Không nên 'dàn đều' việc mua sách giáo khoa cho học trò mượn

GD&TĐ - Chủ trương xây dựng thư viện sách giáo khoa dùng chung được nhiều trường học ở vùng khó khăn áp dụng.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng bao bọc sách giáo khoa trước khi cho học trò mượn sử dụng trong năm học. Đây là cách làm để tăng “tuổi thọ” cho sách, có thể tái sử dụng nhiều năm.
Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng bao bọc sách giáo khoa trước khi cho học trò mượn sử dụng trong năm học. Đây là cách làm để tăng “tuổi thọ” cho sách, có thể tái sử dụng nhiều năm.

Số sách phải bổ sung mới hàng năm khoảng từ 5 - 10%. Hệ số sử dụng lại sách giáo khoa khoảng từ 2 - 3 năm học, tùy theo mức độ bảo quản của học sinh và nhà trường.

Photocopy sách bài tập

Hai năm nay, xã Trà Mai (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Trà Mai không còn được hưởng phụ cấp chi phí mua sắm dụng cụ học tập theo Nghị định 81 của Chính phủ nữa.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Từ nguồn ngân sách của huyện, nhà trường được trang bị sách giáo khoa Chương trình giáo dục phổ thông mới một lần để nhập vào thư viện. Đầu năm học, học sinh sẽ mượn sách giáo khoa để sử dụng trong một năm học. Với sách bài tập, nhà trường photocopy để học sinh có thể viết vào, sách gốc thì giữ lại để ở thư viện”.

Để có thể tái sử dụng sách giáo khoa trong nhiều năm, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS Trà Mai có quy định nếu cuối năm, học sinh nào làm mất sách, rách trang… phải đền cho thư viện. “Tuy nhiên, quy định này nhằm hạn chế số lượng sách giáo khoa bị hư hỏng, rách nát sau một năm sử dụng chứ cũng chưa áp dụng với bất kỳ một trường hợp nào. Hàng năm, nhà trường phải mua bổ sung từ 5 - 10% số bản sách của thư viện” – thầy Điệp thông tin.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng (huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) vừa trích từ nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất gần 80 triệu đồng để mua sách giáo khoa sử dụng cho năm học 2022 – 2023. Trong số này, chi phí mua sách giáo khoa cho học sinh khối 3 và 7 là 45 triệu đồng. Số tiền còn lại, nhà trường mua sách giáo khoa bổ sung cho các khối lớp khác để thay thế cuốn không còn sử dụng được hoặc bị mất.

Thầy Nguyễn Khắc Điệp tính toán, mỗi bộ sách sẽ dùng được khoảng 3 năm. Trong khi đó, ngân sách của huyện chỉ mua sách giáo khoa để trang cấp phục vụ cho Chương trình GDPT 2018 một lần. Vì vậy, những năm tới, nhà trường chưa biết lấy nguồn kinh phí từ đâu để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện cho học sinh mượn.

“Chúng tôi cũng nghĩ đến phương án vận động phụ huynh mua sách giáo khoa cho học sinh sử dụng. Tuy nhiên, với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương cũng như mức thu nhập người dân thì phần đông phụ huynh khó mà trang bị được sách cho học sinh”, thầy Điệp chia sẻ.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) tiếp nhận sách giáo khoa từ nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) tiếp nhận sách giáo khoa từ nguồn ủng hộ của các nhà hảo tâm.

Không nên "dàn đều"

Trước năm học mới khoảng gần 1 tháng, thông qua kênh giáo viên chủ nhiệm, Trường THPT Đức Phổ 1 (thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) thông báo rộng rãi đến học sinh của cả 3 khối lớp về chính sách hỗ trợ sách giáo khoa của một số đơn vị, cá nhân.

Theo đó, đối với trẻ thuộc diện gia đình khó khăn, sẽ được tặng sách giáo khoa hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua sách, tùy theo từng đơn vị liên kết với nhà trường. Tuy nhiên, theo thầy Hiệu trưởng Thạch Cảnh Bê, không có học sinh nào đăng ký với giáo viên chủ nhiệm để được hưởng chương trình này.

“Chi để mua sách giáo khoa thì các khoản sửa chữa nhỏ hoặc mua sắm mới một số đồ dùng, thiết bị… sẽ phải eo hẹp lại. Nhưng các trường ở miền núi đều phải tính toán như thế cả”, thầy Minh Anh khẳng định.

Trong khi đó, thầy Nguyễn Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Đinh Thanh Kháng - thì khẳng định, với điều kiện đặc thù của học sinh đồng bào dân tộc, rất khó có thể huy động để phụ huynh mua sắm sách giáo khoa cho trẻ. Vì vậy, nhà trường chỉ có thể sử dụng kinh phí mua sách giáo khoa để nhập vào thư viện cho học sinh mượn để học từ nguồn tăng cường cơ sở vật chất.

Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi - cho hay: “Lâu nay, các trường học, kể cả vùng thuận lợi hay khó khăn, đều mua sách giáo khoa, sách giáo viên và sách tham khảo để phục vụ cho giáo viên và học sinh mượn. Tuy nhiên, trừ các trường ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thì gần như số học sinh có nhu cầu mượn sách giáo khoa để học là rất ít, nếu không muốn nói là không có”.

Vì vậy, theo ông Thái, việc dùng ngân sách để mua sách giáo khoa trang bị cho các thư viện nhằm phục vụ cho 70% học sinh mượn để sử dụng cần phải cân nhắc đến điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương. Cũng cần phải khảo sát nhu cầu của học sinh về việc mượn sách, tránh lãng phí trong mua sắm.

Ông Thái cũng băn khoăn ngân sách để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện các trường học sẽ được trích từ ngân sách của Trung ương hay địa phương? Nếu là từ ngân sách của địa phương là bài toán khó, bởi tăng thêm chi phí đầu tư khi nguồn ngân sách để mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học cho Chương trình GDPT 2018 cũng là con số đáng kể.

Những người đứng đầu các trường học như thầy Điệp, thầy Minh Anh đều phấn khởi trước thông tin Bộ GD&ĐT đề xuất Chính phủ phương án trích từ ngân sách để mua sách giáo khoa đưa vào thư viện cho học sinh mượn. Đối với các trường vùng cao hoặc hải đảo xa xôi, đây là phương án giúp cho các hiệu trưởng đỡ đau đầu khi phải tính toán sử dụng nguồn kinh phí tăng cường cơ sở vật chất để trang bị sách giáo khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ