Không nên lo ngại khi Omicron “lấn át” Delta

GD&TĐ - Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, việc số ca mắc Omicon tăng là điều bình thường. Bởi, nhiều người mắc nhưng không cần nhập viện. Trong khi đó, trẻ mắc Omicron có triệu chứng chỉ như sốt siêu vi.

Người dân được khuyến cáo tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19. Ảnh: HCDC.
Người dân được khuyến cáo tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19. Ảnh: HCDC.

76% ca mắc là Omicron

Ngày 22/2, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đã triển khai lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên các ca mắc Covid-19. Qua đó, giám sát sự lưu hành biến chủng Omicron trong cộng đồng. Kết quả ghi nhận từ ngày 10 - 17/2 cho thấy, trong 92 mẫu bệnh phẩm được chuyển đến Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, 70 mẫu có kết quả PCR sàng lọc dương tính với biến chủng Omicron.

Con số này chiếm tỷ lệ 76%. Lấy ngẫu nhiên 26/70 mẫu sàng lọc dương tính này để thực hiện giải trình tự gen, xác định 100% là biến chủng Omicron. Như vậy, Omicron đang là biến chủng gây bệnh chủ yếu tại thành phố.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh (HCDC), kết quả này phù hợp với tình hình dịch bệnh đang tăng trong thời gian gần đây.

Trước tình hình này, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Trong đó, tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2. Chiến dịch này sẽ kết thúc vào ngày 28/2. Bên cạnh đó, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng tiếp tục được đẩy mạnh. Người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm trẻ em béo phì.

Về ứng phó với Covid-19 ở trẻ em, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã họp với các chuyên gia chuyên ngành Nhi khoa về tổ chức, thu dung điều trị khi số trẻ em nhiễm bệnh tăng. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản để ứng phó với những tình huống có thể xảy ra khi số ca mắc tăng.

Cơ hội chấm dứt đại dịch

Bộ Y tế tối 22/2 công bố 55.879 ca nhiễm. Như vậy, số ca nhiễm ngày 22/2 tăng 9.010 so với hôm trước đó, gồm 16.143 ca được phát hiện ở khu cách ly, phong tỏa (tăng 2.257 ca), 39.728 ca cộng đồng (tăng 6.753 ca). Nhiều tỉnh phía Bắc ghi nhận số ca nhiễm tăng cao. Trong đó, Hà Nội ghi nhận 6.860 ca (tăng 1.383 so với hôm trước), Bắc Giang 2.842 ca (tăng 878), Lào Cai tăng 875 ca lên 2.056. Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 43.605 ca/ngày.

Chia sẻ về vấn đề này, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, cố vấn chuyên môn Khoa Nhiễm khuẩn - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) - nhận định, nhiều khả năng là Omicron sẽ lan ra cả nước.

Chuyên gia này dẫn chứng, tới nay, tại nhiều quốc gia, Omicron lấn át Delta và các biến thể khác. Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã tuyên bố hết đại dịch.

Do đó, theo bác sĩ Khanh, nếu số ca mắc Omicron tăng, người dân không cần quá quan tâm. Ông dẫn chứng, hiện, châu Âu không đếm số ca mắc Covid-19.

“Việc tăng số ca mắc là bình thường. Có thể nói, Thành phố Hồ Chí Minh tăng như vậy là chậm. Biến chủng Omicron xuất hiện cũng là điều bình thường. Bởi, nhiều người mắc nhưng không cần nhập viện. Trong khi đó, trẻ mắc Omicron có triệu chứng chỉ như sốt siêu vi. Do đó, không cần lo lắng”, bác sĩ Khanh cho biết.

Cũng theo chuyên gia này, số ca mắc Omicron tăng, nhưng không tăng bệnh nặng. Đặc biệt, Omicron gây bệnh nhẹ hơn, nhất là với người đã tiêm phòng Covid-19.

“Người dân nên tiêm 3 mũi vắc-xin Covid-19. Theo tôi, Omicron hiện nay là dấu hiệu chấm dứt của đại dịch”, bác sĩ Khanh nói.

Trong khi đó, bác sĩ Trần Văn Phúc - Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) - cho rằng, biến thể Omicron có sức lây nhiễm gấp 500% Delta. Vì vậy, sẽ khó có quốc gia nào đủ sức ngăn cản Omicron. Tuy nhiên, bác sĩ Phúc nhận định, biến thể Omicron là cơ hội để các nước thoát khỏi đại dịch Covid.

Bởi, hầu hết ca nhiễm không có triệu chứng, hoặc triệu chứng thoáng qua, bệnh nhẹ không cần phải can thiệp y tế. Bệnh nhân chỉ cần theo dõi tại nhà, dùng thuốc hạ sốt khi sốt cao trên 38,5 độ C trong những ngày đầu. Hầu hết bệnh nhân đều ổn định sau vài ngày.

“Đó là lý do Na Uy, Đan Mạch, rồi đến Thụy Điển, tiếp theo là các quốc gia châu Âu đã nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch, coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Họ chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch Covid-19 vào đầu tháng 4 này”, bác sĩ Phúc dẫn chứng.

Do đó, theo bác sĩ Phúc, đã đến lúc Việt Nam coi Covid-19 là bệnh lý đường hô hấp. Có nghĩa là Covid-19 cũng tương tự các bệnh đường hô hấp do những virus khác gây nên.

Điều đó đồng nghĩa là các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập Khoa Covid-19, hoặc đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân Covid-19. Thậm chí, có những khoa dành riêng phòng điều trị bệnh nhân Covid. Trong khi đó, công việc chẩn đoán và điều trị được giao cho bác sĩ lâm sàng.

“Nếu mắc kẹt trong cái bẫy mang tên “Đại dịch Covid-19”, khi biến thể Omicron đang bắt đầu tấn công ồ ạt, chúng ta sẽ đối mặt với khủng hoảng khan hiếm nghiêm trọng về kit xét nghiệm, nguồn nhân lực lao động, hệ thống y tế nguy cơ đổ vỡ. Nên thay đổi quan niệm về dịch bệnh để không bị khủng hoảng”, bác sĩ Phúc chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ