Ngày nay, có một hiện tượng giáo dục tưởng như rất nghịch lý nhưng lại xảy ra phổ biến trong xã hội: Những gia đình càng ít quan tâm tới chuyện học hành, con cái của họ càng sở hữu thành tích ưu tú.
Ngược lại, những phụ huynh càng thúc ép con học, thành tích của con trẻ nhà họ lại chẳng mấy khi được như kỳ vọng.
Nhiều nghiên cứu về giáo dục đã khẳng định, có rất nhiều em nhỏ sẽ vì một số nguyên nhân mà đánh mất đi cảm hứng học tập, thậm chí càng học càng kém, càng cố càng đuối.
Một trong số những nguyên nhân ấy phải kể tới phương pháp giáo dục con trẻ của bố mẹ.
Sự thật là con trẻ càng ít bị bố mẹ quản thúc lại càng thông minh, học giỏi.
Bốn sai lầm của gia đình trong quá trình giáo dục con cái học tập
Đối với nhiều gia đình, mỗi khi thành tích học tập của con không tốt, không khí trong nhà sẽ càng trở nên nặng nề.Thậm chí nhiều bậc cha mẹ thường lấy lý do này để làm ra những hành động tiêu cực đối với trẻ.
Trong khi đó, họ không hề hay biết những hành động ấy đã vô tình tạo ra tâm lý chống đối của trẻ đối với việc học hành, khiến các em càng trở nên chán ghét học tập.
Sai lầm thứ nhất: Liên tục thúc giục, than phiền
Thường xuyên thúc giục, than phiền về chuyện học tập không phải là cách giúp con bạn học giỏi hơn.
Chỉ cần nhìn thấy con trẻ đang lúc rảnh rỗi hoặc đang giải trí, nhiều bậc cha mẹ sẽ không ngừng thúc giục, than phiền, mà nội dung trong những câu nói của họ luôn lấy việc học làm trung tâm. Ví dụ như:
"Con chơi đủ rồi đấy, đi làm bài tập ngay đi!".
"Đừng có xem tivi nữa, lo mà làm bài tập đi!".
Thói quen than phiền, thúc giục này không những vô dụng mà còn khiến trẻ có ý nghĩ tiêu cực: "Cha mẹ càng ép, con càng không muốn học!".
Hậu quả là các em sẽ nảy sinh tâm lý chống đối việc học hành, học một cách qua loa đại khái, đối phó.
Sai lầm thứ hai: Thường xuyên quở trách, chê bai
Trách mắng sẽ chỉ làm tình hình học tập của con bạn càng thêm tụt dốc.
"Con chẳng làm được việc gì nên hồn cả!".
"Có mỗi việc học thôi mà con cũng không học giỏi được hay sao?".
Đó là những lời trách móc "cửa miệng" của không ít các bậc phụ huynh mỗi khi không hài lòng với thành tích học tập của con mình.
Cũng chính bởi tâm lý quan trọng thành tích, nhiều cha mẹ luôn có thói quen quở trách, thậm chí lôi kết quả học tập ra để nói tới mọi vấn đề, tìm cách phê bình trẻ trên nhiều phương diện khác chẳng mấy liên quan.
Trách mắng là phương pháp giáo dục sai lầm nhất khiến sự nghiệp học hành của con bạn bị phá hủy nhanh chóng.
Bởi những lời quở trách của các bậc cha mẹ sẽ làm kìm hãm tính tích cực trong học tập, khiến các em mất đi hứng thú với việc học.
Sai lầm thứ ba: Bận tâm quá nhiều thứ
Thái độ lo lắng thái quá từ phía cha mẹ cũng ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của con cái trong quá trình học tập.
Có nhiều bậc phụ huynh vì quá bận tâm tới việc học hành của con trẻ nên luôn sống trong tâm trạng sợ hãi, lo lắng.
Hôm nay họ lo con mình có thành tích kém sẽ không đỗ vào trường tốt. Ngày mai họ lại sợ hãi về việc con học chưa giỏi sẽ chẳng có tiền đồ cho tương lai.
Những nỗi ám ảnh ấy khiến các phụ huynh này ngày ngày suy tư, mặt mũi ủ dột. Họ không hề biết rằng thái độ ưu tư ấy có ảnh hưởng rất lớn đối với tâm lý con trẻ.
Khi về đến nhà, việc chứng kiến bố mẹ mất hứng, vẻ mặt buồn rầu đã đủ để khiến trẻ mất đi hứng thú với gia đình và học tập.
Trên thực tế, việc học tập nếu muốn thu được kết quả như ý thì phải được tiến hành trong một hoàn cảnh hòa nhã, thoải mái.
Sai lầm thứ tư: Tối ngày kèm cặp
Việc cha mẹ liên tục kèm cặp con không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt dành cho trẻ.
Ngày càng nhiều gia đình mang tư tưởng dốc toàn bộ thời gian và tâm sức vì sự nghiệp học hành của con cái.
Trước kia, có một câu chuyện về chủ đề dạy con từng nhận được nhiều sự quan tâm trên các trang mạng xã hội Trung Quốc.
Câu chuyện này kể về một người mẹ hết lòng vì con. Bởi muốn con có thể thi đỗ vào trường trọng điểm, người mẹ ấy đã thuê nhà ở sát trường con học trong suốt 3 năm, dành hết tâm sức bồi dưỡng, kèm cặp con mình.
Quả nhiên con của chị đỗ vào trường tốt nhất thành phố, hơn nữa còn được học lớp chọn. Nhưng một thời gian sau, vì nhiều lý do mà người mẹ ấy không thể tối ngày kèm cặp con được nữa.
Nào ngờ người con ấy từ ngày không có mẹ kèm cặp đã nhanh chóng sa đà vào điện tử, liên tục trốn học, chỉ chưa đầy 2 tháng đã bị chuyển từ lớp chọn xuống lớp thường, sau đó bị nhà trường buộc thôi học.
Câu chuyện ấy chính là lời cảnh tỉnh cho những phụ huynh kèm cặp con trẻ một cách thái quá. Điều này sẽ khiến trẻ mất đi khả năng độc lập trong học tập, cũng khiến các em nuôi suy nghĩ việc học không phải trách nhiệm của mình, từ đó càng ngày càng lệ thuộc vào cha mẹ.
Gia đình càng ít quản, con càng học giỏi
Nếu thành tích của con trẻ chưa tốt, dù cha mẹ quở trách, kèm cặp tới đâu cũng chưa chắc đã khiến kết quả học tập tốt lên.
Đối với phụ huynh, sự tiến bộ của con em mới là điều trọng yếu. Muốn đạt được điều này, các gia đình nên áp dụng bốn nguyên tắc sau:
Nguyên tắc 1: Bỏ thói quen giám sát quá mức
Thay vì giám sát gắt gao việc học của con, cha mẹ hãy để các bé tự do học tập và chỉ giúp đỡ các em khi thực sự cần thiết.
Sự giám sát gắt gao từ phía cha mẹ chỉ khiến trẻ học tập một cách bị động. Muốn con em của chúng ta tích cực chủ động trong việc học, điều đầu tiên mà cha mẹ cần làm chính là bỏ thói quen giám sát quá mức.
Tất cả những vĩ nhân trên thế giới này đều không phải là người bị ép buộc học tập. Chìa khóa thành công của họ đến từ ý thức tự giác trong việc tu dưỡng và học hành.
Vì vậy, muốn con em không bị lệ thuộc và rèn được đức tính tự giác, độc lập, chủ động trong việc học, các bậc cha mẹ càng không nên giám sát con trẻ quá gắt gao.
Nguyên tắc 2: Ghi nhận thành công và dành cho con trẻ sự khích lệ
Những lời động viên, khích lệ chân thành từ phía cha mẹ sẽ giúp các con được trải nghiệm cảm giác thành công và có thêm động lực học tập.
Trong quá trình học tập của trẻ, trải nghiệm về sự thành công đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, cha mẹ nên tạo cơ hội cho các em có được cảm giác thành công bằng cách ghi nhận thành tích và tiến bộ của con mình.
Khi trẻ học được cách tận hưởng niềm vui của sự thành công, các em sẽ tìm ra niềm vui chân chính trong học tập.
Khích lệ tinh thần học hành của con em không cần phải dùng đến những món quà xa xỉ hay những lời nói hoa mĩ. Thay vào đó, phụ huynh chỉ cần khen ngợi đúng lúc, đúng chỗ.
Ví dụ, khi con trẻ đã hoàn thành tất cả các bài tập về nhà hoặc dành được điểm tốt, phụ huynh có thể khen ngợi các em bằng những lời giản dị như: "Con càng ngày càng tiến bộ!" hay "Con thật giỏi"…
Được cha mẹ ghi nhận thành công và khích lệ chân thành như vậy sẽ khiến các bé càng thêm hứng thú với việc học.
Nguyên tắc 3: Cho con khoảng không tự do trong học tập
Dành cho con một khoảng không tự do trong học tập cũng là cách để tạo điều kiện cho các em rèn luyện nhiều đức tính.
Vì mục đích nhanh chóng cải thiện thành tích học tập cho con em mình, nhiều phụ huynh thường thay con tự quyết bằng cách đăng ký cho các em nhiều lớp học thêm.
Hành động ấy đã vô hình xóa bỏ ý thức độc lập của con trẻ trong việc giải quyết các vấn đề liên quan tới học tập.
Hậu quả là khi con trẻ gặp khó khăn, thay vì đối mặt và giải quyết, các em sẽ lựa chọn trốn tránh hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân.
Điều này không chỉ gây bất lợi đối với việc học tập mà còn biến các em trở thành những con người phụ thuộc và thiếu trách nhiệm.
Xã hội của chúng ta ngày nay cần những người có khả năng giải quyết vấn đề một cách độc lập.
Do đó, các bậc cha mẹ nên học cách buông tay, duy trì cho trẻ một khoảng không tự do trong học tập để các em có được sự lựa chọn của riêng mình, tự thân vận động, tu dưỡng, từ đó bồi dưỡng tính độc lập và tinh thần trách nhiệm cho con em.
Nguyên tắc 4: Đừng để con cái lệ thuộc vào sự giúp đỡ của cha mẹ
Những phụ huynh thông minh và tinh tế sẽ chỉ giúp đỡ con cái của họ khi thực sự cần thiết.
Trong quá trình kèm con học bài, nhiều phụ huynh thường mang tâm lý vội vàng, hấp tấp, khi thấy con gặp bài khó sẽ dễ dàng nói cho trẻ đáp án. Đây hoàn toàn là điều không nên!
Cha mẹ làm như vậy sẽ khiến con trẻ không phát triển được thói quen tư duy và hình thành tính phụ thuộc.
Hệ quả là khi gặp phải một vấn đề nhỏ, các em cũng sẽ không hề động não suy nghĩ mà luôn tìm kiếm sự trợ giúp.
Nếu tiếp tục như vậy, đến khi gặp phải bài khó trong đề thi, các em chỉ có thể làm linh tinh hoặc tìm cách gian lận.
Đối với con em của chúng ta mà nói, kiểu giáo dục này chỉ "lợi bất cập hại".
Không thể phủ nhận một điều là gia đình đóng vai trò vô cùng trọng yếu trong công cuộc học tập của con em. Cha mẹ mới là người thầy có sức ảnh hưởng nhất đối với trẻ.
Muốn con học giỏi, cha mẹ không nên buông lỏng tất cả, nhưng lại càng không nên quản thúc tất cả.
Hãy giúp đỡ con trẻ với mục đích và hoạch định rõ ràng, khoa học. Đó mới là cách giáo dục đúng đắn để thế hệ sau của chúng ta ngày càng trở nên xuất sắc.