một trong ba khía cạnh của cái đẹp, chỉ có điều chúng ta không được rèn luyện, không đủ bản lĩnh, không đủ kinh nghiệm để mô tả sự thật" - bà Phan Thị Hồ Điệp dẫn giải.
Bà Phan Thị Hồ Điệp |
Theo bà Phan Thị Hồ Điệp, thật không dễ nghe khi sự thật được nói ra xâm phạm tới lợi ích của người đối thoại. Trong trường hợp này, phải làm rõ lợi ích của người đó có chính đáng hay không, nếu có thì người nói ra sự thật đó có lỗi.
Nếu lợi ích ấy không chính đáng, việc người đó có nghe hay không là phụ thuộc vào nghệ thuật mô tả của người nói. Nếu lời nói thật được mô tả một cách hấp dẫn, có văn hóa thì khả năng được tiếp nhận của nó sẽ cao hơn.
Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng, người phải nghe sự thật có văn hóa thấp mà lại là người mạnh. Chúng ta không bao giờ nên đối thoại với những người như thế, phải dùng một cách khác, không phải là tiếp cận văn hóa mà là tiếp cận sức mạnh, sức mạnh của số đông chính nghĩa.
"Các nền giáo dục hàng đầu thế giới như: Mỹ, Pháp cũng từng gặp những cuộc khủng hoảng lớn. Tới nay, cho dù đang là những nền giáo dục nhận được nhiều ngưỡng mộ nhưng không thể nói các hiện tượng tiêu cực đã hoàn toàn biến mất.
Thậm chí một khảo sát về ngành giáo dục Mỹ được PGS.TS Nguyễn Kim Hồng — nguyên Hiệu trưởng ĐHSP TPHCM — dẫn ra cũng cho thấy, có tới gần 20% giáo viên tại Mỹ báo cáo đang bị học sinh đe dọa; khoảng 8% những người đứng trên bục giảng cho biết đã bị hành hung; 29% giáo viên khác từng suy nghĩ đến việc bỏ nghề vì những hành vi tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục…" - bà Phan Thị Hồ Điệp viện dẫn, đồng thời đặt vấn đề:
Việt Nam tất nhiên cũng không thể là ngoại lệ khi đã và đang có những hiện tượng không mong muốn diễn ra. Nhưng lấy những hiện tượng cá biệt ấy để "vẽ" nên cả bức tranh của một nền giáo dục thì liệu có thực sự công bằng?
Bà Phan Thị Hồ Điệp nhấn mạnh, truyền thông nên làm việc gắn bó với các nhà chuyên môn về tâm lý- giáo dục và các nhà quản lý giáo dục, phối hợp tư vấn trước khi truyền thông chính thống về sự kiện giáo dục nào đó để tránh việc hiểu cảm tính, chưa chuyên sâu dễ gây hiểu lầm dư luận.