Cụ thể, Sở GD&ĐT yêu cầu không quy định cứng nhắc số giờ mỗi giáo viên phải dự trong năm học mà nên quy định mỗi giáo viên được dự ít nhất 2 tiết/học kì và có đánh giá, xếp loại để làm cơ sở cho công tác thi đua, khen thưởng hằng năm.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện thực tế của các cơ sở giáo dục, thủ trưởng đơn vị có thể quy định số tiết thao giảng nhiều hơn để đảm bảo phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng dạy học của đơn vị.
Đổi mới công tác dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học, không sử dụng kết quả giờ dạy thí điểm theo phương pháp dạy học tích cực để đánh giá công tác thi đua hoặc xếp loại chuyên môn nếu giáo viên dạy thí điểm không có nhu cầu. Chỉ đạo giáo viên tăng cường rút kinh nghiệm, trao đổi các giải pháp để nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Nhấn mạnh mục đích của sinh hoạt chuyên môn là nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực sư phạm cho giáo viên để từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng dạy và học, Sở GD&ĐT đề nghị thực hiện nghiêm chỉ đạo sinh hoạt tổ, khối chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học, gồm 4 bước: Chuẩn bị bài dạy; tiến hành dạy và dự giờ; suy ngẫm, thảo luận về bài dạy; áp dụng.
Nội dung sinh hoạt chuyên môn tập trung vào việc áp dụng các phương pháp, kĩ thuật, hình thức dạy học tích cực; đổi mới kiểm tra đánh giá; các nội dung kiến thức khó; điều chỉnh nội dung dạy học.
Kế hoạch hoạt động của tổ, khối chuyên môn phải bám sát chỉ đạo của Sở, Phòng GD&ĐT, đảm bảo ngắn gọn, cụ thể; có tên các chuyên đề dạy học; danh mục đồ dùng, thiết bị dạy học hiện có.
Mỗi tổ, khối chuyên môn phải tổ chức ít nhất 1 chương trình ngoại khóa hoặc học thực địa phù hợp với đặc trưng bộ môn, điều kiện của nhà trường và đối tượng học sinh.