(GD&TĐ) - Mấy năm gần đây, đề thi Đại học, Cao đẳng đều theo hướng 3 chung, và điểm sàn cũng được chọn là một điểm chung cho mỗi khối thi trong cả nước. Mỗi khối thi có một điểm sàn nhất định, các trường cứ bám vào đó làm căn cứ để xét tuyển.
PGS.TS.NGƯT Nguyễn Văn Yến - Trưởng Ban Thanh tra Đại học Huế: Điểm sàn không hề gây khó
Chất lượng đào tạo kỹ sư và cử nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó, một yếu tố có tính chất quyết định đó là chất lượng đầu vào.
Điểm sàn là một chuẩn mực chung để các trường làm căn cứ tuyển chọn thí sinh. Tạo điều kiện cho các trường công lập và ngoài công lập tuyển được đầu vào có chất lượng cao, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo sự đồng đều về chất lượng đào tạo giữa các trường.
Điểm sàn được xác định một cách khoa học, công khai dân chủ: Căn cứ vào kết quả thi từng năm, từng khối thi, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh của các trường trong cả nước, được bàn bạc thống nhất trong Hội nghị các Hiệu trưởng - đảm bảo tổng số thí sinh có điểm thi trên điểm sàn lớn hơn 1, 2 lần tổng chỉ tiêu tuyển sinh. Nguồn thí sinh trên điểm sàn là rất lớn. Như vậy, điểm sàn không hề gây khó cho các trường trong vấn đề tuyển sinh.
Nguyễn Thị Diệp – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Cát Quế B (Hoài Đức, Hà Nội): Mỗi khối thi có một điểm sàn nhất định
Bà Nguyễn Thị Diệp |
Nhìn lại mấy năm gần đây, điểm sàn quá thấp so với yêu cầu của một sinh viên Đại học. Chẳng hạn năm 2011, điểm sàn hệ Đại học các khối A, D là 13, khối B, C là 14.
Năm 1012 điểm sàn hệ Đại học khối A là 13, khối B là 14, khối C là 14,5 và khối D là 13,5. Hệ Cao đẳng thấp hơn 3 điểm cùng khối.
Như vậy, điểm sàn của khối thi cao nhất vẫn chưa đạt mức trung bình mỗi môn 5 điểm. Đầu vào chưa đủ để đạt là một học sinh mức trung bình, như vậy là quá thấp, tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Nói như vậy không có nghĩa là tất cả, bởi đa số các trường đều lấy điểm chuẩn cao hơn điểm sàn. Chỉ trừ một số trường dân lập không đủ chỉ tiêu mới phải lấy đến điểm sàn – thậm chí có khi dưới sàn.
Là phụ huynh học sinh đồng thời là một nhà giáo, tôi có một vài ý kiến như sau:
1.Thi Đại học, Cao đẳng vẫn theo hướng 3 chung, vì thế nên chọn điểm sàn chung cho mỗi khối thi trên toàn quốc như cách tính mọi năm.
2. Điểm sàn chung nhất cho mỗi khối thi căn cứ vào điểm đa số của thí sinh năm đó.
3. Điểm sàn phải ít nhất từ 15 điểm và không có điểm không (0) (vì 3 môn x 5 điểm = 15). Như vậy cũng mới chỉ đạt mức học sinh trung bình. Nếu thí sinh nào không đủ điểm thi sẽ nhường cơ hội cho thí sinh khác tuyển theo nguyện vọng 2.
4. Không cần áp dụng điểm sàn theo khu vực nữa bởi mỗi khu vực đã có điểm ưu tiên cộng vào rồi. Điểm sàn này áp dụng đối với tất cả các trường Đại học trên toàn quốc không phân biệt công lập hay dân lập. Nếu trường dân lập nào không tuyển đủ chỉ tiêu, là do chất lượng trường đó chưa thu hút nhiều thí sinh giỏi đến dự thi. Kiên quyết không hạ điểm sàn để đảm bảo chất lượng đầu vào cũng như đầu ra.
5. Một số năm gần đây, việc tuyển sinh vào các trường sư phạm mới chỉ chú ý đến tổng điểm mà “quên” điểm của môn được đào tạo để đứng lớp sau này. Theo tôi, riêng sinh viên sư phạm, ngoài việc đủ điểm sàn thì môn đào tạo phải đạt ít nhất điểm 5 (Sư phạm văn thì phải đạt điểm 5 môn văn, sư phạm Toán phải đạt điểm 5 môn toán…). Không thể chấp nhận một giáo viên văn mà thi đại học được có 2 - 3 điểm văn được. Có như vậy khi ra trường đứng lớp, người giáo viên mới có kiến thức cơ bản tối thiểu của phổ thông.
Tuyển sinh là một bài toán không dễ gì có ngay lời giải. Nhưng để tuyển sinh có chất lượng và phục vụ nhu cầu học tập của đông đảo bạn trẻ, thiết nghĩ nên quy định chặt chẽ hơn về điểm sàn để tuyển dụng được những sinh viên thật sự có kiến thức. Không nên dễ dãi đầu vào, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của sinh viên.
Từ ngày 2/3, Báo Giáo dục & Thời đại (gdtd.vn) và Báo Dân trí (dantri.vn) mở diễn đàn “Hiến kế xây dựng phương án điểm sàn mùa tuyển sinh 2013”. Các phương án của bạn đọc đề xuất sẽ được đăng tải trên báo để trao đổi, tranh luận. Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về email: diemsan2013@gmail.com |
BTV (tổng hợp)