Không nên 'đổ dầu vào lửa' khi phát hiện con yêu sớm

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xã hội phát triển, việc trẻ dậy thì sớm, có cảm xúc với bạn khác giới hoặc yêu sớm không phải là điều lạ.

Việc trẻ có cảm xúc với bạn khác giới là hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa.
Việc trẻ có cảm xúc với bạn khác giới là hoàn toàn bình thường. Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, khi đối mặt với việc con yêu sớm, phản ứng của phụ huynh cũng khác nhau. Trong khi một số phụ huynh bình tĩnh, chấp nhận, thì nhiều cha mẹ cảm thấy “sốc tâm lý”.

Tình yêu là động lực cho trẻ

Khi phát hiện con mình có tình cảm với người khác giới, không ít phụ huynh sẽ tìm mọi cách ngăn cản. Đồng thời, giảng giải về hàng loạt tác hại của việc yêu sớm. Tuy nhiên, thực tế, các phụ huynh không biết rằng, nếu quan tâm tới trẻ hơn, chú ý quan sát, chuyện trò, tâm sự cùng con từ rất sớm, chưa chắc, cha mẹ đã cảm thấy sốc và căng thẳng như vậy.

Xu hướng trẻ có tình cảm với bạn khác giới trong lúc còn đi học là vấn đề hoàn toàn bình thường. Điều đó khiến các phụ huynh khá đau đầu trong việc nên làm gì để không gây tác động tiêu cực cũng như định hướng đúng cho con. Dù có rất nhiều câu chuyện tình đẹp của các cặp “gà bông”, nhưng nếu không cẩn thận, cách yêu của trẻ cũng có thể để lại nhiều hệ quả.

Trong suy nghĩ của cha mẹ, các con lúc nào cũng là những cô, cậu bé và cần được bảo vệ. Cha mẹ lo rằng, con sẽ bị tổn thương, phân tâm và xao nhãng việc học. Bên cạnh đó, không ít trường hợp đau lòng bắt nguồn từ tình cảm học trò khi trẻ không kiểm soát được cảm xúc. Nguyên nhân chính là do thiếu kiến thức về giới tính và cách bảo vệ bản thân. Tất cả những điều này khiến nhiều phụ huynh cảm thấy căng thẳng, la mắng và cấm trẻ yêu.

Theo chị Ngô Thị Thu Hiền - giáo viên kỹ năng sống tại Câu lạc bộ Kỹ năng sống Cara, hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội, tác động của môi trường, chế độ ăn, dinh dưỡng khiến trẻ dậy thì sớm hơn. Người xưa có câu Nữ thập tam, nam thập lục.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, con trai từ 14 - 15 tuổi và con gái từ 10 - 12 tuổi đã bắt đầu dậy thì. Ở tuổi dậy thì, trẻ bắt đầu có những thay đổi về tâm sinh lý. Khi đó, trẻ thích tâm sự trò chuyện cùng bạn bè và muốn có cảm giác được quan tâm từ bạn khác giới.

Ngoài ra, sự phát triển dày đặc của các trang mạng xã hội, phim ảnh đã tác động đến nhận thức của trẻ. Điều đó góp phần khiến các em tò mò và bắt đầu có tình cảm với người khác giới.

Thực tế cho thấy, nhiều câu chuyện tình thời ngồi trên ghế nhà trường thường không đi đến đích và thậm chí để lại rất nhiều bài học đau thương: Bỏ học, bỏ nhà ra đi vì mang thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh truyền nhiễm, tự kỷ và thậm chí là tự tử… Nhiều câu chuyện gây chấn động dư luận, khiến phụ huynh càng thêm hoang mang khi phát hiện con mình bắt đầu có tình cảm đặc biệt với một bạn khác giới.

Song, theo cô Thu Hiền, đa phần các phụ huynh chỉ nhìn thấy mặt trái, tiêu cực của tình yêu tuổi học trò. Do đó, họ không đồng ý cho con mình yêu ở độ tuổi này. Điều đó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình giáo dục kỹ năng sống trẻ em. Phụ huynh thường không nhìn ra mặt tích cực của tình yêu tuổi học trò. Trong khi thực tế, đó là động lực để con học tốt hơn, chỉn chu hơn, bắt đầu biết quan tâm đến bản thân và mọi người.

“Nếu ở độ tuổi này, cha mẹ quá gắt gỏng hay cố ý ngăn cản chuyện tình cảm của con trẻ thì không những không đạt hiệu quả, mà còn phản tác dụng. Trẻ sẽ càng cố chấp và muốn đi ngược lại với những lời cha mẹ. Do vậy, trong tình huống này, cha mẹ cần khéo léo và nhạy bén”, nữ giáo viên chia sẻ.

Trước hết, phụ huynh cần bình tĩnh và chấp nhận tình yêu đó một cách nhẹ nhàng. Cha mẹ cần lùi lại một bước, tĩnh tâm lại trước khi hành động quá khắt khe với con. Điều đó sẽ góp phần quan trọng trong quá trình giáo dục kỹ năng sống trẻ em.

Cha mẹ nên cởi mở với bạn của con mình. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên cởi mở với bạn của con mình. Ảnh minh họa.

Trở thành bạn của con

Các phụ huynh nên nhớ rằng, ở lứa tuổi dậy thì, nếu cha mẹ càng cấm đoán thì càng khiến trẻ nảy sinh trạng thái tâm lý chống đối. Điều đó vừa khiến trẻ phát triển suy nghĩ theo lối tiêu cực, vừa khó có thể dẫn dắt, giáo dục. Do đó, phụ huynh cần tạo niềm tin cho trẻ rằng, mình là những ông bố, bà mẹ tâm lý để con hoàn toàn tin tưởng.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên trở thành bạn của con. Theo cô Thu Hiền, đây là phương pháp giáo dục kỹ năng sống trẻ em vô cùng hiệu quả. Ở lứa tuổi dậy thì, trẻ có xu hướng muốn tâm sự với bạn nhiều hơn cha mẹ. Thậm chí, trẻ có thể nghe bạn bè hơn cha mẹ. Do vậy, sẽ tuyệt hơn khi cha mẹ có thể làm bạn với trẻ. Khi đó, phụ huynh có thể dễ dàng chia sẻ, đưa lời khuyên cho trẻ. Trẻ cũng sẽ cảm nhận rằng con được tôn trọng, thấu hiểu và quan tâm.

“Tình yêu tuổi học trò không còn là hiện tượng lạ. Nếu chưa biết nói chuyện với con như thế nào, hãy bắt đầu chia sẻ về những câu chuyện tuổi teen của mình, về mối tình cấp 2… Hãy để trẻ thấy mình đồng cảm và thấu hiểu cảm xúc của con. Hãy hướng con đến những mặt tích cực của tình yêu tuổi nổi loạn, chứ không phải những mặt tiêu cực như các con và mọi người đọc được trên báo mạng”, chị Thu Hiền cho biết.

Đa số các phụ huynh thường đè nặng mặt trái của tình yêu tuổi học trò và cho đó là cơ sở để ngăn cấm, ép buộc con không được yêu khi còn đang trên ghế nhà trường. Việc phụ huynh lo lắng cho con, sợ trẻ vướng phải những mặt trái của yêu sớm là không sai. Tuy nhiên, hãy là những vị phụ huynh nhạy bén, tinh tế.

Để cải thiện kỹ năng sống trẻ em, vấn đề tâm sinh lý của con, cha mẹ không nên quá đè nặng mặt trái của tình yêu tuổi học trò mà cấm đoán. Thay vào đó, hãy cho con thấy những mặt tích cực của tình yêu tuổi học trò. Đó là một tình yêu trong sáng, hồn nhiên và tránh xa những biểu hiện tiêu cực của tình yêu.

“Khát khao yêu và được yêu là một biểu hiện tâm sinh lý bình thường. Vì vậy, cha mẹ không nên quá đặt nặng và xử lí gay gắt mà nên bình tĩnh, khéo léo để trở thành bạn của con và đưa cho trẻ những lời khuyên hợp lý. Hãy giúp trẻ biến tình yêu trở thành động lực cùng tiến bộ”, nữ giáo viên cho biết.

Cha mẹ nên trở thành người bạn của con. Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên trở thành người bạn của con. Ảnh minh họa.

Chấp nhận cảm xúc của con

Trong khi đó, theo chuyên gia, Thạc sĩ Khoa học giáo dục Nguyễn Thị Lanh, ở lứa tuổi dậy thì, việc bước vào một mối quan hệ lãng mạn là điều bình thường. Điều đó xuất phát từ cảm xúc tự nhiên của trẻ.

Mặc dù vậy, không phải cha mẹ nào cũng thoải mái chấp nhận điều đó. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, cha mẹ nên vui vẻ làm quen với bạn của con. Việc gặp gỡ bạn của con giúp cha mẹ hiểu hơn về gu của trẻ. Điều này cũng giúp cha mẹ có một cái nhìn khác về quan điểm, cũng như cách đánh giá về con người của trẻ.

Bên cạnh đó, việc cha mẹ vui vẻ làm quen với bạn của con sẽ giúp củng cố sự ủng hộ chân thành của phụ huynh với mối quan hệ của trẻ. Dù chuyện tình cảm đó đi được bao xa, quan trọng hơn tất cả là điều này tạo nền tảng cho sự giao tiếp cởi mở hơn giữa cha mẹ và trẻ.

“Nhiều cha mẹ không chấp nhận việc con đã lớn và tỏ ra thờ ơ, không tin tưởng, thậm chí dè bỉu mối quan hệ của con. Đừng cười nhạo cảm xúc của con, dù cho đó là tình cảm ngô nghê nhất. Con bạn đã ở tuổi dần có thể quyết định được mọi việc cá nhân. Do đó, đừng gò ép con vào những quyết định mà cha mẹ đưa ra”, bà Nguyễn Thị Lanh cho biết.

Ví dụ, nếu con muốn hẹn hò với bạn gái vào buổi tối giữa tuần, cha mẹ nên lắng nghe trẻ trao đổi lý do và chấp thuận nếu thấy hợp lý. Việc nói không với đề nghị của con trong khi không giải thích lý do tại sao sẽ chỉ khiến chúng tìm cách giữ bí mật với cha mẹ. Phụ huynh cũng nên tỏ thái độ hoan nghênh đối với những mối quan hệ tình cảm mới chớm nở của trẻ và sẵn sàng hướng dẫn con bất cứ khi nào.

Bên cạnh đó, cha mẹ không nên ép con cho xem tin nhắn, hoặc lén xem tin nhắn của trẻ. Cha mẹ làm như vậy xuất phát từ những nỗi lo thực tế có thể sai lầm, vấp ngã. Tuy nhiên, hành động đó có thể khiến cha mẹ trở nên độc đoán và xen vào chuyện của con một cách không cần thiết.

Cha mẹ nên nhắc nhở con về tầm quan trọng của việc nói “Không” trong những tình huống chúng thấy không thoải mái. Nên cung cấp cho con những chỉ dẫn về việc cần làm, nếu chúng thấy không thoải mái khi bị bạn trai hoặc bạn gái gây sức ép.

Ngoài ra, phụ huynh cũng nên dạy con tôn trọng bạn của mình. Khi hai đứa trẻ có thể thiết lập ranh giới của riêng chúng và có sự tôn trọng với nửa kia, đó sẽ là một mối quan hệ lành mạnh như cha mẹ mong đợi.

“Sự tin tưởng từ cha mẹ sẽ cho phép trẻ học suy nghĩ cho bản thân nhiều hơn. Nên dạy con biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Điều đó sẽ giúp trẻ tự tin đưa ra những quyết định đúng trong các mối quan hệ cá nhân”, chuyên gia Nguyễn Thị Lanh cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ