Lỗ hổng khi đối phó Omicron

GD&TĐ - Hồng Kông đang đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 tồi tệ nhất với số ca nhiễm mới hàng ngày liên tục đạt kỷ lục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Khủng hoảng tại Hồng Kông đang lớn hơn đợt dịch đầu tiên diễn ra tại Vũ Hán, Trung Quốc, do biến chủng Omicron dễ lây lan. Tuy nhiên, các biện pháp phòng chống Covid-19 của Hồng Kông còn nhiều lỗ hổng.

Năm 2021, Hồng Kông kiên định với chiến lược “zero Covid” gồm các quy tắc như quản lý xã hội nghiêm ngặt, giới hạn di chuyển quốc tế, truy vết nhanh chóng và bắt buộc người nhiễm bệnh phải nhập viện…

Những biện pháp mạnh mẽ đã cho thấy hiệu quả khi số ca nhiễm và số ca tử vong ở Hồng Kông được kiểm soát. Trong hầu hết năm 2021, chiến lược “zero Covid” đã giữ cho mức độ lây nhiễm ở Hồng Kông ở mức thấp.

Sau đó là sự xuất hiện của Omicron cùng với các quốc gia trên thế giới lần lượt thử nghiệm trạng thái “bình thường mới”, khiến chiến lược “zero Covid” bị lung lay.

Bà Carrie Lam, Trưởng đặc khu Hồng Kông, khẳng định sẽ không phong tỏa toàn thành phố mà chỉ phong tỏa một căn hộ hoặc tòa chung cư có người nhiễm bệnh. Ngoài ra, nhà chức trách dự định xét nghiệm cho tất cả 7,5 triệu dân để kiểm soát dịch.

Lợi dụng công tác xét nghiệm diện rộng bị đình trệ, biến chúng Omicron đã len lỏi qua tường thành chống dịch và bắt đầu bùng phát từ hàng chục viện dưỡng lão rồi lan rộng ra toàn thành phố. Từ chỗ chỉ có hơn 100 ca nhiễm mới theo ngày, số ca mắc mới của Hồng Kông đã vượt quá 6.000 ca.

Như vậy, khi chiến dịch xét nghiệm diện rộng chưa kịp triển khai và phát huy tính hiệu quả, số lượng bùng phát nghiêm trọng của Omicron đã dập tắt kế hoạch này. Hồng Kông đã tuột mất cơ hội thực hiện “zero Covid” khi khả năng truy vết lây nhiễm không còn khả thi trong thời điểm hiện tại.

Sở dĩ đợt dịch này tấn công Hồng Kông tương đối nghiêm trọng vì nó khơi mào từ viện dưỡng lão có nhiều người trên 70 tuổi. Trong khi chỉ khoảng 40% người trên 80 tuổi ở Hồng Kông đã tiêm mũi đầu, khiến họ chịu rủi ro cao. Nhiều bệnh nhân lớn tuổi xếp hàng ngoài trung tâm y tế, bệnh viện nhưng không còn giường trống.

Tình cảnh trên tạo nên áp lực vô cùng lớn đối với lực lượng y tế và tuyến đầu chống dịch tại Hồng Kông. Các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải, phải dựng lều điều trị.

Ngày 20/2, ông Edwin Tsui Lok-kin, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Sức khoẻ, Cơ quan Y tế Hồng Kông, kêu gọi người dân thông cảm khi phải ngồi nhà chờ được nhập viện hoặc đưa đi cách ly. Các nhà chức trách đang gấp rút chuyển phòng khách sạn thành trung tâm cách ly để giảm áp lực cho các bệnh viện, trung tâm y tế.

Cùng với đó, chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu ưu tiên kiểm soát Covid-19, đồng thời cử cố vấn hỗ trợ Hồng Kông phòng chống dịch. Tuy nhiên, Bắc Kinh sẽ không thể áp dụng chiến lược “zero Covid” như đã thành công đối với Vũ Hán hay Tây An tại Hồng Kông trước bối cảnh lây nhiễm và khủng hoảng nặng nề như hiện nay.

Do đó, dù đã muộn, Hồng Kông vẫn phải tiếp tục tiến hành xét nghiệm diện rộng, ít nhất để kiểm soát các thiệt hại theo chiều hướng xấu hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thái Nguyên khai mạc Mùa du lịch năm 2024.

Thái Nguyên khai mạc năm du lịch 2024

GD&TĐ - Ngày 25/4, tại Khu du lịch Hồ Núi Cốc, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức Khai mạc du lịch năm 2024 với chủ đề “Từ trải nghiệm tới trái tim”.