Thời gian qua, mặc dù các biện pháp chấn chỉnh việc lạm dụng hồ sơ, sổ sách đã được Bộ GD&ĐT triển khai, nhưng vẫn còn tình trạng giáo viên phải sử dụng hồ sơ, sổ sách ngoài quy định tại Điều lệ hoặc Quy chế nhà trường, làm mất nhiều công sức, gây áp lực và ảnh hưởng đến hiệu quả làm việc. Giáo viên phải chép: Để đối phó, để Ban giám hiệu kiểm tra và để có đầy đủ hồ sơ...
Đơn cử như giáo án. Giáo án phải có theo qui định nhưng cũng không cần mẫu. Giáo viên giỏi, giáo viên có kinh nghiệm nhiều khi chỉ cần ghi những chú ý khi dạy, những điểm nhấn, những điểm quan trọng, những hoạt động cần thiết tổ chức cho HS học tập... Nhưng vì có mẫu nên vẫn phải chép ra những thứ đã thuộc làu trong đầu như: Mục tiêu, kiến thức, thái độ, tiến trình...
Hay sổ dự giờ, giáo viên có kinh nghiệm khi dự giờ chỉ cần ghi một vài điểm nhấn, chi tiết quan trọng rút kinh nghiệm trong giờ dạy vào sổ cá nhân; nhưng vì có mẫu sổ dự giờ mà buộc phải chép cả những thứ không cần thiết để cho đầy sổ, để đỡ bị phê là sơ sài...
Sổ chủ nhiệm cũng có mẫu. Đã có rất nhiều giáo viên lên tiếng về việc trong sổ chủ nhiệm, họ phải chép bao nhiêu danh sách: Danh sách lớp; danh sách các tổ; phụ huynh; theo dõi HS, các công việc đã làm.... Nhưng tất cả những việc này chủ yếu để kiểm tra vì hầu hết giáo viên THPT đều có laptop và quản lí hồ sơ HS trên máy tính rất khoa học... Thế nhưng, hàng tuần, hàng tháng, hàng kì giáo viên vẫn phải chép từ máy tính của mình ra sổ chỉ để Ban giám hiệu kiểm tra...
Những bất cập nói trên hầu như đã được “cởi” trong Chỉ thị của Bộ GD&ĐT. Một nhà giáo hơn hai chục năm công tác trong ngành GD Bắc Giang cho biết rất thích, tâm đắc các giải pháp đưa ra trong Chỉ thị: “Giáo viên được phép chọn hình thức viết tay hoặc đánh máy khi sử dụng các loại hồ sơ, sổ sách theo quy định”; “Thủ trưởng các cơ quan quản lý GD tuyệt đối không chỉ đạo phát hành hoặc trực tiếp phát hành các loại hồ sơ, sổ sách của nhà trường và của giáo viên”.
Bởi, điều này phát huy được tính sáng tạo của giáo viên và thực sự “cởi trói” được áp lực về hồ sơ cho giáo viên. Giáo viên được chủ động trong việc ghi chép những thông tin cần thiết, những lưu ý, bài học kinh nghiệm, công việc đã làm theo cách của mình mà không cần phải theo form định trước.
Tuy nhiên, để giáo viên giảm áp lực, BGH các trường, các cấp quản lý khi kiểm tra công việc của giáo viên cũng cần linh hoạt, sáng tạo; không nên máy móc, khuôn mẫu... mà tôn trọng sự sáng tạo của giáo viên; chú trọng tới hiệu quả công việc hơn là hình thức các loại hồ sơ. Liên quan đến điều này, Bộ GD&ĐT cũng đồng thời đưa ra chế tài: Những vi phạm quy định về hồ sơ, sổ sách của CBQL là minh chứng để đánh giá hằng năm theo quy định chuẩn hiệu trưởng.
Tuỳ mức độ vi phạm, CBQL sẽ bị xử lí kỉ luật theo quy định tại Luật Cán bộ, Công chức và Luật Viên chức. Đồng thời, trách nhiệm của các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ và Giám đốc Sở GD&ĐT cũng được tăng cường trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lí vi phạm về sử dụng hồ sơ, sổ sách sai quy định.
Kỳ vọng, với động thái quyết liệt này, giáo viên sẽ thực sự được “cởi trói” để chuyên tâm với chuyên môn, từ đó nâng cao hơn chất lượng GD, đáp ứng yêu cầu đổi mới.