Không phải cứ đốt nhiều là thành tâm

GD&TĐ - Đốt vàng mã đã trở thành thói quen trong đời sống của người Việt, nhưng đang bị lạm dụng quá đà. Mới đây, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Công văn số 31 gửi Ban Thường trực Ban Trị sự Phật giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó yêu cầu bỏ đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. 

Không phải cứ đốt nhiều là thành tâm

Đây là việc làm cần thiết, nhận được nhiều sự đồng thuận của các nhà nghiên cứu văn hóa và người dân.

Bỏ việc đốt vàng mã

Trao đổi về vấn đề này, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra văn bản đề nghị từ bỏ việc đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo là hoàn toàn đúng với giáo lý nhà Phật.

Không đốt vàng mã trong các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng thờ Phật đó cũng là chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, giáo dục con người ta biết tiết chế và tiết kiệm, vấn đề là ở cái tâm của mỗi người. Về mặt pháp luật cũng rất phù hợp bởi, câu chuyên đặt ra vấn đề: “Đốt để làm gì, có cần thiết đốt nhiều đến như thế hay không?”.

TS Nguyễn Viết Chức cho biết: Ngày xưa tôi còn nhớ tiền âm phủ ít lắm, mỏng lắm, người ta có đốt chứ không phải đốt thật nhiều. Ngày nay, không chỉ dừng lại ở việc đốt vài tập giấy bình thường, “phú quý sinh lễ nghĩa”, những người đang sống còn tìm đủ mọi cách để “gửi đồ” cho người âm như đốt nhà lầu, xe hơi, ti vi tủ lạnh, đô la... đó là sự biến tướng làm sai lệch ý nghĩa của nét văn hóa đẹp, không phải đốt nhiều là thành tâm nhiều”.

“Khi đốt vàng mã với người âm thể hiện lòng thành kính, với người dương thì thể hiện sự chia sẻ, quan trọng vẫn là cái tâm. Một triệu hay nhiều triệu tiền vàng mã, có thể là miếng cơm cho người nghèo đói, cho manh áo tốt hơn cho cháu học sinh nào đó còn khó khăn, đó là điều cần thiết”, TS Nguyễn Viết Chức chia sẻ.

Nên làm những điều có ích cho xã hội

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm, người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật đốt cho vàng mã lên tới trên 400 tỷ đồng/năm.

Mới đây, theo tính toán từ số liệu khảo sát mức sống hộ gia đình do Tổng cục Thống kê điều tra cho thấy, người Việt Nam chi tiêu cho vàng mã, đồ cúng cao gấp gần 8 lần chi tiêu cho đồ chơi và sách truyện cho trẻ em. Những con số thống kê này đang báo động về sự biến tướng của một nét đẹp văn hóa truyền thống.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa, ngay bây giờ chưa thể cấm người dân đốt vàng mã, nhưng văn bản này là bước khởi đầu cho những cuộc vận động thành công ở nơi thờ tự, đặc biệt nơi thờ Mẫu.

Để thay đổi được tập tục này cần có thời gian, nhưng quan trọng là phải thay đổi nhận thức của mỗi cá nhân. Điều quan trọng nhất không phải ở chỗ bạn đốt nhiều hay ít tiền giấy, mà chính là cách bạn sống và đối nhân xử thế với cha mẹ, bạn bè, đồng nghiệp, xóm làng hàng ngày. Hãy chia sẻ với những người nghèo khó, tàn tật và những người kém may mắn. Đó mới là người có tâm đức.

Tập tục thì luôn luôn cần phải giữ gìn nếu như nó luôn luôn nhắc nhở chúng ta làm những điều có ích cho xã hội và tử tế với chính bản thân mình. Để thay đổi được tập tục này, không để nó bị biến tướng, cách tốt nhất là làm sao để thay đổi ý thức của người Việt về tập tục này.

Thiết nghĩ, thờ phụng quan trọng nhất là phải có một tấm lòng chân thành, hơn nữa bản thân phải biết hướng thiện, không làm điều ác. Đây chính là điều gọi là tâm thành thì linh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ