Anh: Học sinh, sinh viên tuần hành vì biến đổi khí hậu

GD&TĐ - Cuộc tuần hành diễn ra tại thành phố Manchester nằm trong chuỗi sự kiện được thực hiện bởi các học sinh, sinh viên trên toàn thế giới, nhằm tăng cường nhận thức về biến đổi khí hậu.

Nhóm học sinh biểu tình chống biến đổi khí hậu tại thành phố Manchester, Vương quốc Anh
Nhóm học sinh biểu tình chống biến đổi khí hậu tại thành phố Manchester, Vương quốc Anh

Cuộc tuần hành của những người trẻ

Theo Independent, 4.000 học sinh cùng các phụ huynh, giáo viên đã đổ ra đường trong cuộc tuần hành vì biến đổi khí hậu cuối tuần qua tại thành phố Manchester, Vương quốc Anh. Đây chỉ là một con số nhỏ trong tổng số hơn 1,5 triệu người, chủ yếu là học sinh, sinh viên, phụ huynh và giáo viên, cùng xuống đường tuần hành nhằm kêu gọi hành động về biến đổi khí hậu ở hơn 125 quốc gia.

Carmen King, 14 tuổi, trả lời phỏng vấn trong một bộ trang phục tang lễ. “Bộ trang phục này rất nóng, nhưng nếu như người lớn không tích cực hành động thì hành tinh này cuối cùng cũng sẽ trở nên nóng hơn mà thôi”. Cô gái lớp 9 đã cùng năm người bạn của mình diện lên những phục tang màu đen, thể hiện niềm tiếc thương cho sự lụi tàn của Trái đất.

“Không ai muốn có mặt ở đây vì thích biểu tình”, Carmen chia sẻ. “Bình thường em sẽ chọn đến lớp, nhưng điều này là quá quan trọng. Việc đi học sẽ có nghĩa lý gì nếu như trẻ em không còn tương lai?”. Khi được hỏi về phản ứng của các giáo viên, Carmen cho biết: “Đó là những ý kiến lẫn lộn. Một số thầy cô giáo nghĩ rằng chúng em không nên ở đây, nhưng một số khác cũng đồng ý rằng chúng ta không nên để hành tinh này tàn lụi”.

Đó cũng chính là tâm điểm của cuộc tuần hành 3 tiếng kéo dài hơn 1,6 km. Thông điệp mà những người tham gia tuần hành muốn chuyển tải rằng các thế hệ tiên phong đã gây ra những hệ quả khôn lường ảnh hưởng tới khí hậu Trái đất, và thế hệ này, bằng những phương thức lịch sự, có quyền lên tiếng yêu cầu chính phủ ban hành tình trạng khẩn cấp để giải quyết các vấn đề trên.

“Chuyện này sẽ không kết thúc. Chúng tôi cũng sẽ không ngừng gia tăng sức ép cho tới khi có những sự thay đổi, vì đó là giải pháp duy nhất vào lúc này”, Emma Greenwood, 15 tuổi, điều phối viên của cuộc tuần hành tại Manchester. “Những người trẻ đang dần nhận ra được sức mạnh của mình, khi chúng ta cùng chung tay xây dựng một cộng đồng quốc tế. Và sự phản kháng này sẽ còn tiếp tục diễn ra cho đến khi chính phủ có những hành động thực tiễn nhằm chống lại biến đổi khí hậu”.

Các cuộc tuần hành được tổ chức bởi mạng lưới học sinh Anh quốc vì khí hậu, như một phản hồi trước báo cáo về điều kiện ô nhiễm của Liên Hợp Quốc hồi tháng 10 năm ngoái. Theo số liệu, lượng khí thải carbon trên toàn cầu cần phải giảm xuống ít nhất là một nửa trong vòng 12 năm tới trước khi những ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu, như hạn hán, lũ lụt, trở nên không thể tránh khỏi.

Theo CNN, Vương quốc Anh là khu vực đầu tiên ban bố tình trạng khẩn cấp về vấn đề khí hậu, khi đóng vai trò là một thành viên chủ chốt trong Hiệp ước Paris về biến đổi khí hậu kí năm 2015. Để thực hiện được cam kết về vấn đề carbon như đã kí, các chuyên gia cho biết, quốc đảo này sẽ phải đưa lượng khí thải tiêu thụ xuống mức 0 vào năm 2050.

Giải pháp

Trong các cuộc đối thoại, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra liên quan đến các chính sách của chính phủ về vấn đề môi trường. Những ý kiến như tăng cường hỗ trợ cho các công ty năng lượng tái chế, mở rộng mạng lưới giao thông trong Liên minh châu Âu nhằm cắt giảm lượng khí thải từ các chuyến bay, cho tới việc đảo ngược Brexit cũng đều đã được mang ra thảo luận.

Tại các cuộc tuần hành, nhiều học sinh và phụ huynh cũng ủng hộ ý kiến hạ thấp độ tuổi bầu cử xuống còn 16 tại Anh, và đề xuất cải tổ lại toàn bộ chương trình giáo dục với trọng tâm hàng đầu là các vấn đề môi trường và khí hậu, từ các cấp bậc tiểu học cho tới đại học và cao đẳng. “Để tất cả học sinh đều sẽ lớn lên với những kiến thức và kĩ năng cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng mà chúng ta đang thừa hưởng”, Adam Haigh, sinh viên 19 tuổi ngành khảo cổ học từ vùng Cumbria chia sẻ.

Tại quảng trường St Peter, thành phố Manchester, rất nhiều học sinh đã đứng lên phát biểu trước đám đông người tuần hành. Từ các bài thơ cho tới những bài văn lập luận chặt chẽ, các em học sinh đã thể hiện quan sự quan ngại sâu sắc tới tình hình hiện nay, và cũng đưa ra rất nhiều giải pháp để mỗi người có thể tự cắt giảm lượng khí thải tiêu thụ trong cuộc sống hàng ngày.

Người phát biểu nhỏ tuổi nhất, em Kirby Brown, sử dụng giọng đọc 10 tuổi của mình với phong thái đầy tự tin. Trả lời phỏng vấn sau khi đọc bài thơ tự viết, em cho biết: “Em chỉ muốn nói là em rất yêu hành tinh, và mong nó sẽ trở nên tốt đẹp hơn”. Mẹ của Kirby cũng có mặt tại buổi tuần hành. “Cháu hỏi rằng liệu có thể nghỉ học hôm nay và tham gia sự kiện hay không, và tôi thầm nghĩ đây là một việc quá quan trọng để có thể từ chối... Tôi rất tự hào vì con tôi đã có mặt tại đây ngày hôm nay.”

Các cuộc tuần hành trên khắp thế giới được khởi xướng bởi Greta Thunberg, cô bé 16 tuổi người Thụy Điển đã biểu tình mỗi tuần trước nhà Quốc hội nhằm thúc đẩy chính phủ quan tâm hơn nữa tới biến đổi khí hậu. Chuỗi sự kiện này đang được ủng hộ mạnh mẽ ở khắp các quốc gia trên toàn thế giới, và được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những tháng hè.

Theo The Independent

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công ty Trái cây Nhiệt đới Hoa Kỳ giờ tên Chiquita và vẫn chưa phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát vì chuối năm 1928. Ảnh: Thecollector.com

Vụ thảm sát vì chuối

GD&TĐ - Năm 1928, ở Colombia, quốc gia Nam Mỹ với biệt danh đương thời là 'nước cộng hòa chuối'.