Trong bộ phim cung đấu Hậu cung Như Ý truyện, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ có nhân vật Càn Long và Như Ý hay Lệnh Phi Vệ Yến Uyển mà Du Phi Hải Lan cũng để lại điểm nhấn đặc biệt khiến người xem vô cùng thích thú.
Mở đầu phim, Du Phi Hải Lan xuất hiện chỉ là một Thường tại nhỏ bé, yếu đuối, nhu nhược, bị các phi tần khác bắt nạt nhưng may mắn được Như Ý, lúc đó là Nhàn Phi bao che giúp đỡ.
Cho đến khi Như Ý bị hãm hại, đày vào lãnh cung, Hải Lan không còn chỗ nương tựa rồi dần dần “hắc hóa” để tự bảo vệ bản thân.
Về sau, nàng không chỉ chiếm được chỗ đứng trong chốn thâm cung mà còn giúp Như Ý rửa oan, trở thành cánh tay đắc lực phò tá cho Như Ý xuyên suốt mạch phim.
Tuy nhiên, đó chỉ là trên phim ảnh còn trong lịch sử, Du Phi là một vị phi tần như thế nào?
Phi tần xuất thân bình thường, không được Càn Long sủng ái
Du Phi (1714 - 1792) xuất thân từ gia tộc Hải thị, hay còn phiên gọi là Kha Lý Diệp Đặc thị hoặc Hải Giai thị, thuộc Mông Cổ Tương Lam kỳ.
Khi mới 13 tuổi, Hải thị đã nhập phủ Bảo Thân Vương Hoằng Lịch với danh hiệu Cách cách.
Do sở hữu nhan sắc bình thường, tính cách rụt rè và không có điểm gì nổi bật hơn người nên Hải thị bị Hoằng Lịch lạnh nhạt, không mấy sủng ái.
Vì vậy, năm Ung Chính 13 (1735), Bảo Thân vương Hoằng Lịch tức vị, lấy niên hiệu là Càn Long.
Khi Càn Long lên ngôi vua, ông đã tấn phong tước vị cho hậu cung và trong đó, Cách cách Hải thị chỉ được sắc phong thành Hải Thường tại - tước vị thấp nhất trong số các phi tần đã theo hầu Càn Long Đế từ Tiềm để.
Tuy nhiên, một năm sau đó, do hiền hòa an phận, Hải thị được tấn phong lên thêm một bậc, trở thành Hải Quý nhân.
Mặc dù là một trong những người vợ sớm nhất của Càn Long nhưng bà ngay cả cơ hội thấy mặt phu quân của mình cũng rất hiếm.
Thậm chí, sự cô đơn, lạnh lẽo của bà còn được sử sách ghi lại rằng Càn Long đã quên tới sự tồn tại của Hải thị suốt hơn một thập kỷ.
Cũng chính vì vậy mà trong khi các vị phi tần khác thay nhau nhận ân sủng từ Càn Long Đế, liên tiếp được tấn phong và sinh hạ con cái, Hải Quý nhân vẫn dậm chân tại chỗ, không có gia thế hiển hách chống lưng, không được Càn Long sủng ái.
Những tưởng Hải thị sẽ bình lặng sống tạm bợ qua ngày cho đến khi qua đời nhưng vào năm 1741, khi sinh hạ được Ngũ A ca Vĩnh Kỳ sau 14 năm theo hầu Càn Long, cuộc đời của Hải thị đã bước sang một trang mới.
Mẹ quý nhờ con, một bước phong Phi
Khi sinh hạ được Ngũ A Ca Vĩnh Kỳ, Hải thị được sắc phong làm Du Tần. Ngũ A ca càng lớn càng thông minh hoạt bát, rất được Càn Long chú ý.
Nhớ tới ơn dưỡng dục của Du Tần, khi Ngũ A ca Vĩnh Kỳ được 4 tuổi, Càn Long tấn phong bà thành Du Phi.
Đến năm Càn Long thứ 30 (1765), Ngũ A ca Vĩnh Kỳ được phong làm Vinh Thân vương khi tròn 24 tuổi.
Đây là vị hoàng tử đầu tiên của Càn Long Đế được phong tước Vương dù đó không phải là đích tử, trưởng tử hay quý tử, điều này cho thấy Càn Long Đế đã yêu thương, đặt nhiều kỳ vọng ở vị hoàng tử này như thế nào.
Đáng tiếc thay, chỉ 3 tháng sau khi trở thành Vinh Thân Vương, Vĩnh Kỳ yểu mệnh, bạo bệnh qua đời.
Lại nói về việc Hải thị được sắc phong làm Phi, nhiều nhà sử gia cho rằng điều này thực chất là do “mẹ quý nhờ con”.
Bởi lẽ, Du phi Hải thị nhập Tiềm để hầu hạ Càn Long Đế hơn 10 năm, bên cạnh Càn Long Đế sau khi lên ngôi hơn 50 năm, cơ hồ cùng Hoàng đế bầu bạn cả đời nhưng chỉ sinh hạ một người con trai, có thể thấy bà không thực sự được Càn Long sủng ái.
Việc phong được tước Phi phần nhiều là do Càn Long Đế yêu quý con trai bà.
Vì vậy, khi Vĩnh Kỳ qua đời, Du Phi Hải thị lập tức bị thất sủng. Tuy nhiên, cũng chính vì sự ghẻ lạnh này mà bà không còn vướng mắc vào cuộc tranh sủng tàn khốc nào nữa.
Không ai hại bà, bà cũng chẳng hại ai, cứ điềm nhiên sống cuộc đời của riêng mình trong chốn cấm cung.
Để rồi sau khi Lệnh Ý Hoàng quý phi, Khánh Quý phi và Thư Phi lần lượt qua đời, địa vị của Du Phi Hải thị trong hậu cung là cao nhất.
Cộng thêm với tư lịch lâu bền, hầu hạ Càn Long từ khi còn ở Tiềm để nên lúc này Du Phi có thể coi là đứng đầu chúng phi cho tới khi mất.
Năm Càn Long thứ 57 (1792), ngày 21 tháng 5 (âm lịch), Du Phi Hải thị qua đời tại Vĩnh Hòa cung, thọ 78 tuổi.
Sau khi qua đời, Tế văn sơ thứ và đại tế của bà vẫn giữ là Du Phi, tuy nhiên vào Tế văn sau 100 ngày thì bà được Càn Long Đế nâng thành Quý phi trong lời văn tế, do vậy về sau bà được gọi là Du Quý phi. Năm 1793, Du Quý phi được nhập táng ở Dụ lăng Phi viên tẩm.