Trẻ yêu sớm có tốt không?

GD&TĐ - Học sinh yêu sớm đã trở thành hiện tượng không còn xa lạ. Tuy nhiên, yêu sớm có tốt không vẫn là câu hỏi khiến nhiều người phải thắc mắc.

Cha mẹ cần phân tích cho trẻ hiểu được tác hại của việc yêu sớm.
Cha mẹ cần phân tích cho trẻ hiểu được tác hại của việc yêu sớm.

Mải yêu quên cả học

Cô giáo Nguyễn Thị Hòa (Trường THPT Ứng Hòa B, Hà Nội) cho rằng, ở một khía cạnh nào đó, khi có bạn bè ở bên cạnh, quan tâm, yêu thương, các em sẽ không cảm thấy đơn độc, lạc lõng. Các em sẽ có người cùng học, cùng chơi, cùng bảo vệ lẫn nhau. Các em có thêm người đồng hành để cố gắng học tập nếu như cùng lứa tuổi. Còn nếu các em yêu người lớn tuổi hơn sẽ được họ dìu dắt để trưởng thành.

Thế nhưng, điều khó quản lý nhất chính là mải mê yêu đương khiến các em dễ sa đà mà quên đi nhiệm vụ chính là học tập. Kết quả học tập bị ảnh hưởng, khả năng vượt qua các kỳ thi yếu. Rất có thể các em sẽ thi trượt trong những kỳ thi quan trọng.

Nếu đi quá đà, nhiều học sinh ăn phải “trái cấm” nhưng không có biện pháp bảo vệ an toàn, các em có thể bị lây nhiễm các bệnh nguy hiểm qua đường tình dục. Cũng có thể các em gái có thai ngoài ý muốn, dẫn đến nạo phá thai hoặc là sinh con trước tuổi 18. Rất nhiều hệ lụy có thể xảy ra nếu như các em không kiểm soát được hành vi của mình.

Theo cô Hòa, nhà trường và gia đình luôn luôn có sự gắn kết, trao đổi thông tin để nắm bắt tâm tư tình cảm của các em. Cần có những phân tích để học sinh hiểu được nhiều tác hại của việc yêu sớm trong học đường.

Thực tế, nhiều học sinh bị ảnh hưởng tâm lý dẫn đến học hành sa sút sau những cuộc chia tay hay cãi vã với người yêu. Khi yêu nhau với độ tuổi sớm như vậy, học sinh sẽ tự nghĩ đó chưa phải là cuộc hôn nhân. Các bạn chưa đủ chín chắn để cảm thông, thấu hiểu cho nhau. Như vậy rất dễ dẫn đến những bất hòa, cãi vã, những cuộc tranh cãi không đáng có.

Từ đó có những suy nghĩ và hành động bồng bột gây nên nhiều hậu quả xấu. Vì mọi thứ còn chưa đủ, chưa sẵn sàng, chưa chấp nhận và sẽ dẫn đến chia tay sớm và gây tổn thương cho nhau.

Yêu sớm không còn hiếm nên nhiều người đã thoáng trong quan niệm và cho rằng “chuyện bình thường”. Thế nhưng, đây vẫn được xem là một việc đi ngược lại với những lý lẽ thông thường. Mọi người biết trẻ yêu sớm thì sẽ có cái nhìn khác về con. Họ sẽ nhìn về những điều tiêu cực nhất có thể xảy ra và sẽ bình luận về điều đó. Chưa kể đến những tai tiếng ấy sẽ đến tai bố mẹ và họ sẽ nghĩ như thế nào về con mình.

Ngoài ra, nếu có thai ngoài ý muốn thì tất cả mọi người sẽ chỉ trích, gièm pha. Họ sẽ đánh giá thấp về trẻ và sẽ ảnh hưởng lớn đến tương lai của con.

Dễ gây hậu quả không mong muốn

Cô Hòa cho rằng, nếu nói tình yêu tuổi học trò đều không tốt thì cũng chưa hẳn, bởi có rất nhiều cặp đôi yêu nhau từ thời đi học đến khi cả hai có sự nghiệp vững vàng thì vẫn kết hôn đấy thôi. Thế nhưng, chúng ta vẫn nên nhìn nhận rằng được thì ít mà mất thì nhiều, không phải ai cũng dễ dàng có được hạnh phúc như thế bởi vì phải đánh đổi rất nhiều.

Tuổi teen hay còn được gọi là “tuổi nổi loạn” với nhiều hành vi bốc đồng, khó kiểm soát ham muốn của bản thân nên dễ gây ra những hậu quả đáng tiếc. Do đó, chúng ta nên phổ cập kiến thức cũng như cách hành xử đúng mực cho chính mình.

Học sinh cũng nên chuẩn bị những hành trang bước vào đời để không bị cám dỗ và có nhìn nhận thực tế hơn trong chuyện tình cảm.

“Tình yêu tuổi học trò là thứ tình cảm thuần khiết nhất vì ở độ tuổi đó bạn vẫn chưa có cái nhìn về tương lai sau này. Nên chúng ta sẽ chỉ nghĩ đơn giản yêu là trao cho nhau những điều tốt đẹp nhất chứ không nghĩ những hậu quả do suy nghĩ non kém gây ra”, cô Hòa khuyên các em học sinh.

Cũng theo cô giáo này, khi người trong cuộc chưa đủ chín chắn để suy nghĩ những điều hại cho bản thân và tương lai thì họ lại dễ đi sai đường. Đặc biệt với sự tò mò về tâm sinh lý giới tính của mình khiến cho các bạn trẻ dễ mắc sai lầm. Rất nhiều bạn yêu ở lứa tuổi học trò phải từ bỏ con đường học tập của mình để chăm lo cho cuộc sống gia đình quá sớm, đó là điều rất đáng tiếc.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới việc học hành, tình trạng học sinh yêu sớm và có những quan hệ thân mật, gần gũi, đi quá giới hạn cho phép còn có thể gây ra những tổn thương lớn cả về thể chất lẫn tinh thần đối với những “người trong cuộc”. Trong trường hợp này chịu nhiều thiệt thòi nhất thường thuộc về các nữ sinh.

Trên thực tế, nhiều nữ sinh tỏ ra bối rối, không biết xử trí ra sao khi lỡ ăn “trái cấm” và kết quả là, cái thai trong bụng cứ lớn dần lên trong khi các em chưa đủ các điều kiện để làm mẹ. Khi đối mặt với hoàn cảnh này, đa số nữ sinh đã phải “nhắm mắt đưa chân” chấp nhận đi nạo hút thai để được tiếp tục đến trường.

Trong số đó không ít bạn do mặc cảm, xấu hổ, sợ gia đình, thầy cô và bạn bè biết chuyện sẽ gièm pha, đàm tiếu, nhiều em đã tự tìm đến các cơ sở phá thai tư nhân để giải quyết hậu quả bất chấp những nguy hiểm có thể xảy ra. Sau khi phá thai nhiều em rơi vào tình trạng hụt hẫng, suy sụp tinh thần, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt và học tập.

Trong một số trường hợp do phát hiện muộn, cái thai trong bụng đã quá lớn, không thể phá bỏ, bản thân nữ sinh phải bỏ dở việc học còn gia đình phải chạy đôn chạy đáo tìm cách “hợp lý hóa” đứa trẻ sắp chào đời.

Không chỉ yêu sớm, thể hiện tình yêu một cách bạo dạn, quá trớn ngay cả trong lớp học hay ở nơi công cộng gây phản cảm. Nhiều bạn trẻ có sở thích muốn ghi lại những “khoảnh khắc đáng nhớ” bằng các thiết bị chụp ảnh, ghi hình đã gây ra những tác động xấu. Nhất là khi những hình ảnh, clip “riêng tư” ấy được phát tán rộng rãi trên mạng.

Do suy nghĩ nông nổi, hầu hết những tấm ảnh “nóng”, clip “nóng” được tạo ra đều do sự đồng ý của cả hai. Tuy vậy khi những khúc mắc xảy ra, hình ảnh “riêng tư” ấy bị phát tán thì “người trong cuộc” thường phải đối mặt với sự phản ứng từ dư luận xã hội, sự chỉ trích, phê phán từ phía bạn bè, gia đình và người thân. Mọi chuyện có thể đi quá đà, thậm chí dẫn tới những bi kịch khi nạn nhân của những tấm ảnh, clip “nóng” cùng quẫn, bế tắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.