"Mượn sách đến trường": Tiếp sức học trò nghèo

"Mượn sách đến trường": Tiếp sức học trò nghèo

(GD&TĐ) - Sau hơn 2  năm áp dụng mô hình cho học sinh nghèo mượn sách giáo khoa đến trường của thầy và trò Trường THCS Thượng Cửu (xã Thượng Cửu, Thanh Sơn, Phú Thọ) đã góp phần duy trì bền vững tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến lớp.

Các em học sinh mượn và đọc sách trong giờ giải lao
Các em học sinh mượn và đọc sách trong giờ giải lao
 

Tận dụng nguồn sách cũ

Nhiều học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số không có điều kiện để mua sách giáo khoa phục vụ việc học hành. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các huyện miền núi nơi cuộc sống của những gia đình còn đang phải kiếm sống từng ngày. Việc để cho con em đến trường và có đầy đủ dụng cụ, sách vở lên lớp không phải phụ huynh nào cũng có thể làm được. Khắc phục khó khăn này, các thầy cô giáo Trường THCS Thượng Cửu đã kêu gọi sự ủng hộ, quyên góp những cuốn sách còn sử dụng được để mang về trường làm một tủ sách cho học sinh nghèo mượn để phục vụ học tập.

Mô hình cho học sinh nghèo mượn sách giáo khoa đến trường được xây dựng từ năm 2011, do thầy Nguyễn Văn Tuyến - Hiệu trưởng Trường THCS Thượng Cửu khởi xướng, với mục tiêu thiết thực là tận dụng nguồn sách cũ để học sinh nghèo có đủ điều kiện đến lớp học.

Thầy Tuyến cho biết: “Thượng Cửu là một xã miền núi nghèo của huyện Thanh Sơn, với 97% dân sinh là đồng bào dân tộc thiểu số: Tày, Dao, Mường. Trình độ dân trí thấp, sống chủ yếu bằng nghề nông. Mặc dù, rất mong muốn được đến lớp nhưng các em học sinh lại không có đủ điều kiện để mua sách, vở hay dụng cụ trang bị cho học tập.

Tôi đã trăn trở và đem suy nghĩ ấy bàn bạc với các thầy cô giáo trong trường. Được sự ủng hộ và góp sức của toàn trường, chúng tôi cùng nhau xây dựng, kêu gọi sự tham gia của toàn xã hội để giúp nhà trường và các em học sinh có sách đến trường. Chỉ sau thời gian ngắn kêu gọi, chúng tôi nhận được rất nhiều sự chia sẻ, từ phía ngành Giáo dục, phụ huynh và chính các em học sinh. Lượng sách thu thập được chủ yếu là sách giáo khoa và sách bài tập của học sinh vùng đồng bằng như trường Chu Văn An, Lê Quý Đôn, các đoàn từ thiện…”.

Em Lê Văn Hưng (xóm Sinh Tàn, xã Thượng Cửu), người dân tộc Dao là học sinh lớp 9B Trường THCS Thượng Cửu phấn khởi cho biết: “Nhà em cách trường hơn 10km, để đến được lớp học em đi bộ khoảng 3 tiếng đồng hồ. Ngày nắng thì gia đình cho đi học chứ mưa thì em xin nghỉ ở nhà vì đường sá đi lại khó khăn, đi bộ đi học nên gia đình sợ không đảm bảo sức khỏe, an toàn.

Đầu năm vừa rồi gia đình em bắt nghỉ ở nhà để đi làm. Nhờ thầy cô vào thuyết phục và thông báo cho em được mượn sách giao khoa, vở và cặp sách đến trường nên mới được đi học lại. Học ở đây em được nhà trường tạo điều kiện cho ở nội trú, mỗi tuần đóng 3kg gạo và 50.000 đồng tiền mua thức ăn, thông thường em về nhà 1 tuần/lần”.

Em Hà Thị Tuyến (xóm Mu, xã Thượng Cửu), sinh ra trong gia đình đông anh em, Tuyến cũng phải vừa tranh thủ buổi lên lớp, buổi ở nhà phụ giúp mẹ công việc đồng áng và chăn trâu. Nhờ được nhà trường hỗ trợ sách, vở và dụng cụ học tập năm nay mẹ Tuyến đã đỡ đi một phần tài chính cho gia đình. “Năm trước, em phải mua bộ sách cũ với giá 45.000 đồng. Còn năm nay được mượn sách đi học nên em không phải lo kiếm tiền mua sách nữa”.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuyến trao sách cho học sinh
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Tuyến trao sách cho học sinh
 

Những hiệu ứng tích cực

Sau hơn 2 năm áp dụng mô hình cho học sinh mượn sách giáo khoa đến trường,  đến nay số sách giáo khoa toàn trường có 4.770 cuốn, gồm 256 bộ từ lớp 6 đến lớp 9. Trong đó, khối lớp 6: 1.140 cuốn, khối lớp 7: 1.218 cuốn, khối lớp 8: 1.236 và khối lớp 9: 1.176 cuốn.

Thầy Tuyến cho biết thêm: Năm học 2013 -2014 nhà trường đã tổ chức cho mượn 140 - 150 bộ sách giáo khoa/tổng số 160 học sinh toàn trường. Bên cạnh đó, trường còn phối hợp với các tổ chức từ thiện trao quà, tặng học bổng, sách, vở ghi chép và dụng cụ học tập cho các em học sinh. Nhờ đó mà tỷ lệ chuyên cần tăng cao, kết quả học tập cũng cải tiến rõ rệt.

Thầy Phạm Tuân - Chủ tịch công đoàn Trường THCS Thượng Cửu kể lại: Thành lập mô hình cho học sinh mượn sách giáo khoa đến trường từ năm 2011, nhưng thực tế các thầy cô Trường THCS Thượng Cửu áp dụng từ năm 2009, chủ yếu là sách, vở của thầy cô nhà miền xuôi lên đây dạy học vận động được. Đến năm 2011, toàn trường phối hợp với phòng Giáo dục huyện Thanh Sơn kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng từ sách giáo khoa, vở, dụng cụ học tập, truyện tranh… Cứ vào dịp hè,  đầu năm nhà trường liên tục đón nhận sự hỗ trợ của các đoàn tình nguyện, nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài.

Xuân Hưng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ