Không nên trả hết thị trường vàng cho doanh nghiệp

GD&TĐ - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến vào Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Tuy nhiên, việc quy định Nhà nước độc quyền huy động vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản như trong dự thảo này chưa nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, các doanh nghiệp kinh doanh vàng. 

Không nên trả hết thị trường vàng cho doanh nghiệp

Nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều cho rằng, không nên trả hoàn toàn thị trường kinh doanh vàng miếng cho DN, mà Nhà nước phải là người điều tiết để thị trường được minh bạch hơn…

Nhà nước có nên độc quyền?

Theo Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24, NHNN giữ nguyên quy định Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA), điều này không phù hợp với thông lệ quốc tế và đi ngược lại tiến trình phát triển của kinh tế thị trường.

Bởi hiện trên thế giới các ngân hàng trung ương không trực tiếp kinh doanh mà chỉ quản lý thông qua kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp, tổ chức.

Nếu NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng và phân phối ra thị trường thì NHNN sẽ trở thành đơn vị kinh doanh. Hơn nữa, nếu NHNN sản xuất vàng miếng có nghĩa là đã sử dụng vàng tiêu chuẩn quốc tế chế tác thành vàng thương hiệu quốc gia, như vậy vừa gây tốn kém chi phí, đồng thời lại biến vàng tiêu chuẩn quốc tế có khả năng thanh khoản cao trở thành vàng nguyên liệu khi xuất khẩu ra thế giới. Khi đó, tính thanh khoản sẽ không cao, giá bán lại giảm hơn vàng tiêu chuẩn quốc tế.

Các chuyên gia cho rằng, hiện việc quản lý vàng miếng của nước ta đang lùi một bước so với thế giới. Bởi trong quá khứ và hiện tại, trên thế giới chưa có ngân hàng trung ương nào chỉ duy trì một thương hiệu vàng và độc quyền sản xuất vàng miếng.

Tại nhiều nước, mỗi ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có thương hiệu vàng của riêng mình chứ không như nước ta, NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng.

Hơn nữa, NHNN chỉ chọn SJC là thương hiệu vàng quốc gia, vì vậy trên thực tế đã xuất hiện vàng SJC giả, vàng nhái kém chất lượng. Việc quy định chuyển đổi vàng phi SJC sang SJC gây nên tình trạng sản xuất, gia công không bảo đảm cả về thời gian và số lượng, khiến thị trường vàng trở lại chế độ cấp quota để được gia công vàng miếng và đương nhiên sẽ xảy ra cơ chế xin - cho giấy phép đi ngược lại với cải việc cách hành chính.

Rất cần chính sách phù hợp

Có thể thấy, từ nhiều năm nay ở nước ta, chưa có bất cứ một doanh nghiệp nào được NHNN cấp phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ, buộc các doanh nghiệp phải thu mua vàng cũ hỏng tái chế và các loại vàng trôi nổi trên thị trường làm nguyên liệu cho sản xuất.

Điều này đã vô tình tiếp tay cho các hoạt động nhập lậu vàng, gây “chảy máu” ngoại tệ, ảnh hưởng tới việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.

Các doanh nghiệp không được nhập khẩu vàng nguyên liệu, càng không thể dùng vàng miếng chuyển đổi thành vàng trang sức do sẽ không cạnh tranh được về giá.

Chính vì vậy, hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ của các doanh nghiệp kinh doanh vàng gần như bị đình trệ suốt những năm qua, không bù đắp nổi chi phí đầu tư xưởng, máy móc thiết bị, đồng thời không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, nhập lậu.

Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam có khoảng 6.000 doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Nếu NHNN cấp phép cho tất cả các đối tượng này, thì cũng sẽ tiêu tốn nhiều ngoại tệ và gặp rất nhiều khó khăn trong quản lý.

Chính vì vậy, VGTA kiến nghị NHNN xem xét trình Chính phủ quy định một chính sách hợp lý. Ví dụ, để doanh nghiệp có số lao động trực tiếp sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ tối thiểu là 50 người; Nộp thuế VAT về vàng trang sức, mỹ nghệ tối thiểu 500 triệu đồng/năm; doanh nghiệp có xưởng sản xuất vàng trang sức mỹ nghệ, có thiết bị công nghệ để sản xuất vàng trang sức đáp ứng yêu cầu của thị trường… thì sẽ được nhập khẩu vàng miếng, để giúp doanh nghiệp có đủ nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất...

VGTA cũng cho rằng, khi giá vàng miếng SJC thấp hơn giá vàng quốc tế từ 500 nghìn/lượng trở lên thì chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng xuất lậu vàng miếng SJC qua biên giới, khiến Nhà nước bị thất thu ngoại tệ và thuế.

Bởi vậy, việc đưa vào Dự thảo sửa đổi Nghị định 24 quy định cho phép doanh nghiệp xuất khẩu vàng miếng vào Dự thảo là phù hợp, góp phần huy động nguồn lực vàng trong dân, tái tạo ngoại tệ và ngăn chặn được tình trạng xuất lậu vàng miếng.

Ngoài ra, VGTA cũng kiến nghị NHNN xem xét bỏ việc cấp giấy phép khi đơn vị đã được NHNN cấp phép mua bán vàng miếng, mở thêm các điểm mua bán vàng miếng mới.

Đồng thời để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng (ở các tỉnh, thành phố trực thuộc tỉnh) được xem xét cấp giấy phép mua bán vàng miếng, chỉ cần quy định vốn điều lệ 10 tỷ đồng thay vì 100 tỷ đồng; giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp; có cửa hàng, mặt bằng và trang thiết bị đo lường, kiểm định vàng.

Từ đó tạo lập một hệ thống phân phối trên thị trường rộng khắp cho phép người dân ở mọi vùng miền đều được hưởng lợi, có điều kiện giao dịch thuận lợi…

Các chuyên gia cho rằng, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, NHNN cần phân hoạt động huy động vàng thành 2 loại hình: Huy động vàng từ tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển kinh tế sẽ thuộc chức năng của Nhà nước; còn doanh nghiệp kinh doanh vàng vay vàng của tổ chức, cá nhân để bổ sung nguồn vốn kinh doanh sẽ điều chỉnh theo quy định tại Điều 463 Luật Dân sự 2015 (hợp đồng vay tài sản) và Điều 7 quyền của doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp năm 2014…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ