Chia sẻ thông tin trên, ngày 21/2, bác sĩ Trần Quang Bính (Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, nguyên trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết thêm, để chẩn đoán người bệnh tái dương hay tái nhiễm cần làm rất nhiều xét nghiệm, trong đó bắt buộc phải giải trình tự gene virus. Nếu hai bộ gene virus của hai lần dương tính giống nhau thì đây là ca tái dương. Còn kết quả hai bộ gene virus khác nhau (có thể có một thay đổi trên bộ gene hoặc là hai biến chủng khác nhau) và nuôi cấy thấy virus còn sống thì chắc chắn là tái nhiễm.
Ví dụ, một người nhiễm virus chủng Delta đã khỏi bệnh, vẫn có thể tái nhiễm chủng Omicron. Đây là lý do Bộ Y tế rút ngắn khoảng cách tiêm vắc xin mũi ba sau mũi hai còn 3 tháng thay vì 6 tháng như trước; đồng thời người đã khỏi Covid sẽ tiêm vắc xin ngay thay vì chờ 6 tháng như lâu nay.
Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc rút ngắn khoảng cách này nhằm tăng kháng thể để phòng chống lây nhiễm biến chủng Omicron.
Nguy cơ tái nhiễm Covid-19 nhiều lần
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định, những người từng nhiễm Covid-19 đã khỏi bệnh vẫn có nguy cơ tái nhiễm nhiều lần. Dù những lần tái nhiễm phần lớn ở thể nhẹ, nhưng không phải không có những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng người nhiễm.
Một công bố của WHO vào cuối tháng 12-2021 khẳng định, đã ghi nhận tình trạng tái nhiễm SARS-CoV-2 nhiều hơn 1 lần trên cùng một chủng hoặc khác chủng ở bệnh nhân Covid-19 được cho là đã khỏi bệnh tại nhiều quốc gia. Đồng thời, WHO cảnh báo các nước không nên lơ là công tác phòng dịch trước làn sóng biến chủng mới của Covid-19 là Omicron.
Theo WHO ghi nhận từ thực tế, hiện vẫn có khoảng 2% số người từng nhiễm Covid-19 tái nhiễm nhiều hơn 1 lần. Thời gian tái nhiễm kể từ lần nhiễm đầu tiên cũng ngắn hơn, chỉ khoảng 2-3 tháng sau khi bệnh nhân được công bố hết bệnh, trong khi nguyên tắc là người đã nhiễm sẽ không tái nhiễm trong vòng 6-9 tháng kể từ khi khỏi bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài.
Ngoài ra, mức độ sinh kháng thể của mỗi người từng dương tính với SARS-CoV-2 là khác nhau, ở một số trường hợp thì mức độ kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh không đủ để bảo vệ cơ thể nên vẫn có nguy cơ tái nhiễm.
Phần lớn các ca tái nhiễm nếu đã được tiêm vắc xin thì thường ở thể nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhưng ở một số bệnh nhân vẫn có thể trở nên trầm trọng hơn nếu các virus này xâm nhập vào phổi khi cơ thể không đủ khả năng để chống lại.
Trao đổi với Báo Đồng Nai về việc phòng tránh nhiễm và tái nhiễm Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, tuy hầu hết bệnh nhân tái nhiễm đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng vẫn có khả năng lây cho người khác. Do đó, ngành Y tế khuyến cáo những người đã nhiễm Covid-19 vẫn phải tiêm vắc xin ngừa Covid-19 đủ 2 mũi và 1 mũi tăng cường để bảo vệ mình và cộng đồng; đồng thời, vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch 5K như: đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… để ngăn chặn Covid-19 lây lan trong cộng đồng.
Người đã khỏi bệnh có nguy cơ tái nhiễm Covid-19 vì lý do gì?
Các chuyên gia y tế cho biết, sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, lượng kháng thể trong cơ thể được tạo ra có thể không đủ mạnh hoặc tồn tại không đủ lâu để giúp bệnh nhân miễn nhiễm hoàn toàn với bệnh trong thời gian dài.
Báo Quân đội nhân dân đưa tin, một nghiên cứu của Đan Mạch được công bố vào tháng 3 vừa qua cho thấy, hầu hết những người mắc Covid-19 sẽ không tái nhiễm trong vòng 6 tháng.
Một nghiên cứu khác do chuyên gia miễn dịch của Đại học Pittsburgh John Alcorn tiến hành chỉ ra rằng mức độ sinh kháng thể của mỗi cá nhân từng dương tính với SARS-CoV-2 là khác nhau và ở một số trường hợp thì mức độ kháng thể được sinh ra sau khi nhiễm bệnh là không đủ để bảo vệ cơ thể khỏi tái nhiễm.
Theo ông Philip Tierno Jr, Giáo sư vi sinh học và bệnh lý học thuộc Đại học New York, sau khi xâm nhập vào cơ thể, các virus có thể ở trạng thái bất hoạt với rất ít triệu chứng. Tuy nhiên, tình trạng của một số bệnh nhân có thể trở nên trầm trọng hơn nếu các virus này xâm nhập vào phổi khi cơ thể không đủ khả năng để chống lại.
Ngoài lý do về lượng kháng thể sinh ra sau khi khỏi bệnh không đủ mạnh để bảo vệ cơ thể, thì việc xuất hiện thêm các biến chủng mới nguy hiểm hơn cũng được xem là nguyên nhân cho tình trạng tái dương tính đối với bệnh nhân Covid-19.
Thời gian qua, nhiều biến thể đáng lo ngại như biến thể Alpha (B.1.1.7), biến thể Beta (B.1.315), biến thể Gamma (P.1), biến thể Delta (B.1.617.2) và mới đây nhất là biến thể Omicron (B.1.1.529) được phát hiện. Các chủng này đều có khả năng lây lan nhanh chóng với các virus đột biến nguy hiểm. Vì thế, khả năng mắc một chủng khác đối với những người từng nhiễm Covid-19 là hoàn toàn có thể.
Tuy nhiên, kết quả một nghiên cứu mới đây ở Qatar được đăng trên Tạp chí Y học New England cho thấy, những trường hợp tái nhiễm SARS-CoV-2 là rất ít và tỉ lệ nhập viện hoặc tử vong của những trường hợp tái nhiễm giảm tới 90% so với những trường hợp nhiễm lần đầu.
Theo nghiên cứu, trong tổng số 353.326 người mắc Covid-19 ở Qatar, có rất ít người tái dương tính và thường không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Và khoảng cách tái nhiễm là 9 tháng. Trong số 1.304 ca tái dương tính, chỉ có 4 trường hợp có diễn biến nghiêm trọng và phải nhập viện. Tuy nhiên, trong số này không có ca nào cần phải chăm sóc đặc biệt.
Trong khi đó, số ca nguy kịch trong lần nhiễm đầu là 28 ca. Đặc biệt hơn, số ca tử vong trong lần nhiễm đầu tiên là 7 ca, nhưng con số này đối với trường hợp tái nhiễm là 0 trường hợp.
Nói về nghiên cứu này, Tiến sĩ Kami Kim - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm lưu ý rằng, mọi người nên cẩn thận để không hiểu sai rằng nếu đã từng nhiễm Covid-19 thì không cần phải tiêm vắc xin nữa.
Theo Tiến sĩ Kami Kim, điều này giống như việc bạn đặt câu hỏi có nhất thiết phải thắt dây an toàn khi đã có túi khí hay không vậy. Bạn đã có túi khí không có nghĩa là dây an toàn không có tác dụng gì cả và ngược lại. Sẽ thật tốt nếu bạn có sự bảo vệ của cả hai.
Tuy hầu hết bệnh nhân tái nhiễm đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có khả năng lây cho người khác. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo những người đã nhiễm Covid-19 vẫn phải tiêm ngừa Covid-19 đầy đủ bởi tiêm vắc xin không chỉ để bảo vệ một cá nhân nào đó mà là bảo vệ cả cộng đồng.
Việc tiêm vắc xin để đạt được miễn dịch cộng đồng cần có sự tham gia của những người từng nhiễm Covid-19. Ngoài ra, những người đã từng mắc SARS-CoV-2 vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách… để ngăn chặn Covid-19 lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là những nơi có độ bao phủ vắc xin thấp hơn trên thế giới.
13 triệu chứng nhiễm Omicron ở người đã tiêm đầy đủ vắc xin Covid-19
Báo Sức khoẻ đời sống đăng tải thông tin, một nghiên cứu mới nhất liệt kê 13 triệu chứng nhiễm Omicron mà những người đã được tiêm chủng Covid-19 đầy đủ thường gặp phải.
Danh sách đầy đủ các triệu chứng nhiễm biến thể Omicron bao gồm:
Ho
Sổ mũi
Mệt mỏi
Viêm họng
Đau đầu
Đau cơ
Sốt
Hắt xì
Giảm cảm giác thèm ăn
Giảm khả năng vị giác
Giảm khả năng khứu giác
Thở nặng nhọc
Đau bụng
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí dịch tễ học Eurosurveillance này đã xem xét các trường hợp nhiễm trùng được ghi lại tại một bữa tiệc Giáng sinh được tổ chức ở Oslo, Na Uy, vào ngày 30/11/2021.
Người ta thấy rằng 66 trong số 117 người tham dự đã xác nhận nhiễm biến thể Omicron. Một trong những người tham dự được cho là đã trở về từ Nam Phi - nơi biến thể Omicron được báo cáo lần đầu - chỉ hai ngày trước bữa tiệc.
Các chuyên gia cũng phát hiện ra rằng, một trong những người tham dự đã bị nhiễm biến thể Delta. Độ tuổi trung bình của những người được phát hiện nhiễm coronavirus là 38. Khoảng 88% số người đã được tiêm hai liều vắc xin Covid-19. Các nhà khoa học đã hỏi những người tham dự về các triệu chứng mà họ trải qua trong thời gian nhiễm biến thể Omicron.
Ho là triệu chứng thường gặp nhất, với 83% số người nhiễm gặp phải triệu chứng này. Tiếp theo là mệt mỏi (74%), đau họng (72%) và đau đầu (68%). Giảm khứu giác (12%), khó thở (12%) và đau bụng (6%) là những người nhiễm biến thể Omicron ít trải qua nhất.