Không hành động - nhân loại sẽ kết thúc vào năm 2050

GD&TĐ - Dường như mỗi tuần trôi qua lại có một báo cáo mới đáng sợ về biến đổi khí hậu do con người gây ra. 

Hình ảnh Chernobyl cho một cái nhìn thoáng qua về thế giới khắc nghiệt với cuộc sống có thể sẽ diễn ra vào năm 2050.
Hình ảnh Chernobyl cho một cái nhìn thoáng qua về thế giới khắc nghiệt với cuộc sống có thể sẽ diễn ra vào năm 2050.

Tác động này sẽ làm sụp đổ các tảng băng trên thế giới, dẫn đến sự tuyệt chủng tới 1 triệu loài động vật. Và, nếu điều đó còn chưa đủ tồi tệ, thì chính con người là nạn nhân tiếp theo.

Trong tuần này, một báo cáo chính sách mới từ nhóm chuyên gia cố vấn của Australia tuyên bố rằng, các báo cáo trước chưa thực sự đúng; những rủi ro đến từ biến đổi khí hậu thực sự tồi tệ hơn rất nhiều so với mọi người tưởng tượng.

Theo báo cáo, biến đổi khí hậu đặt ra “mối đe dọa cận kề đến sự tồn vong của nền văn minh nhân loại” và có khả năng cao xã hội loài người sẽ sụp đổ ngay sau năm 2050 nếu không có các hành động giảm thiểu biến đổi khí hậu thiết thực và hiệu quả được thực hiện trong thập kỷ tới.

Được xuất bản bởi Trung tâm Đột phá quốc gia về Phục hồi khí hậu ở Melbourne (một tổ chức nghiên cứu độc lập tập trung vào các chính sách đối với khí hậu). Báo cáo này chỉ ra, cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay lớn hơn và phức tạp hơn bất kỳ thứ gì con người từng đối phó.

Các mô hình khí hậu chung - giống như mô hình mà Hội đồng Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (IPCC) đã sử dụng trong năm 2018 để dự đoán rằng nhiệt độ toàn cầu tăng lên 3,6 độ F (2 độ C) có thể sẽ đem rủi ro tới cho hàng trăm triệu người.

Tuy nhiên, họ đã thất bại trong việc tính toán hết sự phức tạp tuyệt đối của quá trình địa chất liên kết với nhau trên Trái đất. Vì vậy, họ đã không thể dự đoán đầy đủ quy mô của các hậu quả tiềm tàng. Sự thật, theo nhóm nghiên cứu, có lẽ tồi tệ hơn nhiều so với bất kỳ mô hình nào có thể hiểu được.

Các tác giả đã đưa ra một kịch bản đặc biệt nghiệt ngã, bắt đầu từ việc các chính phủ trên thế giới “phớt lờ” lời khuyên của giới khoa học và ý nguyện của công chúng để “khử” carbon cho nền kinh tế (tìm các nguồn năng lượng thay thế), dẫn đến nhiệt độ toàn cầu tăng lên 5,4 độ F (3 độ C) trong năm 2050.

Tại thời điểm này, các tảng băng trên thế giới đã biến mất; Hạn hán tàn khốc giết chết lượng lớn cây trong rừng nhiệt đới Amazon (loại bỏ một trong những điểm bù carbon lớn nhất thế giới); hành tinh rơi vào một vòng quay với điều kiện tự nhiên ngày càng nóng và chết chóc.

Trong khi đó, hạn hán, lũ lụt và cháy rừng thường xuyên tàn phá đất đai. Gần một phần ba bề mặt đất liền trên thế giới biến thành sa mạc. Toàn bộ hệ sinh thái sụp đổ, bắt đầu từ các rạn san hô, rừng nhiệt đới và các dải băng ở Bắc Cực.

Các vùng nhiệt đới trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các thái cực khí hậu mới này, phá hủy nền nông nghiệp của khu vực và biến hơn 1 tỷ người phải sống tị nạn.

Số lượng người tị nạn khổng lồ cùng với bờ biển bị thu hẹp và sụt giảm mạnh về sản lượng thức ăn, nước uống bắt đầu làm căng thẳng kết cấu chính trị của các cường quốc trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Xung đột vũ trang về tài nguyên rất có thể sẽ lên đến đỉnh điểm bằng một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Kết quả cuối cùng, theo báo cáo giả định, là “hỗn loạn tột độ” và “cái kết của nền văn minh nhân loại mà chúng ta từng biết”. Viễn cảnh thảm khốc này chỉ có thể được ngăn chặn khi nhân loại nhìn nhận được mức độ khẩn cấp thực sự của tình hình và hành động ngay lập tức.

Theo các tác giả, loài người chỉ còn khoảng 1 thập kỷ nữa để chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu thành một hệ thống có độ phát thải carbon bằng không.

“Nỗ lực cần thiết để thành công sẽ tương đương với quy mô của cuộc huy động khẩn cấp trong Thế chiến thứ 2”, theo báo cáo.

Theo Livescience

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.