Không thể mãi chần chừ

GD&TĐ - Đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát ở hầu hết các tỉnh, thành phố đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó giáo dục là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Ảnh hưởng đặc biệt từ đợt bùng phát dịch thứ tư (từ tháng 4/2021).

Trẻ mầm non, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường nhiều tháng liên tiếp. Theo chuyên gia, với học sinh, ngoài hoạt động chủ đạo là học tập còn cần giao tiếp, kết nối với bạn bè, tham gia hoạt động vui chơi, giải trí ngoài môi trường xã hội.

Việc không được đến trường trong thời gian dài, các mối quan hệ bạn bè, hoạt động vui chơi ngoài trời bị gián đoạn khiến trẻ dễ rơi vào hụt hẫng, thậm chí cảm thấy cô độc, sợ hãi.

Học trực tuyến nhiều giờ, lặp đi lặp lại trong không gian nhỏ hẹp, vấn đề đường truyền, phương tiện học tập không bảo đảm dễ khiến trẻ có cảm giác bị cô lập, bỏ rơi, buồn chán, căng thẳng, mệt mỏi, mất động lực học tập. Chưa kể, ở nhà và tiếp cận với Internet nhiều nhưng thiếu kiểm soát dễ dẫn tới tình trạng lạm dụng game, rối loạn cảm xúc, kích động…

Covid-19 hiện nay không còn là kẻ thù vô hình khiến con người sợ hãi, mất phương hướng như những ngày đầu xuất hiện. Chúng ta đã hiểu về dịch bệnh này sau hơn 2 năm phòng chống, chung sống. Các biến chủng mới nhanh chóng được phát hiện; tỷ lệ phủ vắc-xin cao và bắt đầu có thuốc chữa; các điều kiện y tế cũng được tăng cường…

Trẻ em bị lây nhiễm thường nhẹ, ít biến chứng và nguy cơ tử vong rất thấp. Chưa kể thực tế mở cửa trường học tại các địa phương cũng như nghiên cứu thế giới cho thấy, nguy cơ lây lan trong trường học là thấp và thấp hơn hơn trong cộng đồng. Với tất cả cơ sở thực tiễn và khoa học như vậy, không còn cớ gì để chúng ta chần chừ trong việc mở cửa trường học; đây cũng là xu hướng chung của các nước trên thế giới.

Sẽ vẫn có những ý kiến lo lắng, nhất là với trẻ chưa được tiêm chủng. Nhưng trong phòng chống dịch - một đại dịch toàn cầu - thì lo lắng là đương nhiên; có điều chúng ta không thể ngồi đó mà lo lắng mãi. Câu hỏi: Ở nhà hay đến trường nguy cơ cao hơn, các nhà khoa học đã có câu trả lời. Bởi không có phương án nào là tuyệt đối toàn vẹn, chúng ta cần chọn phương án tối ưu nhất. Và ở thời điểm này đó chính là khôi phục lại hoạt động học tập trực tiếp cùng với tăng cường biện pháp an toàn phòng chống dịch, ứng phó một cách chủ động.

Rất nhiều việc phải làm để phương án này có thể thực hiện được, như tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm điều kiện phòng chống dịch; nâng cao nhận thức, hiểu biết của các đối tượng trong nhà trường, phụ huynh về dịch bệnh và phòng chống dịch.

Bên cạnh yếu tố rất quan trọng là sự đồng thuận của phụ huynh, ngành Giáo dục, Y tế cũng cần đưa ra kịch bản phù hợp để việc phòng chống dịch không rơi vào cực đoan: Hoặc quá lo lắng, hoặc quá chủ quan. Cũng cần hiểu rằng, để học sinh quay trở lại trường an toàn, bên cạnh nỗ lực của ngành Giáo dục còn cần hỗ trợ toàn diện, trong đó đặc biệt là chỉ đạo khẩn trương, cương quyết của chính quyền địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.