Không thể mù quáng “ném đá” quá tay

GD&TĐ - Gần đây, dư luận và mạng xã hội dành sự quan tâm, phân tích, tranh luận… một vài vụ việc “tày đình” liên quan đến mối quan hệ thầy cô giáo và HS. Từ bàng hoàng, sửng sốt đến giận dữ lên án, không ít câu hỏi nghi ngờ về tính tôn nghiêm của môi trường sư phạm, về năng lực và đạo đức của GV...

Ảnh minh họa: ITN
Ảnh minh họa: ITN

Trong một diễn đàn của nhà giáo, nhiều thầy cô giáo chia sẻ rằng họ thấy xấu hổ vì có những đồng nghiệp xấu xí như thế. Họ không dám đọc bình luận của những ông bố, bà mẹ đang cơn nóng giận, bởi nếu đọc xong, họ thấy trái tim mình đau bật máu, thấy mất đi niềm tin yêu với nghề giáo, thấy băng lạnh hắt thẳng vào ngọn lửa yêu nghề cháy trong lòng bấy lâu nay.

Dường như với bất kỳ hiện tượng, vụ việc tiêu cực của cá nhân nào, không ít người ngay lập tức làm phép “quy đồng” để đổ lỗi cho ngành GD. GS Đinh Quang Báo - nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm - mới đây nêu quan điểm trên báo Tiền Phong: “Quá trình trưởng thành, nâng cao phẩm chất nghề nghiệp của GV là một chuỗi từ đào tạo, bồi dưỡng, tự đào tạo rồi tôi luyện môi trường xã hội. Nhiều yếu tố “nhiễu” ấy thì chúng ta không biết đang có vấn đề ở khâu nào. Tại sao lại chỉ đổ tội cho ngành Giáo dục?”.

Nhìn nhận một cách sòng phẳng, ai làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm. Thầy cô giáo cũng là những con người bình thường, nếu không có bản lĩnh có thể mắc lỗi lầm, bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chính môi trường xã hội đầy cám dỗ. Khi vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật, GV phải chịu phạt, chịu kỷ luật, trả giá cho tội lỗi của mình với tư cách cá nhân, tư cách công dân như những cán bộ, công chức phạm lỗi của các ngành nghề khác. Không thể vì một GV sai phạm mà cho rằng nghề giáo khủng hoảng. Không thể vì bác sĩ thẩm mỹ viện Cát Tường vô tình làm chết bệnh nhân, đem bệnh nhân xấu số vứt sông phi tang mà nói cả ngành y. vô đạo đức, yếu kém. Cũng không ai nói vì một đoạn đường vừa đưa vào sử dụng đã nứt thủng mà kết luận luôn ngành giao thông xuống cấp, tệ hại…

Xin hãy nhớ số GV tệ hại đó đếm trên đầu ngón tay trong tổng số hơn 1,2 triệu GV trên cả nước. Bởi vậy điều sáng suốt nên làm nhất trong thời điểm này chính là hãy dành cho hơn 1,2 triệu thầy cô giáo đang ngày đêm cống hiến cho sự nghiệp trồng người niềm tin - món quà vô giá giữa cơn lên đồng “phê phán” của mạng xã hội, giữa một lỗi vô tình cũng trở thành đề tài khai thác thái quá của truyền thông…

Hơn 1,2 triệu GV chân chính xứng đáng được nhận món quà này để trả lại cho đời trách nhiệm nhà giáo khi không một phút giây đắn đo tất cả vì HS thân yêu. Đó là thầy hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Sơn Ba (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) Đặng Văn Cương chăm sóc cậu học trò tí hon Đinh Văn K"Rể không may mắc hội chứng Seckel (người lùn đầu chim) hiếm gặp như đứa con của mình. Hay như các thầy Trường PTDTBT Tiểu học Đắk Roong (xã Đắk Roong, huyện Kbang, Gia Lai) thương các em HS vất vả, cứ cuối tuần lại đưa các em về bản để rồi sang tuần mới lại tới đón các em đến trường. Còn cô giáo Đinh Lệ Chung - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học An Lương – đang mang thai vẫn đi bộ một ngày từ 4 giờ sáng đến 5 giờ chiều vượt rừng vào đến điểm trường rồi cùng các thầy cô đi quyên góp khắc phục sau lũ. Hành trình vượt rừng đã khiến cô không thể giữ được thai nhi hơn 4 tháng tuổi…

Để thấy khi xã hội đặt niềm tin với nghề giáo sẽ nhận được quả ngọt của trách nhiệm cống hiến, cả sự trân trọng biết ơn của thầy cô giáo khi nhận được sự phối hợp để tạo được chân kiềng vững chắc: Gia đình - Nhà trường - Xã hội trong giáo dục học sinh. Nghĩ cho cùng, có đáng không khi vì 1 - 2 hạt sạn mà đổ cả bát cơm? Vì 1 con sâu có đáng hất đổ cả nồi canh? Nếu cứ mù quáng “ném đá” quá tay, từ hiện tượng quy chụp cho cả một ngành nghề như vậy, liệu rồi có còn ai lựa chọn ngành sư phạm để học tập?

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ