Không nên “cả giận mất… khôn”!

GD&TĐ - Nhiều nhà giáo bức xúc và cảm thấy bị tổn thương khi đọc lá đơn xin nghỉ việc của thầy giáo ở Đồng Nai với lý do: “Công tác trong một cơ sở giáo dục có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá”.

Cô Hoàng Thị Thanh Bình và học trò của mình thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC
Cô Hoàng Thị Thanh Bình và học trò của mình thời điểm chưa có dịch Covid-19. Ảnh: NVCC

Tổn thương đến nhà giáo

Mới đây, thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn - Trường Tiểu học An Lợi (Long Thành, tỉnh Đồng Nai) – người được cho là tác giả của đơn đề nghị giải quyết thôi việc với lý do: “Công tác trong một cơ sở giáo dục có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá” đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là những người làm trong ngành Giáo dục. Nhiều nhà giáo bức xúc khi đọc xong lá đơn này vì cho rằng, những ngôn từ thiếu chuẩn mực vô tình xúc phạm đến nhiều thế hệ thầy, cô giáo đã và đang tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”.

Hơn 16 năm đứng trên bục giảng, trong đó có 14 năm dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn, thầy Trần Văn Tuyển – giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú Ka Lăng (Lai Châu) nêu quan điểm: Không nhận xét đúng sai, nhưng cách dùng từ ngữ của thầy giáo ở Đồng Nai đã khiến biết bao thế hệ nhà giáo bị tổn thương, thậm chí có cảm giác bị xúc phạm.

“Giáo viên vùng khó như chúng tôi – ngày ngày “gieo chữ” trên non chỉ với một tâm niệm: Mang ánh sáng tri thức đến với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và gieo niềm tin vào cuộc sống, những điều tốt đẹp nhất mà giáo dục mang lại cho các em. Vậy mà, đọc những ngôn từ trong lá đơn của thầy, tôi thấy phản cảm và tổn thương ghê gớm” - thầy Tuyển nói, đồng thời thẳng thắn phản đối với cách trình bày lý do của thầy giáo đó bởi ngôn từ không phù hợp với đạo đức nhà giáo.

Theo thầy Tuyển, có thể thầy giáo này đã “cả giận mất khôn”. Nhưng dù giận đến đâu cũng không nên dùng những từ ngữ thiếu trong sáng như thế. Bởi khi đã đặt bút viết vào đơn đề nghị, tức là thầy đã có thời gian để suy nghĩ, vậy nên tuyệt đối không được dùng những từ ngữ thiếu chuẩn mực.

Đồng quan điểm, cô Hoàng Thị Thanh Bình – giáo viên Trường Tiểu học Phố Cáo (Đồng Văn, Hà Giang) cho rằng: Đọc xong lá đơn của thầy giáo ở Đồng Nai, cảm giác bao nhiêu công sức của những ngày “cõng chữ” lên non bị “đổ xuống sông, xuống biển hết”. Điều đó chẳng khác gì phủ nhận công sức của đội ngũ thầy, cô giáo, phủ nhận những gì tốt đẹp mà giáo dục đã mang lại.

Chúng ta, trong đó có cả cá nhân thầy Sơn và gia đình của thầy giáo vẫn đang thừa hưởng thành tựu của giáo dục. Vậy mà thầy lại kết luận bằng những từ ngữ “đắng lòng” như: “…phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá”. Những từ này rất phản cảm, thậm chí mang tính chợ búa.

Làm hay nghỉ việc là quyền của mỗi người, nhưng không thể vì lý do bức xúc cá nhân mà “giận cá chém thớt”. Điều đó không chỉ tổn thương cho đồng nghiệp, mà hình ảnh, uy tín của thầy ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Nguy hiểm hơn là khiến dư luận nhìn nhận thiếu khách quan, công bằng về giáo dục. “Đành rằng, ở lĩnh vực nào cũng có “người này, người kia”, thậm chí cũng có những gam màu chưa được tươi sáng; nhưng không thể đánh đồng tất cả và không thể để “con sâu làm rầu nồi canh” - cô Bình thẳng thắn nói.

Lá đơn của thầy Lê Trần Ngọc Sơn gây xôn xao trên mạng xã hội. Ảnh: Internet
Lá đơn của thầy Lê Trần Ngọc Sơn gây xôn xao trên mạng xã hội. Ảnh: Internet

Giữ chuẩn mực của một nhà giáo

Chưa xét về tính đúng sai trong nội dung lá đơn mà thầy Sơn đề cập, nhưng khi đọc những dòng chữ ở phần lý do, cô giáo Lê Thị Thơ - Trường THPT Chúc Động (Hà Nội) không khỏi ngỡ ngàng và “sốc” trước những ngôn từ được viết trong đơn. Nghề nào cũng có những áp lực, thậm chí có thể xảy những bất hoà trong mối quan hệ đồng nghiệp, nhưng cần phải thích nghi và dung hoà. Khi đã quyết rời đi thì không nên nói xấu và phải giữ đạo đức nghề nghiệp.

“Tôi đang liên tưởng đến một cuộc tình. Giống như khi chia tay với người yêu, người kia quay lại nói xấu, hạ nhục đối phương. Ở góc độ đạo đức nghề nghiệp, tôi không tán thành cách hành xử như vậy. Có nhiều cách văn minh hơn” – cô Thơ bày tỏ.

TS Nguyễn Tùng Lâm – nguyên Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội - cho rằng: Sử dụng ngôn từ như vậy chưa khách quan, nhất là trên cương vị nhà giáo. Thầy, cô giáo là người mẹ hiền thứ hai, nên có mức độ ảnh hưởng rất lớn tới học sinh.

Vì thế, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng cần giữ cho mình chuẩn mực nhất định của một nhà giáo, không nên có những phát ngôn với từ ngữ thiếu trong sáng. Bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân của thầy giáo mà còn làm tổn thương biết bao thế hệ nhà giáo đã và đang tận tâm, tận hiến cho sự nghiệp giáo dục của nước nhà.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, trước hết giáo viên phải có tiếng nói tới cơ quan cấp có thẩm quyền để được giải quyết, không nên bất mãn, tự ý nghỉ việc và có “lời ăn tiếng nói” chưa chuẩn mực. Thiết nghĩ, công đoàn ngành giáo dục địa phương, phòng GD&ĐT huyện Long Thành và cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai cần sớm vào cuộc để làm rõ vấn đề và giải quyết đến “nơi đến chốn”.

Cái gì chúng ta có thể tha thứ, bao dung được thì nên bỏ qua và cùng nhau cố gắng. Một môi trường giáo dục tốt là nơi mọi người cùng đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, để không một ai bị bỏ lại phía sau. Cái xấu cần được lên án, xử lý triệt để. Ngược lại, quyền lợi của mỗi nhà giáo cần được bảo vệ và chăm lo. Hai yếu tố này cần được giải quyết hài hoà, êm ấm. - TS Nguyễn Tùng Lâm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ